Phật Mẫu Man Nương - ảnh sưu tầm |
PHẬT MẪU MAN NƯƠNG - SỰ TÍCH VÀ TRUYỀN THUYẾT |
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất, bên bờ tây
sông Thiên Đức có ngôi chùa Phúc Thắng. Trụ trì trong chùa là nhà sư Đà La, chẳng
những tài cao đức rộng mà còn có nhiều thuật phép lạ, nên được dân chúng khắp
nơi kính phục, tìm đến theo học rất đông.
Thuở ấy, trong vùng có một người con gái tên gọi
Man Nương, cha mẹ mất sớm, lại nhà rất nghèo, cũng tìm đến chùa để theo học.
Man Nương tính tình thật thà, chất phát, lại
siêng năng chăm chỉ, nhưng vì có tật nói lắp không tụng kinh được, nên sư Đà La
giao cho việc nấu nướng để tiếp đãi các tăng ni đến chùa.
Một đêm vào giữa tháng năm, trời khi ấy đã
khuya, Man Nương nấu chín nồi cháo đã lâu mà nhà sư và các tăng ni vẫn còn mải
mê tụng kinh niệm Phật. Ngồi tựa ở cửa bếp để chờ, vô tình Man Nương ngủ thiếp
đi từ lúc nào không biết.
Khi tụng kinh xong không thấy Man Nương bưng
cháo lên như mọi lần, sư Đà La bèn xuống bếp để xem sự thể thế nào. Thấy Man Nương
đã ngủ say, không tiện đánh thức dậy, nhà sư liền né người bước qua để vào lấy
cháo. Không ngờ chỉ như vậy thôi, mà Man Nương đã mang thai.
Có thai được ba tháng thì Man Nương cảm thấy xấu
hổ quá, bèn bỏ chùa ra về. Sư Đà La, sau đó cũng rời đi nơi khác. Mấy tháng sau
Man Nương sinh hạ được một mủn con gái, bèn tìm đến nơi nhà sư đang tu hành để
trả con lại.
Sư Đà La ôm đứa trẻ, cùng Man Nương đi tới cây
phù dung ở một ngã ba đường. Đó là một cây cổ thụ, cành lá sum xuê xanh tốt, lại
có cái hốc rất to ở phía gần gốc. Đặt đứa trẻ vào trong hốc cây, nhà sư nói:
"Này cây, ta gửi con Phật. Ngươi hãy giữ lấy, sau này sẽ được thành Phật".
Nhà sư nói xong, thấy miệng hốc cây tự nhiên
khép kín ngay lại.
Trước khi từ giã Man Nương, sư Đà La bảo nàng
hãy tiếp tục đi tu, rồi giao cho một cây trượng mà bảo: "Ta cho nàng vật
này. Khi nào trời hạn, đem cắm xuống đất, tự nhiên sẽ có mưa lớn". Man
Nương cung kính nhận lời.
Từ đó, mỗi khi trời làm hạn hán, Man Nương lại
cắm trượng xuống đất, thế là trời lại đổ mưa to. Dân chúng trong vùng thấy vậy,
đều rất đỗi vui mừng và cảm phục.
Một năm, trời đổ mưa to lại thêm bão lớn, làm
cho cây phù dung có đứa bé ở trong, bị đổ. Cây trôi đến bến sông mà phía trên
có ngôi chùa sư cụ Man Nương đang trụ trì thì dừng lại, dập dềnh ở bên mép nước.
Dân trong làng thấy vậy, bèn cùng nhau mang thừng
chão ra buộc vào để kéo cây lên. Nhưng lạ thay, mấy chục người, rồi sau đó mấy
trăm người, cùng xúm vào, mà cây vẫn không nhúc nhích.
Giữa lúc ấy, sư cụ Man Nương chống gậy từ trong
chùa bước ra bến rửa tay. Thấy sự lạ, sư cụ bèn cầm vào một đầu dây kéo thử.
Nhưng thật chẳng ngờ, khi sư cụ vừa khẽ chạm tay vào thì cây cũng lập tức chuyển
động. Mọi người vui mừng, nhờ sư cụ kéo hẳn cây lên bờ, trong lòng ai ấy cũng đều
thấy vừa ngạc nhiên vừa vô cùng cảm phục.
Cho rằng cây phù dung này linh thiêng nên dân
làng bàn nhau sẽ cưa ra, để tạc thành tượng thờ.Nhưng khi những người thợ mang
dao, cưa đến để phát cành xẻ gỗ, thì dao và cưa đều bị quằn, mẻ, không thể làm
gì được.
Dân làng lại phải nhờ đến sư cụ Man Nương. Chỉ
sau khi sư cụ thắp hương đặt lễ vật, khấn vái, rồi đứng ở đấy chứng kiến, thì tốp
thợ mới phát cành và xẻ cây được.
Họ cưa thân cây làm bốn khúc, dự định sẽ tạc bốn
pho tượng thờ. Nhưng đến đoạn gốc nơi có cái hốc đặt đứa trẻ ngày trước, thì tự
nhiên một tảng đá lăn ra.
Vì thấy tảng đá làm cho các mũi cưa bị gãy,
nên tốp thợ tức quá, hè nhau lấy gáy rìu đập lấy đập để vào, cho hả giận. Lạ thật,
tảng đá vẫn trơ ra, còn các gáy rìu, tất cả đều bị quăn queo, méo mó.
Biết không thể làm gì được, nhưng vẫn tức, tốp
thợ lạ hò nhau bê tảng đá ném xuống sông. Nhưng thật bất ngờ, chỉ vừa chạm mặt
nước, thì tảng đá lóe sáng, rồi vừa phát sáng vừa chìm xuống dưới đáy, làm cho
cả một khúc sông sáng bừng lên, cùng với những quầng sáng rộng.
Tất cả tốp thợ kinh hoàng, thế rồi tự nhiên,
không ai bảo ai, cùng lảo đảo, loạng choạng, rồi nhất loạt ngã vật ra đất, bất
tỉnh nhân sự.
Tình thế thật vô cùng khẩn cấp. Những người được
chứng kiến vội vã đi tìm lễ vật, hương đăng, rồi mời sư cụ Man Nương xuống tận
nơi khấn vái. Lại thuê cả thợ lặn đến để vớt tảng đá lên. Chỉ đến khi các việc
thật xong xuôi, mới thấy tốp thợ dần dần hồi tỉnh lại.
Bốn khúc gỗ cắt ở cây phù dung ra, sau đó được
tạc thành bốn pho tượng thờ. Lúc ấy nhà sư Đà La hay tin, cũng trở về chứng kiến.
Ngài đặt pháp hiệu cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện,
ý là để cầu mong cho dân làng yên vui và quanh năm mưa gió thuận hòa, không bị
mưa, bão, sấm, sét làm cho thiệt hại.
Ngài lại bảo đem tảng đá vào đặt bên cạnh các
pho tượng đã tạc. Thế rồi,mọi người nhìn thấy, các pho tượng tự nhiên đều sáng
bừng lên, hệt như đã được dát bên ngoài bằng vàng, bằng bạc.
Sau đó, theo lời dạy của nhà sư Đà La, bốn pho
tượng được đưa về bốn ngôi chùa lớn trong vùng, và các ngôi chùa này,từ đấy được
mang tên như của bốn pho tượng đã tạc. Riêng tảng đá, được đặt ở chính ngôi
chùa có sư cụ Man Nương đang trụ trì, tức là ngôi chùa có bến sông đã vớt được
cây phù dung dạo trước.
Sư cụ Man Nương còn trụ trì tại ngôi chùa này
mấy chục năm nữa rồi mới viên tịch, lúc ở tuổi gần một trăm. Ngày viên tịch là
ngày mồng bốn tháng tư (âm lịch), đúng bốn ngày trước lễ Phật đản. Dân chúng
trong vùng vừa thương tiếc nhưng cũng vừa kính cẩn, tôn xưng sư cụ là Phật mẫu
Man Nương. Danh hiệu "Phật mẫu" này để chỉ, khi sinh thời cụ đã sinh
ra đứa trẻ (tảng đá), sau trrở thành tiền thân của bốn ngôi chùa Pháp Vân, Pháp
Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện trong vùng.
Lại nói về bốn ngôi chùa này, từ khi có bốn
pho tượng thờ mới, thì càng ngày càng trở nên linh ứng đặc biệt. Những năm lụt
lội hay hạn hán kéo dài, dân chúng đến đây kêu cầu, đều thấy luôn luôn ứng nghiệm.
Từ đấy, thiện nam tín nữ tìm về ngày mỗi thêm đông. Để tưởng nhớ Phật mẫu Man
Nương, nên dân chúng trong vùng lấy ngày mồng bốn tháng tư , ngày sư cụ viên tịch,
làm ngày lễ hội của cả bốn ngôi chùa.
Hàng năm, cứ đến ngày này, ở các nơi dân chúng
lại nô nức tìm về trảy hội, và dùng nước sạch để tắm rửa cho các pho tượng Phật
trong chùa. Lâu dần, trở thành phong tục, gọi là hội tắm Phật.