SƠ ĐỒ DU KHẢO PHIÊN BẢN 2016 - TÁC GIẢ ĐÀO KIM TRANG - KIẾN THỨC DU LỊCH

 👉click link TẢI MIỄN PHÍ 

👉LINK TẢI dự phòng

sơ đồ du khảo phiên bản 2019

Trong 6 năm từ 1990 đến 1996, ông Đào Kim Trang đã rong ruổi 63 tỉnh thành bằng xe đạp, mở đầu cho phong trào đạp xe du khảo. Lý do ông thực hiện các chuyến đi bằng xe đạp một phần để rèn luyện sức khỏe, nhưng quan trọng hơn là để tìm hiểu và khám phá thiên nhiên và con người ở những vùng đất lạ. “Tôi chưa bao giờ có khái niệm đi là để chơi. Du khảo là đi tham quan, khảo sát, nghiên cứu, qua đó ta nhìn cuộc sống như thế nào để chỉnh lý bản thân và điều chỉnh lại lối sống của mình”, ông Đào Kim Trang chia sẻ.

Những năm 1990, việc sắm một chiếc xe gắn máy còn là điều xa xỉ, ông Đào Kim Trang đi làm và đi chơi đều bằng xe đạp. Rồi ông nảy ra ý tưởng về những chuyến đạp xe rèn luyện cho những người hoạt động Đoàn để “vừa rèn sức, tiếp cận thực tế, tích lũy kiến thức, rèn kỹ năng hoạt động ngoài trời”, mở đầu cho những chuyến du khảo đường dài sau này.
Chiếc xe đạp như người bạn cùng ông Trang lang thang khắp mọi miền đất nước. Ông kể rằng nhiều người gặp nhóm của ông đi trên đường hay hỏi: “Xe này mà đi được à?”. Ông chỉ cười và nói: “Chạy từ từ rồi cũng đến nơi thôi mà! Nhưng thật ra đi được hay không đâu phải do xe mà là ở người chạy chiếc xe đạp”.

Đi du khảo ngán nhất là leo đèo. Đây là lúc con người ta chịu nhiều thử thách và dễ bỏ cuộc nhất. Ông Trang đã từng muốn bắt xe khách đi cho khỏe vì ngại dẫn xe đạp lên đỉnh đèo Khau Phạ (Yên Bái). Nhưng khi nhớ lại bản thân đã từng dắt bộ vượt đèo Lò Xo (Kon Tum), ông quyết định đi tiếp, cứ vài bước dừng lại hít thật sâu. Bất chợt ông thầm hát “Đoàn ta vượt qua gian khó xây đắp thêm bao công trường, đưa chuyến tàu viễn phương, băng tuyết và gió sương…” (Bài hát trong phim Thép đã tôi thế đấy). Chân ông đi theo nhịp hát và rồi quên luôn ý nghĩ bắt xe khách.
Không thể kể hết những khó khăn khi đi du khảo cách đây mấy mươi năm. Đó là đêm đạp xe trong mưa tầm tã để đến Điện Biên Phủ cho kịp lễ kỷ niệm chiến dịch ngày 7-5-1994; là khi vất vả leo đỉnh Phanxipăng và gặp mưa đá khi nơi này chưa có đường đi. Ông cũng còn nhớ rõ chuyến lội suối băng rừng Trường Sơn năm 1992 với đường đất, đèo dốc và nhiều đoạn không tìm ra đường đi. Nhưng trên hết, những chuyến đi đã đem lại cho ông nhiều trải nghiệm và tình cảm của người dân mọi miền dành cho mình.
Năm 1996, ông Trang tặng chiếc xe đạp cho Hội Du khảo trẻ TPHCM, do chính mình vận động thành lập. Sau đó, những chuyến đi bằng xe gắn máy của ông xuất hiện nhiều hơn.
Khi chuyển qua lĩnh vực kinh doanh du lịch, ông Kim Trang thường vẽ các tuyến đường trên giấy như tấm bưu thiếp để tặng khách làm kỷ niệm. Ông nói: “Tôi thích vẽ lắm. Hồi xưa tôi thường tự tay vẽ thiệp tặng bạn bè chứ không mua. Do đó tôi cũng thích vẽ sơ đồ những tuyến đường mà khách đã đi qua như một món quà gửi đến họ. Sơ đồ vẽ tay còn chân phương lắm, nhưng lạ”.
Trong một chuyến đi vào năm 2014, ông Trang gặp tai nạn gãy xương đòn phải điều trị 4 tháng. Ông chợt nghĩ ra ý tưởng vẽ sơ đồ du khảo toàn bộ những chuyến hành trình qua 63 tỉnh thành bằng xe đạp. Sau đó, ông lại bị tai nạn trong một chuyến đi khác phải dưỡng thương. Đây là dịp để ông hoàn thiện hơn sơ đồ du khảo của mình. Từ năm 2014 đến 2016, sơ đồ gồm 3 phiên bản đã được ra mắt. Đến phiên bản thứ 3 thì có màu.
Chắc bạn sẽ ngạc nhiên khi biết ông Trang vẽ bản đồ bằng phần mềm đồ họa Paint, kỳ công từng chi tiết. Ông kể: “Lúc đó, chương trình trên máy tính không gõ được dấu tiếng Việt nên tôi phải làm thủ công bằng cách gõ dấu rồi dùng phần mềm cắt dấu dán vô chữ”.
Chỉ ngồi ở nhà nhưng ông có thể vẽ từng chi tiết theo trí nhớ. Ký ức về những chuyến hành trình của “vua du khảo” nhiều vô số kể nhưng ông vẫn nhớ một cách tường tận. Ông chia sẻ: “Tôi có một mẹo để nhớ đường, chỉ cần đi qua một lần là nhớ ngay. Khi đến một địa điểm nào đó, bạn quan sát có điểm gì đặc trưng không. Ví dụ, khi xuống dốc tôi thấy có ngọn núi, xuống nữa thì thấy một ngã tư. Khoảng 5-6 năm nữa khi quay lại, khu dân cư mọc lên nhiều che khuất mọi thứ khiến tôi lúng túng, chợt nhớ lại tôi đi tìm ngọn núi và ngã tư thì tìm được đường”.
Cả 3 phiên bản đều được ông Trang chia sẻ trên Facebook để mọi người tải về. Sơ đồ du khảo của ông đã thu hút sự chú ý của cộng đồng phượt lúc bấy giờ. Phượt thủ nickname Tiêu Dao Tử đã chia sẻ lại sơ đồ phiên bản năm 2015 trên kênh của mình và trong 2 ngày có hơn 2.000 lượt tải về. Một số công ty du lịch cũng liên hệ ông Trang xin bản sơ đồ có kích cỡ lớn để in và treo ở văn phòng công ty.
Một người bạn của ông Trang hỏi rằng: “Anh làm tour xe máy, rồi lại vẽ bản đồ chi tiết. Người ta sẽ tự đi rồi anh tính sao?”. Ông trả lời: “Mình muốn nhiều người đi chơi theo kiểu du khảo nên chuyện ấy bình thường mà. Ai muốn đi với mình thì mình trân trọng kính mời, còn muốn tự đi thì cứ việc đi. Bản đồ chỉ là một thông tin nhỏ, trong khi đi đường có biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Du khảo có triết lý riêng của nó…”.
Hồi còn trẻ, ông Kim Trang thích đi xe đạp nên rủ bạn bè cùng đi theo tổ chức của Đoàn thanh niên. Vào tuổi trung niên, ông chuyển sang tổ chức tour đi xe máy cho người thích khám phá. Bây giờ tuổi nhiều hơn ông vẫn còn thích lang thang bằng xe máy và rủ bạn bè cùng đi. Lâu lâu ông cũng vẽ vài tấm bản đồ để giúp bạn bè có thông tin để tự lang thang một mình.

Hiện tại, ông Trang đang hoàn thiện sơ đồ du khảo Việt Nam phiên bản 2020 để tặng mọi người. Nhiều đơn vị xuất bản đề nghị ông Kim Trang phát hành sách về những chuyến đi để đời của ông nhưng ông không đồng ý. Ông đang viết về chủ đề “Triết lý của sự đi”, khi nào hoàn thành sẽ đăng trên mạng cho mọi người cùng đọc. Triết lý của ông đơn giản là “Đi không phải là tất cả nhưng hãy đi để cảm nhận được nhiều thứ và điều chỉnh lại bản thân mình”.

nguồn: tác giả Quỳnh Châu - Báo sgtiepthi.vn

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới