ảnh sưu tầm |
XUÂN NƯƠNG CÔNG CHÚA
Xuân Nương còn gọi là Nàng Xuân hay Hùng Xuân Nương, Năm Canh Tý (40), dẹp xong giặc Hán, bà được phong Đông cung Công chúa, Trưởng quân cơ nội các, kết duyên với em Thi Sách là Đặng Thi Bằng, trở thành em dâu của Trưng Vương. Hai vợ chồng được giao trấn giữ mạn sông Thao.
Châu Đại Man, nay là
các huyện Tam Nông, Thanh thủy, Cẩm Khê của tỉnh Vĩnh Phú, dưới thời nhà Hán đô
hộ, do một vị Lạc tướng người Việt trông coi tên là Hùng Sát. Hùng Sát thuộc
dòng dõi Hùng Vương. Ông sinh được nhiều con, trong đó có con trai trưởng là
Hùng Thắng và con gái út là Xuân Nương.
Khi Xuân Nương mới được hơn ba tháng thì bà mẹ
nhuốm bệnh qua đời.
Hơn ba năm sau, người cha cũng mất. Xuân Nương
ở với anh cả.
Khi Thi Sách cùng với hai chị em bà Trưng chuẩn
bị khởi nghĩa thì Hùng Thắng cũng có tham dự. Việc bại lộ, cả Thi Sách, Hùng Thắng
và mấy người em trai đều bị thái thú Tô Định giết chết. Xuân Nương phải bỏ nhà,
trốn đi lang thang rồi sau đó vào ẩn náu trong một ngôi chùa. Ở đây ngày đêm bà
tập luyện võ nghệ, nung nấu ý chí trả thù nhà đền nợ nước. Tiếng tăm của bà mỗi
ngày mỗi lan rộng, nhiều hào kiệt và dân chúng trong vùng đã về đây tụ hội.
Trong những ngày đầu khi Hai Bà Trưng dấy nghiệp,
Xuân Nương đã đem quân bản hộ về Mê Linh để gia nhập hàng ngũ nghĩa quân. Bà được
Hai Bà Trưng giao cho quản lĩnh một doanh trại lớn, đóng ở xã Hương Nha ngày
nay. Ngày đêm bà cùng quân lính tập luyện sẵn sàng chiến đấu.
Trong trận hạ phá thành Luy Lâu, Xuân Nương đã
lập được nhiều chiến công. Hai Bà Trưng xưng vương, bà được phong là công chúa.
Rồi chính Trưng Vương đứng ra xe duyên cho Xuân Nương lấy Thi Bằng là em chồng
của bà.
Hai vợ chồng Thi Bằng là người thân tín, từng
giúp rập Hai Bà Trưng nhiều công việc to lớn trong những ngày đất nước thanh
bình.
Khi Mã Viện kéo quân sang xâm lược, hai vợ chồng
Thi Bằng đều là những tướng lĩnh gan dạ, quyết tử.
Tướng quân Thi Bằng đã hy sinh oanh liệt giữa
trận tiền. Hay tin, bà Xuân Nương nai nịt gọn gàng rồi phi trên mình ngựa, kéo
quân đi đánh báo thù.
Trận chiến đấu kéo dài suốt từ sáng đến trưa.
Lúc này Xuân Nương đã có mang 5 tháng nên sức lực suy kiệt, đành phải mở một đường
máu rút lui.
Quân sĩ dìu Xuân Nương về đến bến Nam Cường
thì bà bị động thai, hoàn toàn kiệt sức, phải nằm lại, lúc ấy cũng đã là đêm tối.
Sáng hôm sau, thấy tình thế hoàn toàn tuyệt vọng,
bà dặn dò quân sĩ hãy tản đi các nơi, còn tự mình đi ngựa về phía chùa Hương Nộn.
Tại đây, bà đã gieo mình xuống dòng sông Thao ở
phía trước để tử tiết.
Về sau, mọi người lập đền thờ bà tại xã Hương
Nha và Hương Nộn, một nơi trước kia là đại bản doanh, còn một nơi là những phút
lâm chung của bà. Bà được tôn là thần thành hoàng của cả hai xã.
Lễ hội hàng năm ở đây đều được tổ chức trọng
thể.
Ở Hương Nha có làm cỗ chay để tưởng nhớ những
ngày trước kia bà Xuân Nương khổ công luyện tập cùng quân sĩ. Lại có các trò chơi
đánh vật, kéo co và hát đối đáp, cũng là để nhớ sự tập luyện và vui chơi của
quân sĩ trong một thuở xa xưa ...
Ở Hương Nộn, ngoài các trò chơi, còn có hát
xoan. Hát xoan là một tên gọi chệch của hát xuân, nhưng vì để kiêng tên bà, đã
gọi ra như thế.
Xuân Nương công chúa thường hiển linh, phù hộ
độ trì cho nhiều tướng lĩnh mỗi khi xuất quân ra trận. Các triều đại trước kia
đều có sắc thượng phong cho bà.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa