Thời nhà Trần, ở Tiên Phú Kinh Bắc (Hà Bắc ngày
nay) có viên quan huyện trẻ tuổi hào hoa phong nhã, tên gọi Từ Thức, quê ở Hóa
Châu (nay thuộc vùng ven biển Nga Sơn, Thanh Hóa). Cha là quan Đại thần đã nghỉ
hưu, nên theo điều lệ, chàng được tập ấm, bổ chức tri huyện.
Trái với số đông các đồng sự, thời ấy cũng như
về sau, chỉ chăm nhăm vào hai việc là bóp nặn dân đen và nịnh nọt quan trên,
ngõ hầu mau thăng quan tiến chức để có thêm cơ hội vơ vét và hưởng bộc lộc, Từ
Thức lại là người không màng danh lợi, có lòng thương người và xét xử công
minh. Những vụ kẻ giàu ức hiếp người nghèo hoặc những anh chồng vũ phu đối xử
tàn nhẫn với vợ, đều bị chàng nghiêm trị. Ở công đường, ngoài những vụ xử kiện,
còn mọi giấy tờ sổ sách khác thảy đều làm cho chàng chán ngán, chỉ làm một cách
chiếu lệ, có khi công văn chậm trễ cả tháng trời. Quan trên đã nhiều lần nhắc
nhở, nhưng xem ra chàng cũng chẳng thay đổi gì nhiều.
Thật vậy, chí hướng của Từ Thức đã không đặt
vào con đường danh lợi. Làm quan đối với chàng chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ, do
Triều đình bổ dụng, và cũng do phụ thân nhắc nhở một phần. Là trang phong lưu
công tử, chữ nghĩa đầy bồ, chàng chẳng muốn cầu cạnh một ai, lại cũng chẳng muốn
ép mình vào vòng khuôn phép. Là người giàu lòng trắc ẩn, chàng không nỡ ngồi hưởng
vinh hoa phú quý trong khi trăm họ đang rên xiết dưới ách sưu cao thuế nặng và
điêu đứng nhiều bề về nỗi lắm bận thiên tai.
Ở giữa đám quan trường và thuộc hạ đông đúc,
chàng chẳng tìm được bạn tâm giao, cho nên nhữõng khi rỗi rãi, thường chỉ một
mình uống rượu ngâm thơ, hoặc cao hứng lên thì mượn cây đàn để giải khuây nỗi
niềm tâm sự. Cũng có khi, vào khoảng giêng hai tháng rộng ngày dài, là mùa hội
hè của dân chúng, chàng hay cải trang làm một nho sĩ, đi lẫn vào trong đám
chúng sinh, đến thăm viếng văn cảnh chùa, hoặc dạo chơi ở những nơi danh lam thắng
cảnh.
Thuở ấy, ở hạt Tiên Du có chùa Phật tích là
ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng. Trước sân chùa có trồng một cây mẫu đơn rất lớn,
quanh năm cành lá xum xê xanh tốt. Cây mẫu đơn lại trổ hoa đúng vào dịp hội
làng, cho nên khắp nơi dân chúng kéo về trẩy hội đông như mắc cửi. Người người
náo nức, ai ai cũng muốn được tận mắt nhìn ngắm cây hoa. Quả là danh bất hư
truyền, vô vàn những cụm hoa màu đỏ tươi, nảy đều trên nền lá xanh thẫm, đầy đặn,
tựa như một mâm xôi gấc cực lớn mà trời phật đã gia ân, ban phước ban lộc xuống
cho mọi người. Nhưng vẫn chưa hết, cũng với vẻ đẹp diệu kỳ, còn là một mùi
hương thơm ngát, lan tỏa ra trong không khí khắp bốn xung quanh, quấn quýt theo
mỗi bước chân của du khách bộ hành đến dự hội.
Cây hoa đã gắn bó với ngôi chùa, tôn lên vẻ đẹp
và làm phong cảnh nhiễm thêm màu huyền bí. Người ta đồn rằng, có cả Phật tổ và
chư tiên thỉnh thoảng cũng giáng lâm, xuống thưởng ngoạn nơi đây. Người ta cũng
đồn rằng, nếu ai nhìn thấy cây hoa một lần vào độ đang nở thì trong năm sẽ làm
ăn thịnh vượng, khỏi mọi lo phiền, đau ốm, và con trai sẽ mau lấy vợ, con gái sẽ
chóng đắt chồng ...
Thật là nhiều lời đồn đại! Và bỗng nhiên cây
hoa đã trở thành một vật linh thiêng vào bậc nhất. Con trai con gái tấp nập tìm
về, và trong số họ, không thiếu kẻ nhố nhăng nhiễu sự, những kẻ chuyên "đục
nước béo cò". Họ cố tình gây ra những cảnh chen lấn và chen lấn xô đẩy và
gào thét ầm ĩ, làm cho chốn linh thiêng bỗng chốc bị ô nhiễm bởi thói bỉ lậu và
mùi vị kim tiền.
Để "dân lối chúng sinh", hay như bây
giờ, là để "giữ gìn trật tự công cộng", nhà chùa đã cử hẳn ra hai vị
sư nam, thực lực lưỡng khỏe mạnh, làm nhiệm vụ coi sóc cây hoa và chỉ dẫn người
xem, nhưng nhiều khi , cảnh chen lấn xô đẩy vẫn cứ xảy ra. Thấy vậy, nhà chùa
bèn đặt ra một lệ là hễ ai làm gẫy một cành hoa, sẽ bị phạt một khoản tiền rất
lớn. Lệ đặt ra thì đúng, nhưng khi giải quyết cũng thật cứng nhắc, như sau này
sẽ thấy.
Lần ấy, vào khoảng hai năm Bính Tý, niên hiệu
Quang Thái thứ ba (1930), trong mùa hội làng, bỗng có một cô gái xinh đẹp tuyệt
vời, không biết từ đâu tới trẩy hội. Cô gái vào chùa dâng lễ và thắp hương khấn
vái, rồi đi ngắm hoa như mọi người. Cũng như thương vẫn diễn ra, khi khám phá
thấy cô gái, đám thanh niên anh chị liền xô tới bám xung quanh và buông ra những
lời thô tục. Cô gái đỏ bừng mặt, vội len vào chỗ đông người. Lập tức một cảnh
xen lấn xô đẩy náo loạn diễn ra. Trẻ con, ông già bà già bị ngã dui dúi, tiếng
kêu khóc rên la inh ỏi. Cô gái bị đẩy sát đến cành hoa, và để giữ thăng bằng
trước làn sóng xô đẩy, đã bíu vào một cành hoa, nhưng tiếc thay, do sức xô đẩy
quá mạnh, càn hoa mà cô bám vào đã bị gãy.
Chỉ vừa mới nghe tiếng "rắc" và thấy
cành hoa lả xuống là đám thanh niên bám quanh cô đã nhanh chóng đánh bài chuồn
và lủi đi như chuột. Những người khác cũng dãn ra cả. Thế là chỉ còn một mình với
cành hoa bị gãy. Cô gái luống cuỗng chưa hiểu sự tình thế nào thì lập tức hai vị
sư nam có mặt. Cô bị điệu ngay về gian nhà nhỏ mé sau chùa, ở đó cô sẽ phải bỏ
tiền ra nộp phạt.
Nhưng khi hỏi đến tiền thì cô gái sờ vào túi
và lắc đầu. Hỏi đến quê quán thì cô trả lời là ở rất xa. Thê là người ta giữ cô
lại, để chờ người nhà tìm đến chuộc về. Thấy cảnh tượng như thế, dân chúng thập
phương tỏ lời ca thán, đàm luận. Họ cám cảnh cho cô gái, xinh đẹp là thế mà bỗng
đâu chịu phải tai ương. Họ cũng phàn nàn về nhà chùa, luật lệ đặt ra sao mà bất
công, không tìm bắt kẻ chủ mưu gây ra cảnh chen lấn xô đẩy, mà lại đi bắt người
vô tội. Tuy thế, dẫu có nghe những lời chê trách thế nào thì những vị sư coi
chùa vẫn làm ngơ, và cô gái cũng chẳng được thả ra, bởi vì luật lệ dẫu sao cũng
vẫn là luật lệ!
Chừng một tiếng đồng hồ sau khi cô gái bị giam
giữ, thì quan huyện Tiên Du xuất hiện, nhưng trong trang phục một nho sinh và
không có lính đi kèm, nên cũng chẳng mấy ai để ý tới. Khi trị nhậm huyện đường,
năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, Từ Thức lại ra chùa Phật tích, tước thì cúng
Phật, còn sau là ngắm cảnh và thử cầu may một lần trong năm xem sao.
Khi từ Phật điện bước ra sân ngắm hoa thì Từ
Thức nghe thấy những lời dân chúng bàn tán. Chàng lắng nghe rồi lẳng lặng đi về
phía sau chùa, ở đó có cô gái đã bị giam giữ.
Cô gái lúc đó đang cúi mặt xuống và dáng điệu ủ
rũ tựa như tàu lá héo. Tuy vậy, khi cô ngẩng lên thì Từ Thức lập tức nhận ra đó
là một vẻ đẹp thiên thần.
Trong nỗi buồn, vẻ đẹp ấy lại mang thêm một sắc
điệu thánh thiện, khiến cho chàng cảm thấy choáng váng. Chưa bao giờ chàng thấy
một người con gái nào như thế. Một thoáng thẫn thờ hiện trên nét mặt, nhưng rồi
chàng cũng trấn tính lại được, và hỏi han hai bên đương sự xem sự thể ra sao.
Sau khi nghe rõ câu chuyện, chàng sờ vào túi tìm tiền, nhưng khi rút ra đếm thì
chỉ thấy có vài đồng bạc lẻ, số tiền quá ít so với lệ phải nộp.
Ngay lập tức, chàng cởi chàng cởi chiếc áo
khoát đang mặc trên người. Đó là chiếc áo gấm màu trắng sang trọng mà chàng mới
may dạo cuối năm ngoái, trị giá đến một lượng vàng, hôm nay do trời lạnh nên
chàng mặc vào để đi xem hội.
Đặt chiếc áo lên bàn, chàng nói:
- Xin gửi hai sư huynh chiếc áo làm tin. Ngày
mai tôi sẽ đem tiền đến chuộc, còn nếu không, coi như tôi đã nộp phạt bằng chiếc
áo này. Xin hai sư huynh thả cô gái này ra.
Thật đột ngột, hai sư nam chẳng kịp có phản ứng
gì, chỉ kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau rồi lại kinh ngạc nhìn chàng trai trẻ. Họ
không biết đó là quan huyện Tiên Du. Họ nói với cô gái: "Thôi, cô về
đi", rồi vái nhẹ chàng nho sinh, cầm chiếc áo, đoạn bước ra ngoài. Trên mặt
cả hai người đều thoáng một nỗi buồn, chắc là nỗi buồn thân phận.
Từ Thức tiến lại gần cô gái. Nàng e lệ cúi đầu,
miệng nói lời cảm tạ còn hai tay chắp lại toan vái. Chàng vội vã đưa tay làm dấu
ngăn lại, đoạn cả hai, kẻ trước người sau, bước ra phía cổng chùa, trước con mắt
ngạc nhiên thán phục của mọi người.
Họ không nói với nhau một lời nào trên suốt đoạn
đường đi. Chỉ có bước chân nhẹ nhàng lướt trên nền đất điểm lá. Khi vừa ra
ngoài cổng, nàng bỗng vượt lên, rồi chắp tay lại phía chàng, chắp cả hai tay:
"Xin đa tạ quý nhân. Hẹn có ngày gặp lại!"Vừa nói xong, nàng đã quay
mặt, rồi đi lẫn vào đám đông, được một lúc sau thì khuất dạng.
Sự việc diễn ra quá đột ngột, khiến cho chàng
Từ Thức chết lặng hẳn người, chẳng kịp đôi hồi, chỉ còn biết dõi mắt nhìn theo
và trong lòng cũng rộn lên muôn điều ngàn nỗi. Đến khi tầm mắt không còn phân
biệt được gì, thì chàng cảm thấy hoàn toàn thất vọng. Tưởng như trời đất bỗng
đâu nghiêng ngã quay cuồng, và chàng phải đứng tựa vào cổng chùa để giữ cho khỏi
ngã. Ôi! Thế mới biết, cõi nhân gian này mới bé nhỏ và tội nghiệp làm sao! Cõi
nhân gian này cũng thực mông lung dầy niềm bất trắc thế nào vậy!
Trở lại huyện đường, Từ Thức sống như người mộng
ảo, chẳng thiết tha gì đến công việc. Hình bóng người đẹp in hằn lên mỗi bữa
ăn, mỗi giấc ngủ của chàng. Chàng cảm thấy cuộc đời này sao mà nhàm chán vô
nghĩa hơn nữa. Lúc nào cũng phải nghiêm trang, phải tuân theo giờ giấc răm rắp.
Lại tỏ ra có phần khúm núm quỳ lụy trước quan trên, ra thưa vào bẩm. Đấy là còn
chưa kể hàng đống sổ sách, công văn, giấy tờ phải ghi phải đọc và phải thực hiện
...
Tin tức người đẹp lại vẫn tuyệt nhiên chẳng thấy
ở đâu. Không thê hỏi han, không thể thăm viếng nên cũng không thể tuyệt vọng. Từ
Thức vô cùng buồn bã. Trong thời gian ca mấy tháng mà chàng làm đến cả ngàn bài
thơ để diễn tả nỗi cô đơn và nỗi buồn của mình. Ôi! Những kẻ si tình, khi lâm
vào hoàn cảnh ấy thì còn có thể bộc bạch lòng mình bằng cách nào khác được?
Kể ra thì nỗi buồn cũng không đến nỗi làm
chàng Từ Thức quỵ ngã. Chàng vẫn có thể gắng gượng để lo phận sự của mình. Tuy
nhiên, có một lần quan trên đến thanh tra, thấy công văn để ùn tắc lâu quá, đã
nghiêm nét mặt lại mà khiển trách: Thân phụ thầy đã làm đến đại thần mà thầy lại
không làm nổi một chức tri huyện hay sao?
Lúc ấy Từ Thức đỏ bừng mặt, lặng yên không nói
năng gì, nhưng đêm về, lại nghĩ thấy hổ thẹn trong lòng: Làm trai mà để nhục
cho cha mẹ thì thực mang tội bất hiếu. Lại nghĩ, bản tính mình vốn không có
duyên phận với nghề làm quan, thì chẳng thà lui về quê còn hơn. Ở lại chỉ bận
chuốc thêm lấy bực mình, và biết đâu, lại chẳng chuốc thêm lấy tai vạ. Khi mà
lưng không uốn thì lộc cũng nên từ, ấy là cái lẽ đời mà mình cần phải tuân thủ.
Ngay đêm hôm đó, Từ Thức viết đơn từ quan. Mấy
ngày sau, bàn giao xong công việc, chàng ghé qua thăm chùa Phật tích một lần cuối
cùng, rồi nhẹ bước về quê, trong lòng chẳng mảy may hối tiếc.
Gia tử nguyên quan đại thần họ Từ, phụ thân của
chàng, dĩ nhiên cũng thuộc loại bề thế, sang trọng, đầy những tòa ngang dẫy dọc.
Biết tính khí con từ bé nên người cha cũng chỉ nhắc nhở qua loa, còn để mặc cho
chàng sỗng theo sơ nguyện, miễn là không làm điều gì có hại đến luân thương đạo
lý. Ông còn có mấy người con trai nữa nên cũng chẳng lo không có người để mở
mày mở mặt với hậu thế sau này.
Trở về quê, Từ Thức sống những ngày an nhàn,
thanh thản. Chỉ có người đẹp ở chùa Phật tích là thỉnh thoảng lại gợi nỗi sầu
muộn trong trái tim chàng. Những lúc như thế, chàng thường dạo chơi trong vùng,
đến những nơi có phong cảnh đẹp. Núi Chính Trợ uy nghiêm, đầy vẻ trầm tư. Động
Lục Vân huyền bí, lung linh những sắc màu kỳ ảo. Còn sồn Lãi thì uốn lượn, lúa
ngô xanh tốt đôi bờ. Cửa Nga Sơn quanh năm lộng gió, sóng biển dâng cuồn cuộn,
thấp thoáng bóng thuyền bè. Hồn thơ lúc nào cũng lai láng, đến nơi nào Từ Thức
cũng có thơ đề vịnh. Duy có điều, trong tất cả bài thơ, đều thấy phảng phất nỗi
buồn.
Một hôm vào khoảng tháng hai khí trời thoáng
đãng, Từ Thức dậy từ rất sớm ra cửa Thần Phù ngắm cảnh. Bống ở phía khơi xa có
đám mây ngũ sắc hợp lại, kết thành hình đóa hoa sen rực rỡ. Chưa thấy sự lạ như
thế xảy ra bao giờ, Từ Thức vội vàng chèo thuyền ra xem, nhưng đến nơi lại thấy
đấy là một trái núi tuyệt đẹp. Từ kinh ngạc nhủ thầm: "Ta đã từng du ngoạn
khắp nơi. Những thắng cảnh ở miền Đông Nam này có chỗ nào mà ta chưa đặt chân tới?
Không biết trái núi này từ đâu hiện ra ở ngay trước mắt mình. Có lẽ thần tiên
hóa phép ra như vậy chăng?"
Nghĩ đoạn, Từ Thức liền kéo thuyền lên bãi,
nhưng khi ngoảnh lên thì thấy trước mặt là một vách đá dựng đứng, cao ngút tầm
mắt. Đang băn khoăn chưa biết thế nào thi bỗng đâu Từ nghe tiếng
"chát" rất lớn, rồi thấy vách đá tự nhiên nức ra một cái hang, hình vòng
tròn, rộng đến chừng mọt trượng. Từ đánh bạo bước ngay vào hang vì nghĩ rằng đất
hẳn có tình ý chi đây, nên mới biến hóa ra như vậy.
Nhưng khi Từ bước vào cửa hang và đi được vài
bước thì bỗng thấy trời đất tối sầm. Ngoảnh lại Từ thấy cửa hang tự nhiên đã
khép kín miệng lại. Đánh liều, Từ cũng đành mò mẫm bước tiếp, nhưng càng đi
càng thấy chột dạ. Hang đá sâu lại trơn nhaÜn, thành thử vừa đi Từ vừa phải vịn
tay theo từng mô đá cho khỏi ngã. Nghĩ phen này chắc phải rơi xuống địa ngục
thì vừa lúc tay sờ thấy một khe nhỏ hướng lên phía trên. Mừng quá, Từ vội vàng
bám vào vách đá trườn lên, Từ càng có cảm giác như khe đá được nới rộng ra
thêm, và một lúc sau, đã thấy ánh sáng le lói ở ngay phía trước mặt. Từ vẫn gắng
gượng leo tiếp, được một lúc nữa thì tựa nhiên ánh sáng ở đâu ập tới. Thế là đã
ra khỏi miệng hang, và bây giờ, trước mặt Từ hiện ra một quang cảnh vô cùng
choáng ngợp, chưa từng thấy bao giờ. Đấy là hàng dãy những tòa lâu đài và thành
quách được dát bằng vàng bằng bạc, và ở phía trước mỗi lâu đài, đều có treo đèn
lồng lớn bằng ngọc bích. Có lẽ là chốn thần tiên, Từ Thức xiết bao sửng sốt
bàng hoàng.
Đang dõi mắt ngắm nhìn cảnh vật, Từ chợt thấy
một cô gái mặc áo xanh đến thi lễ ở ngay trước mặt rồi nói:
- Xin chào quý công tử. Phu nhân tôi có lời mời
công tử đến lại thăm nhà.
Từ đáp lễ rồi đi theo cô gái. Sau khi vòng
quanh một bức tường phủ gấm, lại bước qua một khung cửa điểm ngọc, trước mặt Từ
bây giờ là một cung điện nguy nga, tỏa ánh sáng huyền ảo, lung linh.
Một bà tiên đang ngồi trên giường thất bảo khảm
bằng ngọc lưu ly bước xuống ra cửa đón chàng. Khi hai bên thi lễ xong, bà mời Từ
ngồi xuống chiếc giường nhỏ bên cạnh làm bằng gỗ đàn hương có khảm ngọc trai.
Bà tiên mời từ uống nước, rồi nói:
- Từ ngày con gái tôi lâm nạn được công tử cứu
giúp đến nay, tính theo lịch hạ giới, đã trọn một năm. Bây giờ mới có dịp mời
công tử đến để trả ơn, xin công tử thứ lỗi cho.
Từ vội thưa lên:
- Thưa quý phu nhân, người dạy quá lời. Kẻ hàn
sĩ làm việc nghĩa, ấy cũng là theo lẽ tự nhiên. Chỉ hiềm nỗi khi ấy công nương
lại ra đi đột ngột, khiến cho trong lòn lúc nào cũng tơ tưởng nhớ mong. Bây giờ
nếu được gặp lại thì thực có vui mừng nào bằng.
Bà tiên mỉm cười, ra hiệu cho cô gái hầu. Một
lúa sau, có một nàng tiên dáng điệu thướt tha bước lại.
Vừa trông thấy người đẹp , Từ Thức đã bồi hồi
xúc động. Dung quang nàng vẫn như ngày xưa, còn vẻ vui tươi thì tăng thêm gấp bội
phần.
Bà tiên trỏ vào con gái, bảo:
- Con tôi đây là Giáng Hương. Chuyện năm ngoái
cháu đã về thưa lại. Ơn cứu mạng thì suốt đời báo đáp. Luật trần gian hay luật
trên trời thì cũng đều thảy như vậy vả. Nếu công tử không chê, xin hãy ở lại
cùng Giáng Hương nên vợ nên chồng, để cho trọn tình trọn nghĩa.
Thực là lời nói như cởi tấm lòng, Từ Thức chẳng
có vui mừng nào hơn nữa. Chàng bước ra khỏi giường, đến quỳ xuống trước mặt bà
tiên và xin nhận làm nhạc mẫu.
Ngày cử hành hôn lễ của Từ Thức, Giáng Hương
là một ngày hội chư tiên tưng bừng. Dưới trần gian, dẫu các hạng vua chúa lấy vợ
lấy chồng cũng không thể nào so sánh. Mỗi loại tiên mang một loại trang phục
khác nhau, đều cực kỳ sang trọng và trang nhã, lại cưỡi trên những con vật quý
mà dưới trần gian mới chỉ nghe tên. Mỗi khi một cơn gió thổi tới cùng với mùi
hương trầm thơm ngát, là lại thấy một vị tiên mới xuất hiện.
Khi các chư tiên đã tề tựu đông đủ thì yến tiệc
được bày ra, nhanh cũng chỉ trong một thoáng. Đầy các của ngon vâït lạ mà sơn
hào hải vị ở dưới trần gian cũng chẳng sánh bằng. Các thức ăn được bày trên bát
đĩa bằng ngọc thạch và được đặt trên mâm vàng mâm bạc. Khi các chư tiên mở rượu
khai vị thì mùi hương thơm ngài ngạt lan tỏa ra khắp bầu trời.
Các tiên lần lượt đến chúc mừng cho ngày vui
và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Vẻ hào hoa thanh lịch hiện ra trong mỗi ánh
mắt nụ cười. Để đáp lại, Giáng Hương, Từ Thức cũng biểu hiện những cử chỉ thực
muôn phần duyên dáng, nhã nhặn.
Sau bữa tiệc, ácc chư tiên cũng nhau múa hát
tưngbừng. Những vũ điệu thực nhẹ nhàng, uyển chuyển, hào quyện trong tiếng nhạc
thật du dương trầm bổng, tưởng như cuộc vui sẽ kéo dài ra mãi thời gian và ra
khắp không gian.
Từ Thức nhân đó bảo khẽ với Giáng Hương:
- Có lẽ các vị chư tiên cũng có lòng vật dục
như người ở dưới trần gian chăng?
Giáng Tiên nghiêm sắc mặt lại trả lời:
- Xin chàng chớ nên nghĩ như thế. Chỉ có riêng
mình thiếp là lòng còn vướng bụi trần. Các chư tiên khác đều là do khí huyền
nguyên của trời đất mà sinh ra cả.
Nghe thấy thế Từ Thức xiết bao kinh ngạc,
nhưng không để lộ ra nét mặt bên ngoài. Lại chợt nghĩ dẫu sao mình cũng có niềm
tin tưởng: Về cốt cách, Giáng Hương chẳng có điểm tương đồng với mình đó sao?
Sau hôn lễ, Từ Thức tập làm quen dần với đời
sông tiên cảnh. Sẵn nếp hào hoa phong nhã, chàng có cách ứng xử hợp tình hợp
lý, khiến cho nhạc mẫu rất vừa ý và Giáng Hương cũng thực đẹp lòng. Lại sẵn hồn
thơ lai láng, có lần chàng vẫy bút làm đến cả chục bài thơ, mà bài nào cũng thuộc
loại "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" cả. Còn khi cao hứng lên
thì chàng đàn hát cũng thật mê mẫn, say sưa. Những ngón đàn tuyệt kỹ khiến cho
các chư tiên nghe thấy cũng phải thán phục, lắc đầu. Ôi! Những ngày sống vô tư
lự, sống hết mình của chàng mới thực sung sướng,mới thực hoàn mỹ làm sao! Chẳng
bao giờ phải lo đến chuyện sinh kế. Muốn có thứ gì chỉ cần hóa phép ra một lần
là đủ. Cũng chẳng bao giờ có sự ganh ghét, đố kỵ, là những thói xấu xa, phàm tục
của người đời. Ở miền tiên giới, cảnh đã đẹp như gấm như hoa, các tiên đối xử với
nhau lại rất mực khoan hòa, độ lượng. Chẳng thế mà bao nhiêu đời nay, cả loài
người đã từng mơ ước, thèm khát đời sống ấy sao?
Thế nhưng cuộc sống ấy lâu dẫn hóa ra lại
không thích hợp vời chàng Từ Thức. Không phải ngày nào cũng làm thơ, ngày nào
cũng ca hát được. Của ngon vật lạ ngày nào cũng có, nhưng vì như thế mà ra tầm
thường. Bạc vàng châu báu dùng mãi rồi cũng cẳnng thấy sang quý nữa. Đã thế,
các chư tiên ở đây còn có bầu bạn xum vầy, chứ Từ Thức thì biết chuyện trò,
chia sẻ tâm sự cùng ai, chẳng lẽ lúc nào cũng quấn quýt bêm vợ? Hoa lá cỏ cây,
con đò bến nước, và nhiều thứ khác ..., đành rằng chỉ cần hóa phép ra là có,
nhưng bất chợt cặp mắt muốn nhìn, thì nào có thấy đâu? Lại còn cha mẹ, anh chị
em, họ hàng làng xóm nữa, làm sao chàng có thể nguôi quên được họ? Đấy là còn
chưa kể đến bao nhiêu công việc làm ăn sinh sống và những nỗi lo toan, mà cho
dù cực nhọc, cho dù khốn khó, thì dẫu sao cũng vẫn là nguồn động viên, là nguồn
hy vọng và sự kích thích năng lực con người. Thiếu những thứ đó, con người tưởng
được thanh nhàn, tưởng được nghỉ ngơi, nhưng hóa ra lại làm cho chân tay bải hoải,
và tâm hồn cũng ngưng trệ, trống rỗng.
Chung quy, cũng chỉ tại Từ Thức vẫn còn mang nặng
kiếp người, chứ chưa thể khoác ngay "lốt" tiên vào được. Xem thế đủ
biết, kiếp trần này mà cũng thật nặng tình, không thể vứt bỏ đi, để thay vào đó
là một kiếp tiên hoàn hảo được!
Sau mấy tháng, nỗi buồn mới chỉ bất chợt hen
nhóm trong lòng Từ Thức, nhưng sau một năm, thi nỗi buồn ấy đã hiện ra trên nét
mặt, nên tránh sao khỏi cặp mắt nhìn của Giáng Hương. Một hôm, nàng hỏi chồng:
- Chẳng biết thiếp đối với chàng có điều gì
không phải, nên chàng mới không hài lòng như thế chăng?
Lúc đầu Từ Thức còn chối quanh, nhưng về sau
chàng cũng đành thú thực:
- Chẳng dấu gì nàng. Ở đây tuy là miền cực lạc,
nhưng dẫu sao nhiều khi tôi vẫn còn canh cánh lòng trần.
Giáng Hương nghe thấy thế buồn bã nói:
- Vậy ... hóa ra là như thế ư? Tưởng bấy lâu
nay chàng đã một lòng một ý với thiếp rồi? Thôi việc này tùy chàng định liệu.
Làm sao thiếp có thể thay thế ước muốn của chàng được?
Mấy ngày sau, Từ Thức xin với phu nhân cùng
Giáng Hương cho chàng được trở lại thăm quê hương một lần.
Phu nhân dịu dàng nói:
- Chẳng hay con đã suy nghĩ kỹ càng chưa?
Từ Thức suy nghĩ hồi lâu rồi cung kính đáp:
- Thưa nhạc mẫu, con đã suy nghĩ kỹ càng rồi.
Phu nhân đứng dậy, phất tay một cái, tự nhiên
một cỗ xe cẩm vân lướt đến trước thềm. Phu nhân chỉ chiếc xe nói:
- Ta tặng con vật này, đi đường xa cho đỡ mệt
nhọc. Chúc con lên đường may mắn.
Nói rồi phu nhân lui gót vào trong. Lúc ấy
Giáng Hương mới tiến lại phía chàng:
- Thiếp tưởng sẽ cùng chàng ăn đời ở kiếp,
nhưng nào ngờ, bây giờ giữa đường ...
Nói đoạn, nàng rút từ ống tay áo ra một bức lụa
cuốn, rồi nói tiếp:
- Thiếp xin gửi chàng vật này. Khi về tới cõi
trần, chàng hãy mở ra. gọi là một chút kỷ vật ...
Vừa nói, nước mắt nàng vừa lã chã tuôn rơi.
Chàng cũng thấy mình nước mắt vòng quanh, phải đưa khăn lên lau mặt.
Xe cẩm vân chỉ thoáng chốc đã đưa Từ Thức về đến
trước nhà. Nhìn quanh, thấy cảnh núi non, sông suối vẫn như xưa, nhưng làng mạc,
nhà cửa thì đã thay đổi, họa hoằn lắm mới còn chút dấu vết như lúc trước. Từ Thức
cảm thấy bùi ngùi trong dạ. Đường làng tuy có nhiều người đi lại, nhưng nhìn ai
chàng cũng thấy lạ lẫm vì chưa từng gặp bao giờ. Chợt có ông lão râu tóc bạc
phơ tiến lại gần, chàng bèn chấp lấy tay hỏi han. Cụ già nói:
- Thuở bé tôi có nghe nói em ông cụ tam đại
nhà tôi cũng có tên như ông, nhưng đã đi ra biển, rồi không thấy trở về. Tính
ra từ đó đến nay thì đã hơn một trăm năm rồi ...
Nghe thấy thế, Từ Thức bỗng như bừng tỉnh, chợt
hiểu rõ sự tình. thì ra một năm trên tiên cảnh bằng cả trăm năm dưới hạ giới,
trách chi mà chẳng vật đổi sao dời. Chàng chào ông lão, rồi lại toan bước lại gần
cỗ xe, nhưng ngay lập tức, cỗ xe hóa ra một con chim loan, bay đi mất.
Từ Thức tìm đến tấm lụa vẫn để ở một bên tay
áo, nhơ lời Giáng Hương dặn dò, chàng mở ra xem. Đọc đến hai chữ "vĩnh biệt"
ở cuối thư, thì chàng hiểu rằng, con đường trở lại cõi tiên của chàng không còn
nữa.
Chàng lững thững bước ra khỏi làng, rồi cứ như
thế, đi mãi, đi mãi ...
Người ở các đời sau đã đàm luận khá nhiều về
câu chuyện chàng Từ Thức này. Chẳng mấy ai không tiếc cho chàng: Sao không ở lại
cõi tiên mãi mãi?
Nhưng có lẽ cũng chẳng mấy ai thực sự thông cảm
với chàng: Hễ cứ muốn từ bỏ cõi trần là trong lòng thanh thản và có thể thực hiện
được hay sao?
Ôi! Cõi trần! Phải chăng đó chính
là định mệnh, là số kiếp của con người ta?