THÁP BÁO ÂN - SỰ TÍCH VÀ TRUYỀN THUYẾT - KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH

 

tháp Báo Ân ( ảnh sưu tầm)

THÁP BÁO ÂN

 Ở xã Bình Quân thuộc huyện Cầm Giàng (Hải Dương) ngày nay, ai đến cũng thấy ở giữa cánh đồng có một ngôi tháp cổ nhưng bốn xung quang lại ghi bia ký.
 
 Tương truyền ngày trước vào thời Lê mạt ở xã này có một vị phú ông thuộc dòng họ Nguyễn, nhà rất giàu có. Ông có mấy người con trai nhưng đều đã ra ở riêng và đều thuộc gia tư khá giả cả. Đến năm năm mươi tuổi, ông lại sinh thêm một người con gái út. Cả hai ông bà đều mừng lắm: Chắc đến tuổi già trong nhà sẽ đỡ hưu quạnh đây!
 
 Càng lớn lên, cô gái càng xinh đẹp, lại duyên dáng, nết na. Ông bà hết sức chiều chuộng, nâng niu, còn cô cũng thực lễ phép, chăm chỉ. Khắp trong làng ngoài xã, ai cũng nhìn vào cũng đều trầm trồ khen ngợi: "Nhà ông bà có cô con gái rượu thực là ... quý hóa quá!". Còn các chàng trai trong làng, mỗi khi thấy cô gái thì đều ngẩn ngơ.
 
 Về đường nhân duyên của con, ông già họ Nguyễn đã nhiều đêm suy tín kỹ càng. Ông dự định sẽ gả nàng cho một chàng nho sinh. Nhà ông mấy đời nay chỉ quen chân lắm tay bùn, đến đời ông và các con trai, tuy giàu thì có giàu, nhưng vẫn bị mang tiếng là ... đồ vô học. Vậy ông phải sửa cái tiếng ấy.
 
 Ông vẫn nhẩm tính. Các vị tân khoa trẻ tuổi trong vùng này chắc chẳng có ai vời đến con gái ông, vì làm gì có người đứng ra mai mối? Làm sao ông có thể tranh được chàng rể quý với các quan phủ, quan huyện vàcác vị trong hàng chức sắc khác? Vậy thì cứ gả cho một anh khóa sinh, như thế sẽ hớp với gia cảnh nhà ông hơn. Mai này nhờ trời, anh khóa học hành tấn tới, lại thêm có của nả nhà ông giúp vào, đến kỳ thi mà đỗ đạt ra làm quan thì ông cũng chẳng được tiếng lắm sao? Nhược bằng anh khóa không đỗ, thì vẫn là người có học, ra đường gặp ai cũng được nể trọng, đến chỗ đình trung vẫn chẳng bị người ta rẽ rúng là phường bố đĩ, bố cu được như thế cũng đã là tốt lắm rồi!
 
 Ý định của ông so với đương thời quả là rất hợp tình, không có gì là quá đáng cả. Và nhiều người cũng đều có suy nghĩ như vậy. Con gái ông, do biết được ý định của cha, nên cũng phấp phỏng đợi chờ.
 
 Nhưng nào ngờ, ông trời thật quái ác, chẳng chịu chiều theo lòng người. Từ lúc cô gái 16 tuổi, ông bố đã kén rể nhưng chưa xong, thì đến năm 18 tuổi, bỗng nhiên nàng mắc phải chứng bệnh phong. Tuy mới chỉ là những dấu hiệu đầu tiên, nhưng đã cho thấy nhãn tiền cái kết cục bi thảm đang sờ sờ ra, ở ngay trước mặt. Thời ấy, không thầy nào thuốc nào có thể chữa được bệnh phong. Ai mắc bệnh này chỉ còn ngồi chờ chết. Trong tâm lý đương thời, ai cũng muốn tránh xa người mắc bệnh, vì sợ bị lây. Còn đến khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, thì chỉ vừa mới trông thấy, mọi người cũng đã sợ rồi. Ngay cả người nhà cũng ngại không muốn tiếp xúc với người bệnh trong nhà.
 
 Chẳng còn cách nào khác, ông già họ Nguyễn đành phải làm cho con gái một ngôi nhà nhỏ ở ngoài đồng. Ông cấp cho nàng đầy đủ quần áo và các vật dụng. Lương thực thực phẩm thì nửa tháng cho người nhà đem ra một lần. Rau cỏ nàng có thể trồng ở xung quanh nhà để hái cho tiện.
 
 Mặc dù rất thương con, nhưng dư luận xã hội buộc ông phải làm như thế. Còn nàng thì cũng biết thân biết phận mình, chẳng dám oán trách cha mẹ đều gì. Chỉ âm thầm chịu đựng, đêm ngày thui thủi một bóng một mình.
 
 Nói ông trời quá ác, nhưng nhiều khi cũng thấy ông mở lượng hải hà. Hơn một năm sau, một hôm có vị cử nhân trẻ tuổi, người trong huyện Kinh Môn cùng tỉnh, trên đường lên kinh thi Hội, đi qua. Lúc ấy với trời gần tối, chàng ta lại đang ở giữa cánh đồng thì bỗng đâu cơn mưa kéo đến rồi mưa đổ nước xuống như trút. Nhìn phía trước thấy làng xóm còn xa xôi, nhưng ở ngay trước mặt lại có ngôi nhà nhỏ, chàng ta vội vàng chạy lại xin nghỉ nhờ. Nàng ra mở của, chàng cử trẻ tuổi bước vào. Bốn mắt nhìn nhau, tuy chưa nói, nhưng ngay phút đầu, cảm tình đã có.
 
 Nàng hỏi tên tuổi, quê quán và hỏi làm gì mà chàng qua đây trong lúc mưa gió thế này? Chàng cứ thực trả lời, giọng nói cử chỉ lại đầy chìu mến. Nàng hơi bẽn lẽn nhưng cũng tự giới thiệu là cha mẹ đã già, lại nhà neo đơn, nên phải làm nhà ra đây để trông nôm hoa màu. Tiếng rằng là cử nhân, nhưng thực ra nhà chàng cũng thuộc loại không phải giàu có, từ nhỏ chàng cũng đã quen chân lắm tay bùn, nên nghe thấy thế, chàng cũng động lòng thương cảm và có phần mến phục.
 
 Ngoài trời vẫn mưa tầm tã và có cơn mưa đến hết đêm ... Lại thỉnh thoảng sấm sét nổi lênh đùng đùng. Đang chuyện trò thì trời sập tối. Nàng đứng dậy đi châm đèn rồi mời chàng nghỉ lại dùng cơm. Chàng nhận lời, và họ cùng nhau chuẩn bị nấu nướng ...
 
 Bữa cơm tình cờ, cũng như gặp gỡ tình cờ, càng lúc lại càng làm cho tình cảm giữa hai người thêm phần đầm thắm. Dưới ánh đèn, chàng nhận thấy ở nàng một vẻ đẹp thực sự giai nhân. Mắt phượng, mày châu, mũi dọc dừa, còn miệng thì tươi như hoa chớm nở. Lại thêm, khuôn mặt nàng trái soan với mái tóc dài và dáng người thon thả. Chưa bao giờ chàng thấy một người con gái nào đẹp như thế. Cũng chưa bao giờ chàng nghe được một giọng nói dịu dàng mà thắm vào lòng người đến như thế, Đặc biệt khi nào cười, đôi môi chúm chím, hai mắt như hai hạt nhãn long lanh, còn hai má thì ửng hồng, càng làm cho chàng thêm đắm sai, mê mẩn. Chàng hoàn toàn không hay biết nàng có dấu hiệu của bệnh phong đã thể hiện một phần qua hai gò má ửng hồng ấy. Còn nàng cũng nhận thấy ngay ở chàng một vẻ đẹp nam nhi khỏe mạnh và một tấm lòng thật hào hiệp. Chàng lại đang trẻ tuổi, học rộng tài cao và đều ấy dã làm cho nàng cảm phục thêm gấp bội phần.
 
 Thế rồi, cái gì phải đến thì cũng đã đến. Cơm nước xong, Hai người lại ngồi tiếp tục chuyện trò, rồi ước hẹn trăm năm với nhau. Dưới ánh đèn bập bùng, họ nhìn nhau đắm đuối. Rồi chàng ôm ghì lấy nàng. Còn nàng thì gục mãi khuôn mặt kiều diễm vào một bên ngực chàng. Chàng dìu nàng lên giường. Cuộc ân ái diễn ra vô cùng nồng nàn, dường như trời đất sinh ra là để dành riêng cho nhau vậy.
 
 Sáng sớm hôm sau, cơn mưa cũng đã ngớt. Nàng khẽ gỡ tay chàng rồi lén dậy thổi cơm. Trong thâm tâm, nàng hiểu rằng đây là bữa cơm cuối cũng giữa hai người, bữa cơm vĩnh biệt. Còn chàng thì dùng dằng chưa muốn dời chân, nhưng sau khi nghe nàng nói, chàng cũng bịn rịn, rồi chuẩn bị lên đường.
 
 Đúng ra, chàng có thể ở lại thêm một vài ngày nữa, vì việc vào trường thi cũng chẳng đến nỗi phải quá vội vàng. Thế nhưng, cả hai người đều hiểu là họ không thể ở bên nhau thêm được nữa. Làng nước ra mà trông thấy thì họ còn có mặt mũi nào. Ấy là chưa kể nếu có ai đó định làm to chuyện ra thì sẽ rầy rà cho cả hai người.
 
 Khi chia tay, họ lại nói với nhau những lời ước hẹn, và cuộc đưa tiễn diễn ra thật cảm động vô cùng.
 
 Còn lại một hình một bóng, bỗng nhiên nàng cảm thấy vô cùng buồn bã. Nàng đóng chặt cửa rồi ngồi khóc ròng rã mấy ngày liền. Nếu trước kia chỉ là buồn tủi thì bây giờ đây, nàng thực sự đau xót cho duyên phận của mình. Nàng hiểu rằng lời hẹn ước với chàng là hoàn toàn không thể thực hiện được.
 
 Nhưng cùng với nỗi đau, những cảm giác của nàng lại bừng bừng sống dậy, và ý nghĩ của nàng lại nương theo những cảm giác ấy. Nàng thấy chàng đối với nàng hoàn toàn chân thực, không có chút giả dối nào.Chàng cũng chẳng huyênh hoang tự vỗ ngực mình: "Quân tử nhất ngôn", mà chỉ nhẹ nhàng nói rằng dù đỗ dù không thì chàng cũng nhất quay trở lại đây, rồi cưới nàng làm vợ.
 
 Ôi! Cầu mong sao cho chàng đỗ đạt! Sau ngày cưới, nàng sẽ theo chàng lên Kinh đô nhận chức. Rồi sẽ là nhà cửa, con cái đề huề. Dù ở Kinh đô hay ở trấn, ở phủ, thì đi đến đâu, nàng cũng được mọi người kính trọng, nể vì, và cha mẹ nàng rồi cũng được vẻ vang với làng với nước.
 
  Còn nhược bằng nếu chàng không đỗ, thì với danh phận cử nhân, dần dà rồi chàng cũng được bổ dụng. Trước có thể là hàng chức sắc ở phủ, ở huyện, sau sẽ là tri huyện hay một chức quan nhỏ ở Kinh đô ... Nàng cũng vẫn có nhà cửa, con cái đề huề. Rồi thỉnh thoảng nàng mang con về thăm cha mẹ, hoặc mời cha mẹ lên chơi. Cha mẹ nàng hẳn sẽ được hả hê, sung sướng trong lòng.
 
 Nhưng chỉ vừa nghĩ đến đấy thô thì nàng đã lại thổn thức, rồi nước mắt tuôn rơi. Nàng lại khóc than cho duyên phận của mình! Ôi! Làm sao nàng có thể đang tâm giấu bệnh tật của mình với chàng đến sau ngày cưới? Cho dù lúc ấy, chàng không ruồng rẩy hắt hủi nàng đi nữa, thì nàng cũng cảm thấy áy náy và sẽ ân hận đến suốt đời. Nàng không thể cho chàng những đứa con mà sau này chúng lớn lên chúng sẽ lại mắc chứng bệnh như nàng. Nàng cũng không thể chung đụng mãi với chàng để rồi cuối cùng sẽ gây cho chàng nhiễm phải căn bệnh quái ác ấy! Hỡi trời cao đất dày, sao lại nỡ đày đọa nàng cho đến nông nỗi này?
 
 Thôi thì đành gác lại câu chuyện chồng con, coi như nàng không có phúc có phần được hưởng. Và cũng đành gác lại, không thể báo hiếu, không thể làm vẻ vang để đền đáp lại, cả công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
 
 Chợt nhớ đến lời ông thầy thuốc nói về căn bệnh sau này, nàng cảm thấy vô cùng kinh hãi, chân tay rụng rời. Đang mặt mũi xinh đẹp thế này, đang thân thể, chân tay đầy đặn, trắng trẻo thế này, mà sao đến lúc mặt mũi lở loét, thân thể chân tay cũng lở loét, và các ngón chân ngón tay thì bị cụt lủn đi? Không! Không thể nào như vậy được! Đau đớn thể xác nàng còn có thể chịu đựng, chứ một thân hình gớm guốc đến như thế, thì nàng thà chết đi còn hơn!
 
 Trong suốt mấy ngày, nàng tỉnh rồi lại khóc, khóc rồi lại mê. Và cứ như thế, cho đến lúc nàng cảm thấy sức cùng, lực kiệt không thể sống được nữa, và nàng cũng không thể sông đuộc nữa, thì nàng lê bước lại phía cửa sổ, mở cửa rồi nhìn mãi theo con đường mà chàng đã ra đi. Trong lòng nàng lại rộn lên bao nhiêu nỗi niềm và đau xót. Nàng thương cho sự lẻ loi đơn chiếc của chàng, khi nàng đã vĩnh viễn rời bỏ thế gian này. Nàng lại thương cho chàng phải đường xa lặn lội, rồi không biết có công thành danh toại được hay không?
 
 Chắp hai bàn tay vào nhau, nàng gục đầu xuống bên cửa sổ, hướng về phía Kinh đô, nơi chàng đang có mặt để ứng thí, nàng thì thầm nói với chàng những lời vĩnh biệt. Rồi nàng chúc cho chàng vạn sự bình yên. Nàng cầu xong cho chàng lần này thi đỗ đại khoa. Nàng xin chàng đừng bao giờ quên mối tình đằm thắm và tấm lòng thủy chung son sắc của nàng. Nhớ lại cái đêm mưa gió bão bùng, trên chiếc giường nhỏ, nàng đã trao cho người mình yêu cả tấm tình trong trắng, trọn vẹn, thì nàng nở một nụ cười mãn nguyện, rồi từ từ khép vành mắt lại. Nàng đã về với cõi vĩnh hằng.
 
 Khi người nhà, theo định kỳ, mang gạo và thức ăn đến cho nàng, thì thấy nàng dã chết. Người này chạy về báo cho ông bà và con cháu biết. Mọi người than khóc hồi lâu, rồi đi lo liệu chôn cất cho nàng. Ngôi môï được đặt ngay trên miếng đất mà nàng đã ở, còn nhà thì gỡ bỏ đi. Từ lúc khâm liệm cho đến khi thắp bó nhang cuối cùng lên trên nấm mộ, cả cha mẹ nàng cho đến mọi người, ai cũng đều đinh ninh rằng chết là do trong người sẵn mang bệnh trọng, nên sức yếu và đã bị cảm mạo bất ngờ ... Tuyệt nhiên, không một ai nghi ngờ, không một ai hay biết, rằng nàng đã có một mối tình. Mối tình với chàng trai trẻ đỗ cử nhân và đang lên đường thi Hội. Một mối tình mà lẽ ra thật tuyệt vời, nhưng trên thực tế thì lại đầy tuyệt vọng!
 
 Chàng cử nhân trẻ tuổi, khi bước chân ra khỏi nhà nàng, lúc đầu còn có phần bùi ngùi, bịn rịn, nhưng sau đó thì nhẹ bước lâng lâng. Dậy lên trong lồng ngực chàng, khiến con tim phải thổn thức, ấy là nỗi vui mừng khấp khởi. Tưởng là gặp phải cơn mưa bão mà hóa ra lại gặp duyên trời. Chân chàng soãi những bước dài, không nhanh mà cũng không chậm, còn miệng thì lẩm bẩm khấn khứa thành lời: "Kính xin trời đất thánh thần, xin phúc ẩm tổ tiên ông bà, phù hộ đỏ trì cho con lần này có tên trên bảng, dẫu chẳng khôi nguyên, á nguyên, thì chí ít, cũng không phụ lòng người con gái mà con đã hẹn hò".
 
  Chàng cử nhân chưa có vợ thâït, phần vì bận học hành thi cử, phần vì chưa có ai để lọt mắt xanh, nên khi thấy nàng, chàng đã dem lòng yêu thực sự. Lúc hẹn ước rồi thề nguyền, chàng đã nói như vậy với nàng. Và bây giờ đây, trong tâm trí chàng, trên đường đi hay ở trọ, hình bóng nàng vẫn luôn luôn hiện lên, một cách rõ rệt. Nhất định chàng sẽ cưới nàng. Nhất định chàng sẽ ăn đời ở kiếp, chia ngọt sẻ bùi với nàng.
 
 Tuy nhiên, đôi khi chợt nghĩ rằng mình sẽ không đỗ, thì lập tức càng thấy tái tê. Chàng ái ngại cho mình khi thì ít mà ái ngại cho nàng thì nhiều. Nhưng không sao! Dẫu thế nào thì nàng vẫn là chỗ dựa, là niềm an ủi của chàng! Nàng đã nói như thế, và chàng càng cảm thấy yêu mến nàng hơn. Một người vợ đẹp, lại đức hạnh vẹn toàn, thì làm sao lại không đánh đổi một sự nghiệp được nhỉ? Chàng tự mỉm cười, cho mình, và cho tất cả các bậc mày râu khác ở trên đời.
 
 Khi bước chân vào trường thi thì chàng cảm thấy mình hoàn toàn bình tâm, tĩnh trí, và lại có phần phấn khởi thêm nữa, vì ít nhất chàng đã không phải lo lắng đến việc đỗ hay trượt. Đối với chàng, đậu hay trượt cũng chẳng có gì hệ trọng lắm.
 
 Cả bốn tường thi, chàng đều làm bài một cách thoải mái, khô gò gãm. Nghĩ chín chắn đâu ra đấy rồi, chàng mới bắt đầu viết. Mà cũng thật rõ ràng, phân minh. Đến khi đọc lại, chàngvẫn thấy đầu óc mình sáng suốt, nhận ra các bài, ý tứ đầy đủ, mạch lạc, còn hành văn thì trôi chảy, lưu loát. Riêng trường thi thơ, phú, thì chàng cảm thấy đặc biệt hài lòng. Căm hứng cứ như tự đến với chàng. Nó tràn trề, lai láng, tựa như chàng chỉ vảy bút là đã thành thơ, thnàh phú rồi. Lúc ấy, chàng nhớ lại, chính là lúc hình ảnh Nàng đang hiện về rõ nét nhất.
 
 Cho hay, khi làm thơ làm phú, dẫu là đang thi cử ở nơi trường ốc, thì việc trong tim có mang theo hình bóng của một người đẹp, là vô cùng quan trọng, nó có ích hơn tất cả các điều khác cộng lại.
 
 Sau cuộc thi, chàng bỏ đi ngao du ở đâu đó ở Kinh đô và các vùng phụ cận. Về nhà hay về gặp nàng thì chàng không dám. Tốn tiền, chậm ngày giờ xem yết bảng, và cái chính là biết ăn nói thế nào bây giờ? Dẫu có cảm thấy bài làm cũng không đến nỗi, nhưng chàng chưa dám tin là mình sẽ đỗ. Chàng tự ti, nghĩ rằng thiên hạ này thiếu gì người tài? Lại nữ, ở thôn quê, học với ông thầy hàng tỉnh, khó lòng mà địch nổi với nhũng người khác ở chốn Kinh đô . Cứ xem cái vẻ huyênh hoang của họ lúc đến trường thi thì đủ rõ. Họ làm như thể đã đỗ thật không bằng. "Chắc là họ đã tìm cách đút lót cho quan chấm thi rồi, nên mời như thế chăng? Chàng chợt nghĩ, nhưng rồi lại chép miệng. "Thôi mặc kệ họ! Nếu ta không đỗ, thì vẫn còn nàng kia mà!"
 
 Hôm yết bảng và làm lễ xướng danh, chàng từ trong nhà trọ đi ra, với tâm trạng hoàn toàn dửng dưng, không vui, không buồn mà cũng chẳng háo hức. Chàng thấy một đám rất đông, gồm đủ các hạng người, đang nhộn nhạo lên ở chỗ treo bảng. Được một lúc thì thấy từ chỗ đám đông ấy có sự chen lấn xô đẩy và tiếng la hét om sòm. Chàng không dám chen vào, nhưng thấy từ đấy đi ra một vài người có vẻ mặt hớn hở, vênh vang. Lại thấy nhiều người nữa, khuôn mặt rúm ró đau khổ trông thật tội nghiệp. "Ôi! Thi với cử " Chàng nghĩ "Thật phù du là con đường công danh, sự nghiệp. Thật phù du là cái khiếp người!"
 
 Chàng chưa kịp xem bảng yết , thì đã đến lễ xướng danh, nên vội đến nghe. Chàng thấy cứ mỗi khi tiếng loa gọi đến tên ai, lại thấy có tiếng la hét và một vài người nhảy lên câng câng, trông rất tức cười. Vô khối người khác nhấp nhỏm. Chán quá, đã toan bỏ ra ngoài cho khỏi nóng bức thì chàng chợt nghe thấy tiếng gọi tên mình. Cứ ngỡ là tên trùng với tên của ai đó, hoặc giả không phải tiếng loa mà chỉ là tiếng gọi thường, nên chàng lắng tai nghe, và đến lần thứ ba, mới dám đáp to lên: "Bẩm có". Rồi chàng chen lên, đứng vào hàng những người đỗ đạt. Tiếng loa vẫn tiếp tục, một lúc sau thì dừng..
 
 Chàng không được chọn thi Đình, nhưng cũng chẳng cảm thấy buồn, mà trái lại, còn cảm thấy vui nữa. Sau khi vào cung nhận mũ áo vua ban, rồi dự yến tiệc, chàng trở về nhà trọ, cảm ơn chủ nhà, và thu dọn đồ đạc. Khi có lính hộ tống đến, chàng ngồi trên võng, để họ rước đi. Cái lệ đặt ra là thế, chàng có từ chối thì cũng không được kia mà.
 
 "Ừ thì vinh quy", chàng nghĩ , "Nhưng trước hết, hãy về thăm nàng cái đã". Chàng chỉ cho những người lính đi theo con đường cũ, còn trong lòng thì khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, đến những chỗ lội hoặc đoạn đường vắng vẻ, chàng lại bảo những người khiêng võng dừng lại để chàng xuống đi bộ.
 
 Khi tốp người vào đến cánh đồng có ngôi nhà của nàng thì chàng nhìn mãi mà chẳng thấy nhà đâu. Đến tận nơi, thấy trên nền đất cũ, chỉ còn lại một ngôi mộ mới đắp. Chàng rùng mình, chợt nghĩ đến sự chẳng lành. Tuy nhiên, chàng vẫn cố chờ đến khi trong làng có người đi ra. Chàng vẫy lại hỏi, thì người đó đáp: "Cô ấy chết rồi!". Chàng đến bên nấm mộ, vật vã kêu khóc. Vừa khóc chàng vừa kể lể, gọi mãi tên nàng. Những người lính và người làng đều cảm thấy bùi ngùi. Họ xúm lại an ủi, khuyên can, rồi người làng dẫn đường cho chàng, trở vào nhà ông họ Nguyễn.
 
 Đến nơi, vừa trông thấy ông lão, từ trong nhà bước ra cổng đón, chàng đã quỳ xuống sụp lạy, theo đúng lễ con rể đối với bố vợ, khiến ông lão, vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, nước mắt tuôn trào.
 
 Thấy sự lạ, anh em họ hàng lúc ấy cũng lục tục kéo đến. Khi chủ khách tề tựu trong nhà, chàng kể lạ tình đầu câu chuyện, từ lúc mắc mưa được nàng giúp đỡ, rồi hai bên hẹn ước với nhau thế nào.
 
 Ông lão vừa nghe, vừa bùi ngùi trong dạ. Tuy nhiên, ông nói ông không dám nhận chàng là con rể, vì ông nghĩ, chàng bây giờ đường đường là một vị đại khoa, còn con ông thì đã chết rồi. Khi ông lão nói xong, chàng bèn đứng dậy ngay, nói:
 
 - Thưa cha mẹ cùng các ông các bác trong anh em họ hàng. Các cụ ngày xưa đã dạy: "Một ngày nên nghĩa, đoạn đường nên quen", thật đúng với hoàn cảnh của con lúc bấy giờ. Lại đến câu: "Lời nói như dao chém đá", thì con nghĩ, đời đời cũng chẳng dám quên. Dẫu bây giờ nàng đã khuất, nhưng xin cha mẹ vẫn cho con được nhận là vợ, và lo liệu các việc về sau cho nàng.
 
 Ông lão vừa nghe, vừa lấy khăn chấm dòng nước mắt, còn bà lão thì òa lên, nức nở tự bao giờ. Anh em họ hàng, ai nấy cũng đều cảm thấy ngậm ngùi, rồi mỗi người mỗi câu, khuyên ông bà hãy nên nhận chàng làm con rể. Trong lời nói của mỗi người, chẳng mấy ai không nhắc đến câu: "Gia đình chúng tôi xin đội ơn quan tân khoa đã có tấm lòng thương yêu, độ lượng ..."
 
 Ngay chiều hôm ấy, ông già họ Nguyễn cho dựng rạp, mổ lợn ... để mời anh em và họ hàng, làng xóm đến dự, chứng kiến cho lễ nhận rể của ông. Lại sai người nhà mang lễ vật ra tận ngoài mộ, để chàng rể làm lễ tế vợ của mình. Chàng mặc áo trắng, chít khăn trắng, rồi hành lễ theo đúng phong tục và nghi thức đòi hỏi. Còn trên bài vị của nàng, thấy ghi rõ dòng chữ: "Vợ chính thất của quan tân khoa Tiến sĩ ..."
 
 Làng nước được chứng kiến hai cuộc hành lễ liền, ai nấy cũng đều trầm trồ khen ngợi. Thật là trọn tình vẹn nghĩa. Trên thế gian hỏi dễ mấy ai có được tấm lòng thương yêu và độ lượng như vị tân khoa trẻ tuổi này?
 
 Từ đấy trở đi, các việc đến với quan tân khoa cứ tuần tự như tiến. Chàng về quê vinh quy bái tổ, rồi lên Kinh đô nhậm chức. Đường quan tước thăng tiến dần dần. Tuy nhiên chàng vẫn giữ trọn đạo con rể đối với hai ông bà họ Nguyễn.
 
 Ba năm sau, chàng từ nhiệm sở trở về để cải cát cho người vợ xấu số. Chàng xuất tiền ra xây một ngôi tháp lớn ở ngay trên nền đất cũ, rồi cho đặt xương cốt của vợ mình vào. Xung quanh tháp chàng định cho đắp chữ nổi nhưng sau nghĩ thấy làm như thế e có người dị nghị, chắc không thuận, nên lại thôi.
 
 Chàng vẫn giữ mãi bổn phận con rể với hai ông bà, cho đến lúc họ qua đời, rồi cải cát, cúng giỗ. Còn ngôi tháp thì đứng đó, thi gan cùng tuế nguyệt, là chứng tích muôn đời cho một mối tình thủy chung, son sắt, đáng để cho mọi người tưởng nhớ, khâm phục.
 
 Dân chúng trong vùng quen gọi đó là tháp Báo Ân. Tên ấy có thể chưa chính xác và cũng không thấy ghi ở trên tháp, nhưng đã được khắc sâu vào lòng người, từ thế hệ này đến thế hệ khác ...
 
 Vũ Trinh (1759 - 1828), một vị quan chức lớn dưới cả hai thời Lê mạt, Nguyễn sơ, đồng thời cũng là một tác gia văn học có tầm cỡ, đã ghi lại câu chuyện này trong tập Lan trì kiến văn học. Tuy nhiên, ông mới chỉ kể lại một cách sơ sài. Riêng đoạn chàng cử nhân đỗ đại khoa, thì ông lại viết, đại ý: Bài vở của chàng lẽ ra không được đỗ, nhưng linh hồn cô gái (lúc ấy đã chết) hiện về, nhận là vợ của chàng, và xin với quan chấm thi hãy thương tình mà cho đỗ. Quan nể tình, nghe theo ...
 
 Quan chấm thi nói lại sự thể ấy với chàng tân khoa. Và chắc do chàng được đỗ nhờ âm phù của cô gái, nên sau đó mới "tạ ơn" bằng cách: đến nhận làm con rể, làm lễ tế, cải táng, xây tháp ...
 
 Phải chăng như thế đã đúng với sự thật? Chúng tôi nghĩ, có lẽ không phải như vậy. Chuyện âm phù làm sao có được bằng chứng? Lại nữa, tình tiết này thấy ngan ngản trong các sách vở thời trước viết về thi cử cả sách ta lẫn sách tàu, nên chúng tôi nghĩ rằng đó chỉ là một cách lý giải chuyện đỗ đạt theo quan niệm của người xưa mà thôi. Ngay cả các tác giả tài danh của thời hiện đại, như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, cũng do ảnh hưởng của quan niệm ấy, nên đã kể lại một cách khá tự nhiên những tình tiết này trong một vài tác phẩm viết trước cách mạng (1945).
 
 Nhưng dầu sao cũng rất có thể, câu chuyện âm phù này là có thực, ai mà biết được? Vậy chúng tôi cứ trình bày lại những kiến giải của Vũ Tiên sinh để bạn đọc tự mình suy ngẫm, kết luận.
 
 Việc thể hiện lại toàn bộ câu chuyện theo một hướng khác, như chúng ta đã làm, có thể cũng chỉ là một cách lý giải. Suy xét như thế nào là tùy ở bạn đọc.
Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới