ĐỜI
SỐNG VĂN HÓA VÀ XU HƯỚNG
PHÁT
TRIỂN VĂN HÓA CỦA
NGƯỜI
KHMER NAM BỘ
Người Khmer ở Việt Nam hiện nay có
khoảng một triệu người, nhưng phần lớn tập trung ở Nam bộ, nhiều nhất là ở các
tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu; đây là một tộc người có dân
số cao nhất trong nhóm Môn Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á. Người Khmer vốn có một đời
sống tinh thần phong phú, với sức lao động cần cù và một truyền thống văn hóa
tốt đẹp, từ nhiều thế kỷ trước đã cùng với người Kinh người Hoa thắt chặc tình
đoàn kết trong việc khai mở đất đai xây dựng làng xã ở phía Nam và đã tích cực
góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản
sắc dân tộc.
Văn hóa của mỗi dân tộc đều có
những đặc trưng nhất định và có những phong cách riêng để thể hiện đời sống xã
hội, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn học nghệ thuật... những yếu
tố đó đều là những sản phẩm trí tuệ rất quí báu của tập thể con người đã sáng
tạo và bổ sung qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau; Ở nước ta hiện nay có tất
cả 54 dân tộc với 54 loại hình văn hóa đặc thù, nhưng tất cả đã cùng hòa quyện
với nhau để kết tinh thành một nền văn hóa chung, đó là nền văn hóa của đại gia
đình dân tộc Việt Nam. Người Khmer Nam bộ trong thời gian qua đã thực sự có
những thành tích nổi bật trong việc phát triển văn hóa phục vụ con người và xã
hội, đồng thời cũng đã có những dấu hiệu tốt trong xu hướng phát triển văn hóa
phù hợp với các điều kiện về kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc
tế.
1/- ĐỜI SỐNG - XÃ HỘI :
1.1. Nơi ở :
Người Khmer ở Nam bộ đa số đều cư trú trên các
vùng đất cao gọi là đây phnô, cũng có nơi họ sống ở ven sông, rạch hoặc
ở dọc theo bờ biển. Họ sống tập trung thành từng cụm gọi là phum tương
đương với xóm của người Kinh - ngày trước mỗi phum có chừng từ năm đến
sáu chục nóc gia. Cụm dân cư đông hơn phum gọi là sróc người Kinh
thường gọi là sóc - độ khoảng bằng một xã của người Kinh. Thật ra phum sóc cũng
không phải là những đơn vị hành chính ở
hạ tầng cơ sở, mà ngay từ thời Nguyễn nó đã là những cụm dân cư sống đan xen
với người Kinh và người Hoa, phum và sóc đã được hợp thức hóa vào những
tổ chức cộng cư của người Việt. Có một số trường hợp ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc
Liêu trong một ấp có nhiều phum của người Khmer hoặc một xã có nhiều sóc, sóc
của người Khmer cũng giống như làng Minh Hương của người Hoa không phải là một
đơn vị hành chính riêng, mà chỉ là một bộ phận tích hợp trong tổ chức hành
chính làng xã của người Việt.
Nhà ở của người Khmer ngày nay về
hình dáng, vật liệu kiến trúc cũng gần giống nhà của người Kinh và người Hoa,
nhưng ngày trước thì nhà của người Khmer có nhiều điểm khác biệt. Những gia
đình Khmer sống trên đất giồng thì nhà thường cất trên mặt đất, còn những người
sống ở nơi đất thấp họ phải cất nhà sàn, nhà thường nhỏ nhưng nóc cao, mái rất
dốc và thường được lợp bằng lá dừa nước, ở các vùng gần biên giới người ta dùng
lá dừa nước chằm lại từng miếng trước khi lợp gọi là lá chằm đóp, các vùng khác
ở Tây Nam bộ thì dùng nguyên tàu lá chỉ xé dọc làm hai, khi lợp sẽ xếp chồng
lên nhau gọi là một đôi, một số nơi còn dùng cây lồ ô xẻ dọc lợp âm dương rất
khéo. Về khung sườn nhà của những người Khmer ở miền Đông thường dùng các loại
gỗ quí như dầu, chò, thau lau phối hợp với các loại tre, nứa, lồ ô, le,
bương... còn đa số những người ở miền Tây thì sử dụng các loại tràm, đước, cóc,
dà, lục bình (cây mai), tre gai. Họ dừng vách bằng lá dừa nước, thông thường
thì lá bên ngoài sóng bên trong, cũng có một cách dừng vách đâu sóng, theo cách
này thì cả vách trong vách ngoài đều thấy toàn sóng còn lá được ém kín ở giữa
trông rất đẹp. Nhà lớn thường có hai cái, cái trên cái dưới, mỗi cái ba gian,
nhà nhỏ thường một căn một chái cũng gần giống như nhà người Kinh, loại chái
bát vần của người Khmer được làm với kỹ thuật khá cao. Khi cất nhà, người Khmer
có một tập quán rất tốt đẹp là họ luân phiên phụ giúp với nhau gọi là vần công
cất nhà.
Người Khmer tuy cũng có giàu nghèo
cao thấp khác nhau, nhưng cách bày trí xếp đặt bên trong nhà của họ đa số đều
gần giống nhau; thường thì nhà trước là nhà khách có một bộ bàn ghế dài (tâu
tăng) hoặc một bộ ván ngựa (kđa) lớn để ở giữa, hai bên là hai bộ
ván ngựa nhỏ hoặc là hai chiếc chỏng tre để đàn ông con trai trong nhà nghỉ
ngơi , nếu khi có khách thì nhường cho khách nghỉ , phía sau thường có một hoặc
hai chiếc tủ (tu) , bên trong đặt những chiếc gối thêu (khnơi) rất
đẹp để biểu lộ sự khéo tay của phụ nữ trong nhà . Nhà nào cũng có bàn thờ Phật
ở gian chính , đôi khi cũng được đặt trên đầu tủ một cách đơn giản nhưng rất
trang trọng . Người Khmer ngày xưa không có phong tục thờ tổ tiên trong nhà
nhưng do dung nạp tín ngưỡng của người Kinh người Hoa nên có một số gia đình
người Khmer ngày nay cũng có thờ tổ tiên, họ thờ riêng hoặc thờ chung trên bàn
thờ Phật, thường thì ảnh người quá cố được đặt dưới ảnh Phật.
Phía sau phòng khách, nếu nhà khá
giả thì ngăn phòng cho vợ chồng chủ nhà (bân tak kần lạng mây ôn), phòng
con cái, nhất là con gái luôn có phòng riêng (bân tak thơ nông kùm mụn),
nếu nhà nghèo cũng che một góc cho con gái. Người Khmer thường nằm quay đầu về
hướng Nam, cho đó là hướng ngọc (tabôn) và ít khi nào hướng chân người
này đạp lên đầu người kia vì họ luôn tin rằng trên đầu của mỗi người đều có
thần thánh ngự trị.
Sau cùng là nhà dưới, bếp và bồ lúa
được đặt ở đây, nếu gia đình không có nhà dưới thì bếp được đặt ở chái nhà. Nhà
tắm thì luôn được đặt ngoài hè hoặc phía sân sau.
1.2. Trang phục :
Mặc dù ngày nay có một số người
Khmer ăn mặc không khác chi người Kinh và người Hoa, nhưng đa số những người
đàn ông lớn tuổi thường mặc đồ bà ba đen hoặc trắng, khi lao động họ thường mặc
quần cụt, phụ nữ lớn tuổi cũng mặc đồ bà ba, có một số mặc áo dài tâm pông,
ta thường gọi là tầm vông, hoặc áo dài cổ bà lai, đây là loại áo dài của người
Khmer, vạt áo dài, tay dài, cổ tròn, may bít bùng không xẻ nách và thường được
may bằng vải đen. Đặc biệt là đàn ông đàn bà đều quấn chiếc khăn rằn trên đầu
hoặc vắt trên vai.
Trang phục truyền thống hiện nay
chỉ được sử dụng trong các lễ cưới, lễ hội, sân khấu... đó là những chiếc săm
pốt thật xinh xắn và những chiếc áo bó sát người màu sắc thật lộng lẩy. Săm
pốt nguyên là một tấm vải rộng được quấn ngang người từ hông trở xuống, kéo
mối vải thật khéo từ phía trước luồn giữa hai chân vòng ra phía sau xem hình
dáng như một chiếc quần phồng to và ngắn ngang đầu gối; đây là loại trang phục
có nguồn gốc Ấn Độ xưa. Phụ nữ Khmer rất khéo tay trong
việc thiết kế trang phục, trong nhiều
thế kỷ qua họ đã dệt được những chiếc xà rông thật tinh xảo với những hoa văn
họa tiết thật duyên dáng đầy tính thẩm mỹ,
mỗi chiếc xà rông đều có đường viền rất khéo léo và đẹp đẻ, nhất là kỹ
thuật dệt của họ đã đạt đến trình độ khá cao - một chiếc xà rông sau khi
dệt xong đều mang hình ống nhưng người ta sẽ không tìm ra được một đường nối vải nào, y như một chiếc
khăn tròn trịa liền trơn không đầu mối.
Các loại trang phục truyền thống
của người Khmer nói chung vừa kín đáo vừa trang trọng lại vừa xinh đẹp đã biểu
lộ được sắc thái đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày nay trong một số lễ cưới chú
rễ cũng mặc xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng vai trái vắt chiếc khăn dài, lưng đeo
dao cưới (kầm pách) theo tín ngưỡng dân gian để bảo vệ cô dâu. Còn cô
dâu mặc săm pốt, áo đỏ hoặc tím, đầu đội mủ cưới hình chóp, cổ cũng
quàng khăn dài trông thật duyên dáng.
1.3. Ăn uống :
Người Khmer có một món ăn rất nỗi
tiếng đó là mắm prahoc (người Kinh thường gọi trại là bò hóc). Mắm này
được làm bằng nhiều loại cá, cách làm rất công phu và tốn thời gian rất lâu
(khoảng hơn 4 tháng). Mắm prahoc có thể làm bằng các loại cá nhỏ như cá
sặc, cá chốt, cá mè, cá lòng tong.... hoặc những lọai cá lớn đắt tiền như cá
trê, cá lóc... tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình, người giàu có
thường làm mắm prahoc ốp bằng cá trê rất thơm ngon.. từ mắm prahoc người
chế được rất nhiều thức ăn, có thể đem kho, chưng để ăn với các loại rau mác,
rau dừa, hẹ nước, cải trời, cỏ the, hoặc mắm sống ăn chung với sả ớt và đậu đủa thì thật là tuyệt diệu.
Ngoài ra người Khmer còn dùng mắm prahoc nêm nếm các loại canh hàng ngày để
tăng thêm hương vị, nhất là món canh cải bẹ xanh nấu với cá lóc chiên nêm mắm
prahoc, các món ăn tuy đơn giản những hương vị thật đặc biệt đậm đà.
Ngoài loại mắm prahoc, còn có các loại mắm pro ot (bò ót), ơng
pa, pơ ling làm bằng tép mồng, tép bạc và một loại mắm chua rất ngon
có tên là pha ơk, ta thường gọi là mắm chao, món này làm bằng tôm
tép gì cũng được, nhưng ngon nhất là làm bằng tép bạc. Muốn làm món này người
ta chọn mùa tôm tép nhiều, dùng tôm tép trộn muối và cho vào nhiều thính (gạo
rang) xong đem phơi nắng khoảng 7 - 10 ngày. Khi ăn người ta trộn với đu đủ
xanh thái nhỏ, củ gừng, củ riềng, ớt, trái chuối chát xắt
mỏng. Đây là món ăn rất ngon không những của người Khmer mà người Kinh
cũng rất thích.
Người Khmer còn có một loại canh
gọi là Sòm lo ko kô. Người Kinh thường gọi là canh sim lo, cách
nấu cũng rất công phu, phải dùng thịt, cá tươi nấu với rau ngỗ, chuối rém, hoặc
trái đu đủ non và được nêm bằng mắm prahoc, đây là món canh rất phổ thông và
được dùng ở nhiều nơi.
Một món ăn nỗi tiếng khác đó là món
sòm lo mun mờ chot, ta thường gọi là bún nước lèo, món này cả
người Kinh và người Khmer đầu thích; nhưng cách nấu của người Khmer công phu và
có nhiều hương vị đặc biệt hơn. Người ta dùng tôm cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem
cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối, ớt, sả... và hai món mêm
khác không thể thiếu là ngãi bún giã nhỏ với mắm prahoc, món nước cốt
sau khi nêm nếm và nấy kỹ đã trở thành nước lèo dùng ăn với bún bột gạo thì
thật là tuyệt. Với món nước lèo này không ăn với bún người ta có thể nấu với
bầu thành thành một loại canh gọi là sòm lo kha lốt, nấu với bí đao gọi
là sòm lo tà lách, nấu với rau đắng gọi là sòm lo mách lây...
Ngoài ra còn có món canh chua vừa chua vừa cay vừa béo gọi là sòm lo mò chu được
nấu với cơm mẻ rất đặc sắc hoặc thêm cả trái chuối xiêm còn xanh và một ít mắm prahoc
gọi là sòm lo mò chu pha le chất thì lại càng ngon hơn.
Các món ăn của người Khmer tuy
không cầu kỳ như món ăn của người Hoa, nhưng hương vị rất đặc biệt và rất gần
gũi với mọi người; một số món ăn đã được Việt hóa ở Nam bộ, người Kinh từ nhiều
năm qua cũng đã có mắm chua cá linh, mắm ruột trộn đu đủ, tép chau, canh chua,
bún nước lèo... nhưng mỗi món ăn đều được cải tiến cho thích hợp với khẩu vị
của con người từng địa phương.
2/- TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG :
Người Khmer đã đón nhận đạo Bà La
Môn từ lâu đời, những có lẽ do những giáo điều gò bó và cách phân chia đẳng cấp
quá khắt khe của Bà La Môn không phù hợp với tính phóng khoáng, bình dị và dễ
dãi của người Khmer nên dần dần vị trí của tôn giáo này đã bị Phật giáo nam
tông (còn gọi là Phật giáo tiểu thừa hay Phật giáo nguyên thủy) thay thế.
Giáo lý nhà Phật đã hòa nhập vào
cuộc sống của người Khmer, lâu dần đã trở thành đạo lý của con người, trở thành
một thứ ý thức gắn liền vào cuộc đời của họ. Chùa là mái nhà chung của mọi gia
đình, thanh niên trước tuổi trưởng thành đều phải đi tu để trở thành người đạo
đức - để có đủ điều kiện tham gia xã hội, xây dựng gia đình, người Khmer không
coi việc tu hành là bổn phận hay nhiệm vụ bắt buộc mà là mà là một điều vinh
dự, vinh dự được vào ngôi nhà của Phật để nhận những hạt giống lành và những
phúc duyên thật tốt để sau đó trở lại thế tục với một con người đầy đủ các điều
kiện về nhân cách, phẩm chất, khả năng..., người nào không muốn ra đời thì tiếp
tục tu niệm để tìm giải thoát. Trong xã hội của người Khmer trước đây, mọi
thanh niên đều phải có thời gian tu ở chùa, vì chùa không những là nơi trau dồi
đạo đức mà còn là mái trường đào tạo văn hóa và nghề nghiệp, người nào không
xuất gia thì bị mọi người khinh rẻ, khó hòa nhập vào cộng đồng, cả việc cưới
hỏi cũng bị trở ngại, người con gái Khmer luôn xem đó là những người chưa đủ
phước, chưa đủ điều kiện để tiến đến hôn nhân.
Việc xuất tu cũng là điều dễ dàng,
bất cứ người thanh niên nào sau một thời gian xuất gia ở chùa đều có thể hoàn
tục để lập gia đình, người này sẽ được họ hàng thân tộc và bà con trong phum
sóc mừng rỡ đón về gia đình như đón tiếp những đứa con “thi đậu” trở về.
Đối với người Khmer, Phật là chổ
dựa tinh thần vững chắc nhất - là đấng thiêng liêng nhất, sư sãi đều là những
người đắp y mang bát, thừa kế đức Phật để hoằng hóa độ sinh, vì vậy rất được
mọi người kính trọng và tôn quí, bất kỳ người Khmer nào được các sư nhận đồ
cúng dường đều cảm thấy vui mừng như được ban phúc lớn.
Về việc tu hành thì nam phụ lão ấu
đều được khuyến khích tu niệm làm lành lánh dữ, nhưng chỉ có những người con
trai mới được xuất gia làm sư ở chùa, còn phụ nữ thì không được xuất gia làm ni
cô như các phái của Phật giáo bắc tông mà chỉ được các sư dạy bảo tu tâm tại
gia. Trừ người xuất gia, số người còn lại không kể nam nữ đều phải đi chùa tụng
kinh nghe pháp tại nhà giảng (salatean) ít nhất là 6 lần trong tháng vào
các ngày mùng 5, 8, 15, 20,23 và 30 âm lịch. Nội dung những bài giảng chủ yếu
là nói về ý nghĩa việc bố thí, làm phước, giúp đỡ mọi người và cúng dường tam
bảo.
Đa số người Khmer đều có lòng tin
về việc bố thí để làm phước, trong những hình thức làm phước thì làm phước lớn
nhất là cúng dường thức ăn cho sư sãi và dâng cúng tiền của để xây dựng tu sửa
chùa hoặc làm các công việc phúc lợi xã hội của Phật giáo. Bởi có lòng tin làm
phước được phước cho nên trong những xóm nghèo vẫn có những ngôi chùa nguy nga
lộng lẫy.
Tuy nhiên ngoài lòng tin về chùa về
Phật, người Khmer còn có những tín ngưỡng dân gian rất đa dạng và phong phú,
phổ biến nhất là tín ngưỡng về arăk và neakta.
Arăk có nghĩa là thần cũng có nghĩa là
ma quỷ không có hình dáng rõ rệt, arăk có bổn phận bảo vệ và gìn giữ
bình yên cho dòng họ hoặc thân chủ nào đó, có thể xem đây là một loại thần
thiện. Ngày xưa hầu hết các gia đình Khmer đều thờ arăk, một số lớn bàn
thờ arăk ở đồng bằng sông Cửu Long là những chòi nhỏ ngoài trời được làm
theo kiểu nhà sàn được lợp bằng lá dừa nước, bên trong có bệ thờ bày trí một
khúc thân chuối hoặc một trái dừa để cặm nhang, một cái dĩa bằng bẹ chuối và
một cái tháp được làm bằng cây. Nhưng hiện nay loại chòi nhỏ để thờ arăk còn
lại rất hiếm, chỉ thấy lẻ tẻ một số rất ít ở các vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên về
tín ngưỡng arăk của người Khmer cũng còn rõ nét, họ luôn tin tưởng arăk
của dòng họ (arăk chua bua), các arăk này có tên riêng, có
lời ca riêng để nhập đồng (lên xác) và nhất là các vật dâng cúng cũng không
giống nhau; thí dụ : arăk Cần Tôn Khiu là nữ thần khi dâng cúng phải là
thịt ếch, thịt bò; arăk Chùa Teo Tây cũng là nữ thần nhưng khi dâng cúng
phải có gà, đầu heo; một số arăk rất khác thường như arăk A Chúk khi
mời nhập đồng phải dùng lời ca tục, khi dâng lễ vật phải chưởi rủa và phải dâng
bằng chân, phải đổ rượu bằng gáo dừa...
Arăk thường là bà tổ của dòng họ, hoặc
là một người chết oan hoặc người sau khi chết có những hiện tượng kỳ lạ hoặc là
một người nào đó trong dòng họ rất nỗi tiếng. Khi cúng arăk thường phải
có một người nữ để nhập đồng (rub arak) - người Kinh ở Nam bộ thường gọi
là xác cô, xác cậu, người được chọn thường là một người không được bình thường,
ưa nói năng khó hiểu hoặc có các thói quen lạ đời; tuy nhiên trong phum sóc đôi
khi cũng có người nhập đồng chuyên nghiệp.
Khi gia đình có người đau yếu hoặc
có chuyện cần cầu xin, người Khmer thời trước thường tổ chức nhập đồng, thường
thì ngoài các lễ vật phù hợp còn phải có 2 hoặc 4 người đánh trống (skor
arăk), một người đàn gáo, một người thổi sáo và một người sử dụng chà
pei. Khi người lên đồng đặt hai tay lên mâm lễ vật thì nhạc tấu lên và điệu
lên đồng (chol arăk) được ca lên, người lên đồng lúc đó uốn éo, có nhiều
cử động khác thường như uống nước liên tục, ngậm rượu phun vào người bệnh... và
nói những câu đặc biệt để chữa bệnh hoặc nói với chủ nhà phải làm một số điều
gì đó thì bệnh nhân mới hết được.
Cứ hai hoặc ba năm vào khoảng tháng
3 tháng 4 âm lịch, các dòng họ của người Khmer đều có tổ chức cúng arăk chua
bua, thường gọi là cúng tổ (lờn run) để cầu cho các arăk đã
phù hộ cho con cháu được mạnh giỏi và bình yên.
Song song với tín ngưỡng arăk còn
có tín ngưỡng neakta, neakta là một vị nam thần đứng tuổi có
trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực, cũng tương tự như
loại tín ngưỡng Thành hoàng của ta. Đối với người Khmer neakta có nhiều
xuất xứ khác nhau, có thể là linh hồn của một người đã chết từ lâu, một vị thần
ở trong rừng thẩm, hoặc một vị thần ở nơi đồng ruộng được chỉ định để coi sóc
một địa phương hoặc một khu vực nào đó.
Người Khmer ở Nam bộ thường thờ neakta
ở các miếu nhỏ làm bằng cây lá, thường được đặt ở ngã ba sông, bìa rừng, mé
ruộng hoặc dưới gốc cây trong một khuôn viên nào đó, trên bệ thờ mỗi miếu
thường là những viên đá cuội rất bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân
của neaktà. Có một loại miếu to hơn được đặt ở các khuôn viên chùa, miếu này
thường được làm bằng gạch ngói để thờ các vị neakta chủ xóm (neakta
wâtt, neakta méchas srot), trên bệ thờ có một viên đá to (thmor thom) và
nhiều viên đá nhỏ (thmor touch); các viên đá này có viên tròn, cũng có
viên hình bầu dục, người Kinh thường gọi nôm na là “ông tà” và gọi các miếu thờ
là miểu ông tà.
Về tên gọi của neakta cũng
rất đa dạng được phân chia ra làm nhiều loại : Loại dùng tên của một vật trong
thiên nhiên, hoặc dùng địa danh để đặt tên, có loại mang tên nhân vật trong
truyền thuyết, có loại căn cứ vào màu sắc để gọi tên, cũng có loại tên có nguồn
gốc từ đạo Bà La Môn như neakta Day Khmau, neakta Kocohom, neakta Buôn Muk,
neakta Pottobol, neakta Neang Khmau, neakta Neang Khiu. Riêng các neakta
Day Khmau và Kocohom được thờ cúng rất nhiều ở các vùng đồng bằng
sông Cửu Long được người ta xem như những hóa thân của các thần Vishnou và
Siva trong các truyền thuyết xa xưa. Các neakta này thường được
thờ cúng ở chùa.
Tín ngưỡng arăk và neakta
đã ảnh hưởng rất sâu đậm vào cuộc sống của người Khmer trong nhiều thế kỷ
qua, nhất là những đồng bào nghèo ở các phum sóc xa xôi, người ta luôn tìm chổ
dựa tinh thần vào tổ tiên của dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, người
ta luôn kêu cứu các vị khuất mặt khuất mày đó để xin được cứu giúp trong những
khi bị thiên tai, dịch bệnh, thất mùa, tai nạn... Nhưng dưới sự truyền bá sâu
rộng của Phật giáo nam tông, các loại tín ngưỡng dân gian của người Khmer càng
ngày càng bị biến đổi hình dạng và cho đến nay trình độ dân trí của người Khmer
đã được nâng cao, nên một số lớn tín ngưỡng về arăk và neakta cũng đang dần dần
bị mai một.
3/- VĂN HỌC DÂN GIAN :
Người Khmer Nam bộ thật sự đã có một
kho tàng văn học dân gian rất lớn bao gồm nhiều thể loại như truyện cổ tích (rương
prêng), thần thoại (rương boran), tục ngữ (sopheaset), bài ca
(châm riêng)... các thể loại này được chia làm hai loại lớn, là văn xuôi
(peak sâmrai) và văn vần (kâm nap).
3.1. Loại văn xuôi (peak sâmrai) :
Về văn xuôi cũng có hai thứ : văn
viết và văn nói. Trong văn học dân gian
của người Khmer Nam bộ có một loại văn viết rất đặc biệt đó là những bài diễn
văn theo một khuôn mẫu có sẵn được đem ra đọc trước đám đông tại chùa hay tại
nhà riêng nhân một lễ hội nào đó. Thường thì trong lúc đọc có nhiều người nghe,
khi nghe xong họ đều biểu đồng tình với
diễn văn, lúc người đọc chấm dứt đều nói “xong” (hâng) thì mọi
người cùng lượt hô to “tốt” (sathu).
Nhưng thế mạnh trong văn học dân
gian vẫn là văn nói, thể hiện rõ nhất trong văn nói của người Khmer Nam bộ là
hai loại truyện kể : Cổ tích và thần thoại. Thực ra các truyện này có guồn gốc
từ các sách chép trên lá thốt nốt (sătra) nhưng được lưu hành trong dân
gian bằng hình thức truyền khẩu. Về cổ tích thì đa số mang màu sắc Phật giáo,
nội dung cốt truyện thường dạy con người làm lành lánh dữ, đa số các truyện cổ
tích đều nhằm nhắc nhở làm ác gặp ác, làm thiện gặp thiện, con người hiền lành
dù có bị hãm hại hay bị tai bay họa gởi nhưng cuối cùng vẫn bình an, cuối cùng
cái thiện luôn thắng cái ác. Các tích truyện thường nói về thân phận con người
trong mọi hoàn cảnh khác nhau, đôi khi những nhân vật trong truyện lại là những
con vật như : thỏ, cáo, gà, khỉ, cọp, voi ... cho thêm phần hấp dẫn và đa số các truyện cổ tích đều kết thúc bằng các
hình thức thưởng thiện phạt ác.
Truyện cổ tích Khmer rất phong phú
về nội dung và dồi dào về số lượng với nhiều đề tài có ý nghĩa, các nghệ nhân
Khmer phân ra làm nhiều loại : Chuyện
xưa tích cũ, ngụ ngôn, truyện kể về thú vật và truyện cười.
Truyện ngụ ngôn được phát triển rất
lớn vì Phật giáo có lối giảng đạo cho người bình dân bằng cách kể truyện có ẩn
dụ để thay cho những bài giáo lý khô khan khó hiểu : Các nhà sư thường dùng
những hình tượng cụ thể trong văn học thay thế cho những khái niệm trừu tượng
trong triết học để dễ dàng truyền bá giáo lý Phật giáo đến mọi người, lâu dần
đã thành những câu truyện kể quen thuộc trong dân gian.
Các truyện nói về loài vật thì mỗi loài được nhân cách hóa và điển hình
cho mỗi trường hợp trong cuộc sống khác nhau, riêng hình tượng con thỏ đã được
gắn vào nhiều truyện cổ tích xa xưa và người Khmer cũng rất chú ý đến hình
tượng con vật này. Một số lớn người Khmer đều nghĩ rằng thỏ là loài vật tinh khôn,
đẹp về thân thể, tinh khiết về tinh thần, từng là tiền thân của đức Phật đã có
lần hy sinh thân mạng để cứu người khác, người ta đã khai thác triệt để ý nghĩa
hy sinh cao cả này trong các truyện kể dân gian. Ngòai ra, khỉ và voi cũng là
những hình tượng thường được nhắc đến.
Trong các loại hình truyện kể dân
gian có một loại cũng rất được mọi người thích thú đó là truyện cười. Không chỉ
riệng đối với người Khmer mà cả các dân tộc khác, truyện cười luôn mang lại
những cái vui tươi, hóm hỉnh, sảng khoái, cũng vừa là những bài học có ý nghĩa
thâm thúy về cuộc đời của con người. Truyện cười đã phản ảnh được những thói
hư, tật xấu của của quan lại, vua chúa, những người giàu sang, đạo đức giả,
những con người được xem là “phụ mẫu chi dân” nhưng lại nhẫn tâm áp bức đày đọa
: “con dân” của mình; nay lại bị những vố thật cay cú, thật khoái trá của những
nhân vật chính trong câu truyện, những nhân vật đại biểu cho tầng lớp lao động
nghèo. Người Kinh có Trạng Quỳnh đã từng dùng trí khôn của mình làm điên đảo phủ
Chúa và đã từng làm cho những người ăn trên ngồi trước này phải nhiều phen thất
điên bát đảo, thì ở đây trong truyện cười của người Khmer cũng có nhân vật
Thnênh Cheay đã từng có nhiều thành tích làm đảo điên “luật nhà phép nước” lỗi
thời và những bọn “cao quan hậu lộc” phải nhiều phen cười ra nước mắt.
Truyện thần thoại của người Khmer
cũng có khối lượng rất lớn được thể hiện rõ nhất bằng cách truyền khẩu và qua
các tác phẩm điêu khắc, hội họa ở chùa, ở các công trình công cộng, cứ mối một
hình tượng là có mỗi thần tích với ý nghĩa sâu xa.
Phổ thông nhất trong truyện thần
thoại Khmer là truyện Đầu thần bốn mặt, trên đỉnh các nóc chùa Khmer đều
có đặt tượng đầu của một vị thần có đến bốn mặt nhìn ra bốn bên, biểu tượng này
gắn với một lễ nghi quan trọng trong ngày đầu của tết Chuôl Chnam Thmay,
đó là lễ rước Maha Sângkran, lễ rước ấy có liên quan đến một câu chuyện
thần thoại như sau : Ngày xưa, ở trên trời có một vị chúa tể gọi là Maha
Prum, một hôm ông tức giận vi phát hiện dưới trần có một hoàng tử tên Thômabal,
một người có trí tuệ phi thường nên đa số dân chúng thường nghe theo.Thần
Maha Prum ganh tị liền bay xuống trần gặp mặt hoàng tử ra một câu đối và
nói rằng nếu đáp được thì Maha Prum sẽ cắt đầu chịu thua, nếu không đáp
được thì hoàng tử phải bị giết chết. Hoàng tử nhận lời và vị chúa tể ra câu đố
“Buổi sáng cái duyên con người đặt ở đâu và buổi trưa, buổi tối lại ở đâu ?”.
Hoàng tử đi vào rừng tỉnh tâm suy nghĩ, bổng nghe hai con chim nói với nhau
“Buổi sáng cái duyên ở mặt nên người ta
phải rửa mặt, buổi trưa cái duyên ở bụng nên
người ta phải tắm và buổi tối cái duyên ở chân nên người ta phải rửa
chân để đi ngủ”. Hoàng tử nghe xong tỉnh
ngộ liền tìm vị chúa tể Maha Prum trả lời. Maha Prum bị thua và
đã giữ đúng lời hứa tự cắt chiếc đầu có bốn mặt của mình đặt ở đỉnh núi Somêru
giao cho bảy nàng công chúa con của thần luân phiên canh giữ.
Nội dung truyện thần thoại này đã
nêu lên ý nghĩa sự chiến thắng của con người đối với vị thần có nhiều quyền năng và kiêu ngạo, sự
chiến thắng của trí thông minh, của trí tuệ
loài người đối với sức mạnh của thiên nhiên và các uy lực huyền bí.
Trong các ngôi chùa Khmer, người ta
còn thấy biểu tượng Reahu với chiếc đầu to mồm rộng, răng nhe, mắt trợn, hai
tay nắm mặt trời đưa vào mồm chực nuốt. Biểu tượng này cũng có nguồn gốc từ một
truyện thần thoại rất quen thuộc trong dân gian : Ngày xưa, trong một gia đình
nọ có ba anh em trai, do cha mẹ mất sớm nên họ đã ở chung một nhà và rất thương
yêu nhau. Một hôm có một đoàn tu sĩ đi khất thực, hai người anh bảo người em út
dâng cơm, người em chạy vào nấu cơm, nhưng cơm chưa chín, đoàn tu sĩ đã đi qua
rồi, hai anh tức giận chưởi mắng thậm tệ, anh thứ hai còn dùng đủa bếp đánh vào
đầu đứa em. Người em nổi giận bỏ nhà ra đi, đến một con sông thấy nước chảy
cuồn cuộn mới ước ao cho mình có sức mạnh vạn năng, may mắn thay người em lại
được đắc kỳ sở nguyện trở thành người có sức mạnh vô song và sau đó hai người
anh do có công quả tu tập, nên anh cả đã biến thành mặt trời và anh hai biến
thành mặt trăng.
Người em lúc này tự xưng tên là Reahu,
ỷ có sức mạnh phi thường nên xem thường mọi người và còn xem thường cả thần
thánh. Một hôm nghe làng bên có một vị La Hán đang thuyết pháp, dân chúng nói
rằng La Hán là người cao lớn vô cùng nên anh chàng mới đến nơi xem sao, thấy vị
La Hán ngồi trong ngôi nhà nhỏ, Reahu bật cười nói rằng “Tôi nghe ông
cao lớn lắm, nay mới thấy ông ngồi trong ngôi nhà nhỏ như thế này thì cao lớn
thế nào đựơc”. Vị La Hán cười bảo “Nếu ngươi muốn biết ta cao lớn như thế nào
thì hãy bước vào đây”. Reahu vừa bước tới cửa, bổng nhiên ngôi nhà trở
nên to lớn dị thường và vị La Hán cũng trở nên rất lớn. Reahu ngạc nhiên
hỏi “Ông to lớn như thế, nhưng không biết có ai lớn hơn không”. Vị La Hán nói
có đức Phật Cù Đàm. Reahu nghe nói nổi tính hiếu kỳ muốn xem ra sao nên
mới xin La Hán dẫn đi xem. Vị La Hán thuận tình cho Reahu bám vào tay áo
bay về Tây Phương. Phật Cù Đàm thấy vậy nói rằng : “Đã là người tu hành còn để
cho con chí con rận bám vào áo làm chi”. Reahu nghe nói bổng dưng xấu hổ
bèn buông tay áo rơi trở lại trần gian.
Trên đường về Reahu thấy có
suối nước trong liền cuối xuống uống, chẳng may bị máy trời chém đứt làm hai
khúc, khúc thân rơi xuống đất, khúc đầu bay lên trời, nhưng Reahu không
chết bay đến đâu gây thảm họa đến đó, y thường dùng chiếc mồm khổng lồ của mình
để thổi ra bão tố và thường hóa thành những luồng trốt mạnh để cuốn người đi,
người Khmer giải thích hiện tượng đó là “Ông cụt đi”. Reahu nhớ lại năm
xưa hai người anh bạc đãi mình nên phát sinh lòng thù hận mới bay lên đỉnh núi Somêru
để chờ mặt trời, mặt trăng đi qua để trả thù. Vì vậy cứ mỗi lần có hiện
tượng nhật thực, nguyệt thực thì người Khmer giải thích lúc đó mặt trời và mặt
trăng đang bị Reahu nuốt vào bụng, nhiều người còn tin rằng nếu Reahu nuốt mặt trăng
từ Đông sang Tây thì thường xảy ra nạn đói kém, nếu trái lại Reahu nhả mặt trăng từ
Tây sang Đông thì năm đó sẽ trúng mùa, một số phụ nữ khi có thai còn cầu xin Reahu
phù hộ cho sinh đẻ được mau mắn và dễ dàng.
Truyện này phản ánh sự nhận thức
của con người thời cổ về các hiện tượng tự nhiên như giông bão, gió trốt, thủy
triều lên xuống, nhật thực, nguyệt thực...., tất cả đều do một năng lực huyền bí
gây nên. Ngoài ra, còn rất nhiều truyện thần thoại khác, mỗi truyện đều mang
một ý nghĩa đặc biệt và phản ảnh một đôi phần về các sinh hoạt và tín ngướng cổ
xưa.
3.2. Loại văn vần (kâmnap) :
Trong văn học dân gian Khmer, loại văn vần cũng
không kém phần phong phú hơn loại văn xuôi, có thể nói còn hấp dẫn hơn bởi tính
trữ tình của nó. Gọi chung là thơ ca dân
gian nhưng trong đó bao gồm rất nhiều loại của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau,
có cả : ca hát (châm
riêng), hò (Bâm to bât), tục ngữ ca dao (Sphoeaset), dân ca (Bât chrieng) và
các bài thơ ngụ ngôn, trào phúng, châm biếm...
Cuộc sống của người Khmer Nam bộ rất gần gũi với
thiên nhiên, họ rất thích ca hát để biểu đạt tình cảm, trong mọi sinh hoạt đình
đám, hội hè, liên hoan, họp mặt đều có ca hát, ca hát là một món ăn tinh thần
rất quen thuộc và quan trọng đối với người Khmer. Thường thì múa và hát ít khi
tách rời, điệu múa làm tăng thêm ý nghĩa cho lời ca và lời ca càng làm tăng
thêm nghệ thuật cho điệu múa. Các nam nữ vừa múa vừa hát đối đáp với nhau qua
các bài ayai. Trong những ngày mùa có những bài ca phục vụ lao động (châm riêng pôtahkam) người nông dân vừa hát vừa làm việc để quên đi nổi
mệt nhọc trên đồng ruộng. Cũng có những bài ca trữ tình (châm riêng brâchea brei) các thanh niên nam nữ rất ưa thích và có cả những
bài độc tấu, độc diễn, vừa ca vừa sử dụng đàn dây (châm riêng chapei).
Người Khmer Nam bộ còn có những điệu hò rất lý thú,
đây cũng là một điểm đặc biệt trong các dân tộc ít người ở Việt Nam, có lẽ do
người Khmer sống tập trung khá đông đúc ở các vùng sông nước, với nhiều sinh
hoạt tập thể ở ruộng đồng và xuất phát từ những nhịp điệu lao động lâu ngày đã
tạo thành những điệu hò độc đáo. Trong các sinh hoạt vui chơi ở các lễ hội
người Khmer đã sử dụng các điệu hò kéo dây, hò kéo co... để cổ vũ các vận động
viên nam nữ; trong các sinh hoạt lao động nơi dòng sông bến nước lại có các
điệu hò đua thuyền, hò chèo ghe, hò hái sen... Nội dung của các điệu hò đa số
phản ánh những sinh hoạt thực tế của người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu
Long, nhưng cũng có một số các điệu hò do cuộc sống cộng cư nhiều năm nhiều
tháng và trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các tôc người ở Nam bộ nên đã bị ảnh hưởng ít nhiều đến các
điệu hò đi cấy, hò giả gạo, hò chèo ghe.... của người Kinh.
Riêng về dân ca Khmer cũng có rất nhiều thể loại :
Về lao động có hát quăng chài (chriêng
bâng sâm nanh), hát chặt gỗ (chriêng kab chhơ),
hát bửa củi (chriêng
puhôs), hát giã gạo (chtiêng bôk srân), hát cấy lúa (chriêng stungrrâuv), hát nuôi tằm (chriêng chinh chưm neang), hát quay tơ (chriêng rôveays sânt), hát dệt chiếu (chriêng tbânth kânteteet), hát dệt vải (chriêng đâm banh),
hát thợ mộc (chriêng
cheng chhơ), hát thợ gốm (chriêng smâun chhăng)... Về phong tục lễ hội thì có rất nhiều bài hát.
Chỉ riêng lễ cưới đã có đến hàng trăm bài, nào là hát đến nhà gái, hát mở rào,
hát buộc chỉ, hát quét chsssiếu, hát cắt hoa cau.... Ngoài ra, trong mỗi sinh
hoạt của người Khmer trong một cuộc sống đời thường đều có sự hiện diện của dân
ca. nếu được sưu tập đầy đủ thì sẽ làm phong phú và khởi sắc thêm kho tàng dân
ca Nam bộ.
4/- CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT :
Nghệ thuật là món ăn tinh thần rất
cần thiết trong cuộc sống của con người, nghệ thuật là tiếng nói riêng là biểu
hiện bản sắc văn hóa của từng tộc người trên thế giới, mỗi dân tộc đều có những
loại hình nghệ thuật đặc thù đã phản ánh những phong tục tập quán của từng địa
phương. Người Khmer là một tộc người vốn có cuộc sống tinh thần rất phong phú,
từ đó sản sinh nhiều loại hình nghệ thuật rất độc đáo như nghệ thuật múa, âm
nhạc, sân khấu, kiến trúc...; từng loại hình nghệ thuật đã phản ảnh được những
góc độ nhất định về tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán của người Khmer trong
nhiều thế kỷ qua.
4.1. Âm nhạc :
Âm nhạc của người Khmer Nam bộ rất
phong phú, đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác nhưng đa số chỉ bằng con
đường truyền khẩu, mãi cho đến nay vẫn chưa có một hình thức ghi chép nào về
loại hình nghệ thuật này, do vậy mỗi bản nhạc có rất nhiều dị bản, tuy nhiên
nhờ sự truyền thừa khéo léo của các nghệ nhân Khmer cho đến hôm nay kho tàng
nghệ thuật này vẫn được giữ gìn cẩn thận và phát huy rất tích cực. Mặc dù trong
những thập niên gần đây đã có sự du nhập của nhạc phương Tây (tân nhạc), nhưng
âm nhạc truyền thống vẫn gữ vững được vị trí làm chủ và vai trò quan trọng
trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ. Có thể tạm chia âm nhạc truyền
thống ra làm hai loại : Nhạc sân khấu và nhạc dân gian.
Nhạc sân khấu : Đây là loại cổ nhạc được người
Khmer sử dụng như món ăn tinh thần đã từ lâu đời, các bài bản của nó khá hoàn
chỉnh vầ cấu trúc và giai điệu. Các bản phổ thông được mọi người biết nhiều
nhất là Sâm poong, Phat cheay, A lê, Chôl chhung, Khan bram, Peak brampir,
Peak bramber... thường được các nghệ nhân dùng trong dùng trong các vở diễn
ở các sân khấu Rôbam và Yukê, ngoài ra còn được sử dụng rộng rãi
ở các buổi hòa nhạc, các lễ nghi ở chùa và các đám tiệc ở phum sóc.
Nhạc dân gian : Lọai nầy cũng tương tự như dân
ca Nam bộ đã lưu hành rộng rãi trong dân gian Khmer từ những ngày xa xưa và nó
cũng đã từng bước phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử để phục vụ các cuộc vui
chơi, các hình thức sinh hoạt tập thể, các thời điểm lao động sản xuất, chiến
đấu... của người Khmer.
Ở Nam bộ hiện nay, nhạc dân gian
Khmer có đến hàng trăm thể điệu với nhiều hình thức ca, ngâm, tụng, đọc được
thực hiện do các nam nữ thanh niên và một số người lớn tuổi hâm mộ. Phổ biến
nhất là giai điệu Ayai, là điệu hát đối đáp trữ tình thật độc đáo của
nam nữ trong những khi scày cấy, tát nước đắp bờ, nhổ mạ, chèo ghe... hoặc
những khi giải lao sau giờ lao động hay trong các đám tiệc, liên quan. Thực
hiện hát Ayai gồm một nam một nữ hát đối đáp để trao đổi tình ý với
nhau, cũng có khi châm biếm hay thách đố lẫn nhau, nội dung thường là các vấn
đề trong tình yêu, trong cuộc sống. Đây là điệu đã hát thực sự tạo được sự hấp
dẫn cho mọi người, nên hiện nay đã biến hóa đến 13 làn điệu khác nhau.
Nhạc cụ của người Khmer cũng rất đa
dạng và có nhiều đặc điểm, tiêu biểu nhất là dàn nhạc gõ (Phlêng pinpeat),
một dàn nhạc có âm lượng rất lớn, theo truyền thống chỉ được sử dụng trong
những lễ nghi quan trọng của Phật giáo như : Lễ Phật đản, kết giới, khánh
thành, nhập hạ, cầu siêu... nhưng từ vài chục năm nay, do nhu cầu của xã hội
dàn nhạc gõ cũng được sử dụng cho các đám tang, đám cưới và các lễ hội dân
gian. Theo nhận xét của người Kinh thì dàn nhạc có 5 bộ, gồm : Bộ hơi, bộ da,
bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc nên thường gọi là dàn nhạc ngũ âm, nhưng người Khmer
vẫn gọi là dàn nhạc gõ vì đa số các loại nhạc cụ đều phải gõđể phát âm. Dàn
nhạc gõ đủ bộ gồm có 7 nhạc cụ : 1/- Nhạc cụ chủ lực là đàn Pôneatêk có
âm bổng, gồm 21 thanh tre rời tập họp thành một dãy nằm song song với nhau trên
một thùng đàn làm bằng gỗ hình cong như chiếc thuyền được kê trên bốn chân. 2/-
Đàn Rôneat thung có âm trầm, gồm 16 thanh gỗ rời, các thanh cũng được
tập hợp thành một dây như đàn Rôneat và cũng được đặt trên chiếc thùng
gỗ hình thuyền có chân nhưng đáy bằng không cong như thùng đàn Rôneat.
3/- Đàn Rôneat đet, có 21 thanh sắt pha đồng, các thanh được sắp thành
ba bát độ để trên khung của mặt thùng nhưng không xâu lại thành một dây như đàn
Rôneat, thùng đàn hình chữ nhật đáy bằng. 4/- Pet kông thôm (cồng
lớn) và pet kông thauch (cồng nhỏ), cồng lớn gồm 16 chiếc có âm trầm,
cồng nhỏ gồm 17 chiếc có âm bổng, cả hai loại đều được chế bằng đồng pha gang,
các chiếc cồng được xâu lại mắc trên một chiếc dàn bằng mây uốn cong hình bán
nguyệt. 5/- Skôs thôm (trống lớn) và Sâm phôr (trống nhỏ), trống
lớn gồm hai chiếc cột chặc với nhau thành một đôi, một chiếc có âm bổng và một
chiếc có âm trầm, trống lớn được đánh bằng dùi gỗ, còn trống nhỏ chỉ có một
chiếc nhưng có đến hai mặt và được đánh bằng tay; mặt trống làm bằng da trâu
hoặc da bò và được bịt rất khéo. 6/- Sralay pinpet, là hai loại kèn bằng
gỗ, có 6 lỗ, lưỡi kèn làm tre hoặc lá thốt nốt. 7/- Chhưng, là một cặp
chập chã làm bằng đồng thau.
Khi hòa tấu, nếu đủ cả 7 nhạc cụ
thì gọi là dàn nhạc lớn (vông thôm), nhưng chỉ thiếu một phần của một
nhạc cụ cũng bị xem là dàn nhạc nhỏ (vông tauch). Đàn Rôneatek là
nhạc cụ chủ đạo vì vậy luôn được gõ mở đầu báo hiệu hòa âm, các nhạc cụ khác
liên tiếp theo cùng hòa nhịp để tấu thành khúc nhạc.
Theo tín ngưỡng của người Khmer,
trước khi hòa tấu bằng dàn nhạc gõ phải làm lễ cúng chư tổ (kru đôm) để
nhớ ơn các vị tiền bối đã sáng tạo ra nhạc cụ và nhạc bản. Lễ vật cúng tế gồm
các loại như sau : Một cây bông (sla tho) làm bằng thân cây chuối hoặc
bẹ dừa nước thành hình khối 7 tầng, 7 cái bánh ít (nùm tiên), một chai
nước cúng (tưk peak) được phong kín bằng giấy đỏ, một chai rượu cúng (sra
peak) cũng được dán gấy đỏ, một nải chuối, hai mét vải trắng, một đầu heo
luộc, nữa thúng gạo và vài cây đèn cầy. Khi cúng người ta luôn mở đầu bằng một
bản nhạc cúng tổ và sau đó mới vào chương trình hòa tấu. Mỗi khi diễn tấu dàn
nhạc gõ thường được đặt ở vị trí cố định, nhưng nếu phục vụ trong các cuộc diễu
hành, người ta phải thiết kế một cái dàn bằng cây để đặt nhạc cụ trên đấy do
nhiều người khiêng, mỗi nhạc công được xếp đặt theo từng vị trí đã qui định để
sử dụng nhạc cụ. Đa số các trường hợp diễn tấu, dàn nhạc gõ thường được sử dụng
đủ bộ, cũng có một vài trường hợp dàn nhạc được tách ra một vài nhạc cụ để bổ
sung âm lượng cho một dàn nhạc nhẹ khác.
Người Khmer còn có dàn nhạc nhẹ (phlêng
khsê) gồm các loại đàn dây, chủ yếu là đàn cò (Trôsô) và các loại
đàn gáo (Trôrô lea), đàn cò u (Trô ủ), đàn bán nguyệt (Khưm),
cặp phách tre (Krab), trống cổ bồng (Skôr phiêng) sáo trúc (Khloy).
Hiện nay có một số nơi bổ sung vào nhạc cụ tân nhạc như đàn Guitare, đàn
Accordéon, trống Jazz. Dàn nhạc nhẹ, bởi có đặc điểm là “nhẹ” rất
dễ mang đến mang đi rất dễ bố trí nên hiện nay đã được sử dụng rất phổ thông
trong các cuộc liên hoan, đám tang, đám cưới, lễ cầu phước và trong một số lễ
quan trọng ở chùa; các đoàn văn nghệ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đều được
trang bị dàn nhạc này.
Ngoài các loại nhạc cụ trên dùng để hợp tấu,
trong nhạc cụ Khmer còn có loại dùng độc tấu như hai loại đàn Trô Khse bei và
Peiâr được dùng trong các dịp cúng tế: giỗ tổ, cầu arăk, cúng neakta;
đàn Srâlai được dùng trong một số trường hợp ở sân khấu Rôbam; bộ
trống Chhayam bốn chiếc dùng để vỗ trong các điệu múa và các nhạc cụ
khác như : Chapei, Khsè diêv, Ta khê thường dùng đệm cho các bản độc tấu
trường ca.
4.2. Nghệ thuật múa :
Trong các bộ môn nghệ thuật, nghệ
thuật múa đã được người Khmer chú ý nhiều nhất, múa đã được sử dụng từ trong
các sinh hoạt của cuộc sống đời thường cho đến các lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng
khác, bao gồm múa dân gian và múa chuyên nghiệp.
Ram vông, lâm lêv và sarvan là
ba điệu múa dân gian phổ thông nhất thường được sử dụng từ trước đến nay, đôí
với ba điệu múa này hình như bất cứ người Khmer nào cũng biết, cả ba đều có
động tác đơn giản và cũng tương tự như nhau, chỉ khác một vài chi tiết. Khi
thực hiện múa ram vông thì phải có một đôi nam nữ, người nữ uốn lượn hai
bàn tay xoắn đuổi nhau che lấy ngực, về phía nam thì cũng uốn lượn tay nhưng
rộng hơn để bao lấy nữ, nữ lượn thân hình đi và nam luôn bước đuổi theo nữ; múa
lâm lêv cả đôi nam nữ đều phải uốn lượn hai tay ngang đầu; còn sarvan
thì cả đôi nam nữ cũng uốn lượn tay nhưng lại buông xuôi theo thân người;
cả hai điệu múa này nam và nữ phải đối diện nhau, bên tiến bên lùi phải đều nhịp.
Nếu nhiều đôi nam nữ cùng múa, các đôi luôn di chuyển theo vòng tròn, vừa bước
vừa múa theo tiếng nhạc đệm. Ba điệu múa này đã hòa nhập vào mọi sinh hoạt vui
chơi và chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống cộng đồng của người Khmer,
nó luôn được thực hiện nối tiếp với nhau và bổ sung lẫn nhau, răm vông thì
mềm mại lã lướt, sarvan lại dập dồn nhanh nhẹn và lâm lêv luôn
sôi động vui tươi. Từng đôi nam nữ cứ hết múa răm vông lại đến sarvan và
sau cùng là lâm lêv cứ luân phiên nối tiếp.
Múa dân gian ngoài ba điệu trên còn
có múa con sáo (sarikakev) thật là duyên dáng và cuồng nhiệt, mỗi động
tác đều như là những tiếng gọi mời của tình yêu; múa trống chhayam là
điệu múa dành riêng cho nam thanh thiếu niên trong những ngày lễ; múa đám cưới
để biểu lộ phong tục tập quán và tín ngưỡng của người Khmer; múa đám tang mang
ý nghĩa khai quan xua đuổi ma quỷ để bảo vệ phần xác của người chết được bình
yên; múa cúng neakta và cầu arăk để mời thần hộ độ cho sức khỏe
dồi dào và ước muốn thành đạt; múa trong dân ca ayai để tạo điều kiện tỏ tình
giữa nam và nữ trong những dịp hội hè, ăn mừng lúa chín. Ngoài ra còn có nhiều
điệu múa trong kịch hát Yukê và rôbam, đó là đỉnh cao nghệ thuật
múa, đã được sáng tạo, truyền dạy và đang từng bước phát triển theo từng giai
đoạn phát triển của sân khấu Khmer Nam bộ.
4.3. Sân khấu :
Sân khấu của người Khmer Nam bộ từ
lâu đã được đánh giá cao so với sân khấu các dân tộc thiểu số khác hiện đang có
mặt tại Việt Nam. Tiêu biểu nhất trong loại hình nghệ thuật này là kịch hát Rôbam
và kịch hát Yukê.
Kịch hát Rôbam, đây là loại
hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của người Khmer. Trong kịch hát rôbam vũ đạo
chiếm một vai trò quan trọng, vừa mở màng đã múa, khi diễn cũng múa nên có
người gọi là múa rôbam (răm rôbam) hay hát răm, kịch múa hay nghệ thuật
múa sân khấu. Nhưng cũng có người cho rằng khi trình diễn Rôbam, múa
được sử dụng rất nhiều nhưng nói và hát vẫn là yếu tố chính để diễn đạt nghệ
thuật.
Kịch hát Rôbam có nguồn gốc
xa xưa từ cung đình, sau đó tản mát trong dân gian, nhiều nghệ sĩ tâm huyết đã
lập thành gánh hát để bảo lưu loại hình nghệ thuật này và nó được sự bảo trợ
của các phum sóc và các chùa.
Điểm đặc biệt của các đoàn hát Rôbam
đều trình diễn những tuồng tích cổ, nỗi tiếng nhất là vở Réakér với
các vai quen thuộc như hoàng tử Ream tài giỏi nhưng gian truân, nàng Sêđa
thủy chung xinh đẹp, khỉ thần Hanuman có nhiều phép lạ... Đa số các
vở diễn đều mang nội dung nhân quả báo ứng, làm lành gặp lành làm ác gặp ác,
thường thì các vở diễn dài có khi đến ba bốn đêm mới hết, tuy nhiên nó vẫn lôi
kéo được người xem, nhất là những người lớn tuổi rất hâm mộ loại hình nghệ
thuật này với những ý nghĩa nhân sinh trong tích truyện. Trong thời gian gần
đây trước đà phát triển của loại hình nghệ thuật Yukê, kịch hát Rôbam
có phần giảm sút, mặc dù vậy ở Nam bộ hiện nay vẫn còn một số đoàn hát
rôbam vẫn tiếp tục hoạt động để cố giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật cổ
điển này. Cũng có ý kiến cho rằng nên cách tân nghệ thuật rôbam để phù hợp với
thời đại mới, những như trên đã nói vũ đạo là yếu tố quan trọng các vở diễn
rôbam và các vai quen thuộc đều là vua, quan, hoàng tử, công chúa, phỉ thần...
đa số là các nhân vật được hư cấu từ trong truyện xưa tích cũ, thật sự khó thay
đổi bằng các vở diễn mới với các đề tài xã hội đương thời.
So với Rôbam, kịch hát Yukê
có nguồn gốc gần gũi hơn, nó xuất hiện ngay trên mảnh đất Nam bộ, đã được
người Khmer ở Kampuchea gọi là Lakhôn Bassac (kịch hát vùng đồng
bằng sông Cửu Long). Loại hình nghệ thuật mới mẻ này đã ra đời và từng bước
trưởng thành trong những năm 20 thế kỷ XX, hiện nay chưa có tài liệu chính thức
xác nhận người đã khai sinh kịch hát yukê, nhưng căn cứ vào một số nguồn tin
điền dã thì đoàn hát yukê đầu tiên ra đời ở Trà Vinh mang tên Kru Kưu,
đoàn này còn có tên Việt là Tự Lập Ban, sau đó đổi tên là Nhật Nguyệt
Quang rồi đến Nguyệt Quang vốn là tiền thân của Đoàn nghệ thuật
Khmer ở Sóc Trăng hiện nay.
Về tuồng tích, sân khấu Yukê cũng
bắt đầu bằng các loại tuồng cổ Khmer được trích ra từ anh hùng ca Ấn Độ Ramyna;
các truyện thần thoại như Lin thông, Mak phu yong kev, Saka minh; các
truyện xưa tích cũ của người Việt như Thạch
Sanh chém chằn, con Tấm con Cám... và cả một số tuồng Tàu như Tam Tạng
thỉnh kinh, Trụ Vương mê Đắc Kỷ, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Thần nữ dâng ngũ
linh kỳ. Phàn Lê Huê... Sau thời kỳ chống Pháp trên sân khấu yukê lại liên
tục xuất hiện các vở diễn mang tính chất xã hội, những câu chuyện phản ảnh thời
đại, mở đầu là vở Người tình trong giông tố đã nói lên tình đoàn kết
thắm thiết của người Việt và Khmer trong giai đoạn chống Mỹ, tiếp theo là một
loạt các vở Máu nhuộm nền chính điện, Mối tình Bôpha reang set, Phản bội lời
thầy... mỗi vở đều có những đóng góp nhất định.
Nội dung các vở diễn của sân khấu Yukê
dù xưa hay nay đều biểu dương cái thiện - đề cao chính nghĩa và những
chuyện tốt lành. Các vai chính nam đại diện cái thiện thường là hoàng tử, một
bậc anh hùng luôn cứu dân giúp nước, hoặc là những nông dân nghèo khổ hiền lành
bị áp bức đủ điều nhưng cuối cùng vẫn tai qua nạn khỏi; Các vai chánh nữ thường
là một công chúa, một nữ anh hùng hoặc một người vợ đức hạnh, một phụ nữ trung
kiên yêu nước yêu nhà sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa; các vai thiện còn có
Phật, tiên ông và những người chân chánh. Về vai ác thì sân khấu yukê cũng
“giàu có” hơn sân khấu Rôbam, ngoài chăn là vật tượng trưng cho cái ác
và vua ác, tưởng còn có những con người nở nhẫn tâm tàn sát đồng bào, phản bội
quê hương, những kẻ âm mưu ly gián chia rẽ nội bộ, những người vì lợi ích riêng
bất chấp pháp luật làm ăn phi pháp... Đoạn kết của vở diễn luôn luôn kẻ ác bị
tiêu diệt - cái thiện luôn thắng cái ác.
Trên sân khấu Yukê, múa
không được sử dụng rộng rãi, chỉ trừ một số tuồng tích cổ có sự biểu diễn của
múa, còn các vở diễn hiện đại thì múa ít khi được sử dụng. Về nhạc cụ ngoài dàn
nhạc ngũ âm thường gặp trong sân khấu rôbam, còn có dàn nhạc tây với bộ trống
jaz, ghi ta điện... Về làn điệu của Yukê, hiện thấy có 4 điệu chính :
-
Điệu Sâm pông dành cho các cảnh ly tan, đau đớn.
-
Điệu Angkô reach dành cho các cảnh u buồn.
-
Điệu Mahôrí thường dùng cho các vai nữ trong các cảnh than thân, trách
phận thương nhớ người yêu.
-
Điệu Phát cheang áp dụng trong các cảnh giận dữ, quát tháo.
Ngoài ra trong sân khấu Yukê còn
thấy cả một số làn điệu của tuồng Tàu, tuồng Việt từ các bộ môn nghệ thuật hát
bội, cải lương, hồ quảng, dân ca...
Nghệ thuật biểu diễn của sân khấu
yukê hiện nay cững gần gũi với cải lương Nam bộ, các vở diễn cổ xưa đang dần
dần được thay đổi bằng các vở mới phản ảnh cuộc sống của con người trong thời
đại mới, các lối trang trí sân khấu, hoặc trong nhân vật càng ngày càng gần gũi
với quần chúng hơn, số lượng đoàn hát Yukê ở Nam bộ càng ngày càng nhiều
để có thể phục vụ đầy đủ hơn đối với nhu cầu của người xem, nhất là nông dân
Khmer ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn xem yukê là món ăn tinh thần rất
cần thiết.
4.4. Kiến trúc chùa :
Đối với người Khmer chùa là nơi tôn
nghiêm nhất mà cũng là nơi thân thiện nhất, chùa hầu như gắn liền với mọi sinh
hoạt trong đời sống của mọi người, chùa là linh hồn của phum sóc, là đại biểu
văn hóa của một địa phương. Vì vậy việc kiến trúc chùa là một công việc rất
quan trọng nó đòi hỏi không những phải có trình độ kỹ thuật xây dựng cao mà còn
phải có khả năng lớn về nghệ thuật kiến trúc. Ngôi chùa Khmer luôn được xây
dựng nơi cao ráo, khoáng đảng và yên tịnh; mỗi ngôi chùa là một quần thể kiến
trúc bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như : Chính điện, sala, nhà tăng, nhà
thiền, nhà thiêu và những tháp để cốt.
Chính điện là nơi thờ Phật được xây
dựng ở trung tâm ngôi chùa, nền chính điện thường là hình chữ nhật bề dài gấp
đôi bề ngang, được xây cao khoảng một mét. Hàng cột phía ngoài thường được làm
theo kiểu Côrinthial, khoảng giữa đầu cột và mái ngói thường có gắn một
khuôn đúc bằng xi măng hình chim (krud) hoặc một tiên nữ (kenâc) hàng
cột phía trong chính điện thường có hình vẽ rồng uốn quanh thân cột và trên đầu
cột và chân cột thường được viền hoa văn.
Cột kèo khung sườn của các ngôi
chùa cổ đều được làm bằng gỗ quí, mái chùa có cấu trúc rất tinh vi, đa số đều
lợp ngói những cũng có nới mái được đúc bằng xi măng có cẩn gạch âm dương và
viền màu xanh màu đỏ. Mỗi mái chùa có ba bậc, mỗi bậc có ba nếp, đỉnh chùa
thường là một góc nhọn 600, hai bên đầu song được đóng kín bằng
miếng ván hình tam giác được trạm trổ rất công phu gọi là Hô cheang. Hai
bên nóc chùa được thiết kế như hai đuôi rắn dài và cong, giữa nóc có một hoặc
ba ngôi tháp thật đẹp, nóc tháp to lớn gồm nhiều tầng phía trên là tượng đầu
thần bốn mặt Maha Prum và trên cùng là một thu lôi, các tầng bên dưới
thường được khắc những đầu rồng thật đẹp.
Phía dưới chính điện là một khoảng
rộng dành làm nơi hành lễ, sự bày trí ở đây rất đơn giản, chính giữa là bệ thờ
bên trên là tượng Phật Thích Ca được đặt xoay mặt về hướng Đông. Người Khmer
nói riêng và các dân tộc khác theo hệ phái Nam tông đều chỉ thờ Phật Thích Ca,
không thờ các Phật khác như hệ phái Bắc tông, dù cho bên trong chính điện còn
thờ nhiều tượng Phật nhỏ khác nhưng cũng chỉ là tượng Phật Thích Ca trong nhiều
tư thế khác nhau.
Sala là nhà hội của chư tăng và phật tử,
là một bộ phận được kiến trúc hình chữ nhật được xây dựng đầu tiên của ngôi
chùa; Sala là nơi tiếp khách thập phương; Ở đây cũng có bàn thờ Phật nên
cửa Sala phải quay về hướng Đông. Sala ngày xưa thường là một
gian nhà sàn bằng gỗ, mặt sàn cách mặt đất từ một mét trở lên, những nay đa số
được xây theo kiểu dáng hiện đại, nền được xây cao.
Sala được bố trí đơn giản hơn chính
điện, thường là gồm một gian phòng rộng dùng làm nơi ăn uống cho các sư và cũng
là nơi sinh hoạt các lễ tục, một gian phòng khác để tiếp khách, một gian nhỏ để
dàn nhạc, đôi khi ở đây cũng có ngăn phòng cho sư sãi nghỉ. Bốn bên vách tường
và trần nhà thì cũng như chính điện đều có trang trí hoa văn khéo léo, vẽ nhiều
tranh ảnh lộng lẫy.
Ngoài các khu vực kiến trúc khác,
mỗi chỗ đều có một đặc điểm thẩm mỹ riêng, như khu tháp để cốt thường là nhiều
cái giống nhau gồm chân tháp hình vuông, thân tháp có nhiều tầng với nhiều hoa
tiết hoa văn rất đẹp, trên cùng là đầu tháp đỉnh nhọn, đôi khi là đầu thần bốn
mặt Maha Prum. Bên ngoài là cổng chùa cũng là một công trình kiến trúc
rất khéo léo, cổng chùa thường xoay về hướng Đông, những mỗi nơi lại có kiểu
dáng khác nhau; một số nơi cổng được xây dựng rất lớn, bên trên là ba ngọn tháp
theo kiểu tháp Ăngkor, bên dưới thường là những hoa văn hình ảnh rất
tinh xảo.
Đặc điểm nỗi bật của nghệ thuật
kiến trúc chùa Khmer là điêu khắc, hội họa và hoa văn trang trí. Về điêu khắc
ngoài các tượng Phật Thích Ca với các kiểu dáng khác nhau như tượng Phật giáng
sinh (đứng) Phật tọa thiền (ngồi), Phật nhập niết bàn (nằm), Phật ngồi trên rắn
thần Muchalinda, Phật đi khất thực, Phật tu khổ hạnh, Phật thuyết
pháp... còn có các tượng thần Kabit maha prum, tượng chằn người chim (krud),
tiên nữ (ken nâr), hung thần (Rea hu), quái vật mình rồng đầu sư
tử (Reach cha sei), rắn thần Naga, khỉ thần Hanuman, rồng (phu
chông), nữ thần đất Neang Hing thôrni, vũ nữ Apeara...
Về hội họa, đa số tranh ảnh đều rút
ra từ truyện tích cổ xưa, truyền thuyết Phật giáo, sinh hoạt cộng đồng, nhiều
nhất là các tranh ảnh diễn tả từ lúc Phật đản sinh đến nhập niết bàn, ca ngợi
sự toàn năng toàn giác của Phật.
Các hoa văn trang trí thường là các
hình ảnh quen thuộc trong thiên nhiên như : Hoa sen nở, hoa sen búp, hoa cúc,
hoa hồi (chan), hoa reang, hoa dây leo (phnhivâr), cành
hoa (phnhitês), ngọn lửa (phunhipling)... Các hoa văn được kết
cấu rất phức tạp những cũng rất hài hòa ở từng bộ phận kiến trúc khác nhau, kể
cả các bộ phận nhỏ như : Chân tường, hành lang, đầu cột, đầu hồi, diềm mái,
khung cửa cái, cửa sổ ... đều được trang trí rất đẹp.
Chùa Khmer dù lớn hay nhỏ, dù ở địa
phương nào nào cũng thường là một quần thể kiến trúc rất công phu, mỗi một khu
vực, mỗi một vị trí kiến trúc đều là sự phối hợp bởi những đường nét nghệ thuật
thật độc đáo và hài hòa, đã diễn đạt được những ý nghĩa sâu xa và thâm thúy
Phật giáo, đã minh họa những hình ảnh cổ xưa theo tín ngưỡng dân gian đồng thời
đã diễn tả được những sinh hoạt cộng đồng của người Khmer Nam bộ; chùa Khmer
thật sự là một sản phẩm văn hóa dân tộc đã gắn liền với cuộc sống của người
Khmer trong nhiều thế kỷ qua và trong hiện
tại cũng đã góp phần không nhỏ làm thẩm mỹ hóa nghệ thuật kiến trúc của
các dân tộc ở các tỉnh thuộc vùng đất phía Nam.
5/- PHONG TỤC VÀ LỄ HỘI :
Về phong tục tập quán và lễ hội
truyền thống của người Khmer có rất nhiều đặc điểm; trong đó họ không có sự
phân biệt về phong tục và lễ hội như
người Kinh, nhưng lại phân chia giữa lễ tục dân gian và lễ tục có liên quan đến
Phật giáo. Người Khmer dùng thuật ngữ Pithi để gọi chung các phong tục tập quán
và lễ hội dân gian như : Lễ Tết (Pithi Chuôl chnam thmây). Lễ cúng tổ
tiên (Pithi Sen Đôn ta), lễ cưới (Pithi Apea pincath)... và dùng
thuật ngữ Bon để chỉ những lễ hội trang trọng và những phong tục mang
màu sắc Phật giáo nam tông như : Lễ Phật đản (Bon Pisakh
Bâuchea)
Bâuchea), lễ nhập hạ (Bon châul vâssa), lễ cầu phước (Bon Đa),
lễ hội linh (Bon Pchum bôn), lễ tang (Bon Sôp)... Sau đây là một
số phong tục và lễ hội tiêu biểu :
5.1- Lễ Tết
(Chuôl chnam thmây)
Tết là một lễ hội lớn mang ý nghĩa
trọng đại đối với mọi dân tộc trên thế giới, nhưng nó lại tùy thuộc vào phong
tục, tập quán, tính chất văn hóa của từng địa phương nên mỗi nơi, mỗi chổ lại
có những cái tết khác nhau. Người Khmer ở Nam bộ từ lâu đời, đã hòa nhập cuộc
sống với người Hoa, người Việt, một số đã hưởng ứng cái tết Nguyên Đán của ta,
tuy nhiên họ vẫn giữ cái tết cổ truyền được tổ chức hàng năm.
Người Khmer gọi
tết là Chuôl chnam thmây,
có nghĩa vào năm mới, thường là ba ngày trong tháng Chétt (cũng có năm
lọt vào tháng khác, như năm 2002 ba ngày
tết Chuôl chnam thmây được tổ chức vào đầu tháng Pisak), nhưng dù
ở tháng nào theo lịch Khmer cũng nhằm ba ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch (nếu năm nhuần ăn tết
thêm ngày 13/4 dl). Theo ngày xưa nghi lễ quan
trọng nhất trong ngày tết là đắp các núi cát và tắm Phật, số
núi cát được đắp thành 5 ngọn : Ngọn giữa là núi Soméru tượng trưng cho
trung tâm vũ trụ, có sự chầu phục chung quanh bởi 4 ngọn : Nam, Bắc, Đông, Tây.
Ngày xưa ở Campuchia, trước tết một tuần, nhà vua đã đến tham dự đắp núi cát ở
đồi bà Tênh, đó là ngọn đồi lớn ở Campuchia trên đỉnh đồi có một ngọn tháp lớn (stupa)
đã được xây dựng vào thời Pônhêa Yat. Kế đó nhà vua lại trở về dự lễ
đắp núi cát ở chùa Bạc gần hoàng cung. Trước khi nhà vua tới chùa, người ta đã
dự bị sẳn một số cát lấy từ Long Vếch (Thủ đô cũ từ thế kỷ XVI, thuộc
tỉnh Pông Chnăng) số cát này sẽ được nhà Vua quăng vào 5 ngọn núi cát ở
chùa Bạc khi làm lễ; các triều thần theo nhà vua cũng quăng cát vào nhưng cát
của họ là lấy từ sông Mékông. Sau năm 1949 lễ đắp núi cát ở Phnôm
Pênh không còn nữa, nhưng ở các tỉnh vẫn còn, nhất là tỉnh Xiêm Riệp lễ
này được tổ chức rất lớn, khi tết đến mọi người đến chùa đắp 5 hoặc 9 ngon núi
cát theo hình tháp dưới gốc cây Bồ đề; mọi người tụ họp xung quanh các núi cát
đốt hương, dâng hoa, cúng bái, cầu nguyện và ném vào núi cát bằng những nắm cát
của mình. Vào buổi chiều người trong chùa tổ chức tắm Phật cầu cho mưa thuận
gió hòa làm ăn phát đạt.
Trong 3 ngày tết có rất nhiều trò
chơi như : Đá cầu, ném banh, kéo co, rồng rắn, bịt mắt bắt dê... Nhưng phổ biến
nhất là trò ném “còn” giữa hai đội nam và nữ, quả còn làm bằng cái khăn
cuộn tròn, bên nọ ném cho bên kia, vừa ném vừa hát. Ở nhiều tỉnh còn tổ chức
múa “trốt” đi từ nhà này sang nhà khác, làng nọ sang làng kia vừa đi họ
múa hát. Mỗi người trong đoàn, trên tay cầm cái gậy, trên đầu gậy buộc những
tua vải đủ màu; họ vừa đi vừa dùng đầu gậy gõ nhịp nhàng xuống đất, có một
người đóng vai trò thợ săn, hai người khác giả làm hưu. Đoàn “trốt” đi
đến đâu cũng được người ta thưởng tiền hoặc quà bánh.
Người Khmer ở Nam bộ rất đông nên
cái tết Chuôl chnam thmây ở đây cũng khá nhộn nhịp. Ngay từ đầu tháng 4
dương lịch, mọi nhà đều chuẩn bị bánh mức đồ ăn thức uống các loại, cũng gần
giống như người Việt hay người Hoa đón xuân nhưng đặc biệt nhất của người Khmer
là 5 loại bánh : Nùm chruốt (bánh tét nhưn mỡ), Nùm chết (bánh
dừa nhưn chuối), Nùm tiên (bánh ít), Nùm niềng nóc và sùm bóc
cháp (bánh bột nhưn dừa) thì nhà nào cũng có. Ngay trong ngày thứ nhất, vừa
sáng sớm mọi người tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới và chuẩn bị hương đăng hoa
quả và cơm nước để đi chùa cúng Phật và làm lễ rước đại lịch (Maha sang
kram). Ở đây có một vị gọi là Acha điều khiển mọi người đứng xếp hàng rồi
đi vòng quanh chánh điện ba lần như các nhà sư đi kinh hành để làm lễ chào mừng
năm mới. Sau lễ rước đại lịch tất cả chư tăng cùng tín đồ lễ Phật và tụng kinh
mừng năm mới. Đến đêm những người lớn tuổi tụ họp trong nhà nghe sư thuyết
pháp, còn các thanh niên nam nữ ra sân chùa tham gia các cuộc múa hát vui chơi.
Sang ngày thứ hai, từ sáng sớm người
ta đã làm lễ cúng dường dâng cơm cho các nhà sư (Ween chông ham). Thường
ngày thì người Khmer trong các thôn xóm gần chùa đều có tổ chức từng nhóm để
cúng dường, mỗi nhóm gồm vài nhà cùng chịu trách nhiệm nấu nướng thức ăn và
dâng cơm cho sư sãi theo từng đợt, hết nhóm này đến nhóm khác thay phiên lẫn
nhau. Nhưng trong ngày tết các sư có thể nhận cúng dường một lúc từ nhiều tín
đồ. Trước khi ăn các sư phải tụng kinh để chúc phúc cho người cúng dường, đồng
thời làm động tác ban thức ăn cho những oan hồn vô chủ.
Vào chiều ngày thứ hai này, người
ta tổ chức đắp núi cát gọi là Puôn phnum khsach. Hình thức đắp núi cát ở
đây cũng thay đổi ít nhiều, trong những ngày gần tết người ta đến các cửa hàng
mua bán vật liệu mua một số cát (tùy lòng hảo tâm) số cát này được xe chở đến
đổ trước sân chùa thành một đống cát to, trước để làm lễ sau dùng làm vật liệu
xây cất các công trình công cộng. Theo sự hướng dẫn của vị Acha người ta
dùng số cát này đắp thành 9 ngọn núi nhỏ, tám ngọn ở tám hướng và một ngọn ở
chính giữa tượng trưng cho trung tâm trái đất và bốn phương tám hướng của vũ
trụ, đắp núi xong lại làm hàng rào bằng tre (hoặc vật liệu khác) bao quanh chín
núi cát. Sau đó các sư làm lễ quy y, lễ cầu phúc..., tất cả các nghi lễ này gọi
chung là lễ Phúc duyên đắp núi cát (Ani sơn puôn phnum khsach). Tục đắp
núi cát của người Khmer trong ngày mở đầu của năm mới có ý nghĩa ngăn trở ma
quỷ và những điều không tốt lành, đồng thời cũng để nhắc nhở mọi người nên tích
công tích phúc lâu dần sẽ lớn như núi và sẽ lan tràn khắp tám phương. Ngoài ra
người ta còn đắp núi đất, núi đất thường được thực hiện ở nơi đất thấp trong
khuôn viên nhà chùa để khi xong tết được ban ra làm nền cho cao ráo. Ngoài ra
còn có núi thóc, núi gạo để chuẩn bị chi dùng trong lễ an cư kiết hạ (Votsa)
trong 3 tháng 6, 7 và 8.
Ngày thứ ba có lễ tắm Phật rất quan
trọng, lễ này được tổ chức theo thứ tự, trước nhất các nhà sư trong chùa dùng
nước thơm để tắm các tượng Phật kế đến các phật tử thay phiên nhau làm theo các
nhà sư. Người Khmer rất thành tâm trong lễ này, mọi người đến cầu Phật gia hộ
cho sức khỏe được nhiều, mùa màng được trúng, ý nguyện được thành, xóm làng yên
ổn, tai nạn tiêu trừ. Sau lễ tắm phật là lễ Khma cũng như lễ xám hối ở các chùa
Việt, trong lễ này các sư làm lễ trước, phật tử làm lễ tiếp theo. Một số nơi
sau lễ tắm Phật còn tắm các vị sư sãi cao niên đức cao vọng trọng.
Người Khmer không có tết Thanh Minh
như người Hoa và người Kinh nên việc tảo mộ ông bà được thực hiện ngay trong
tết Chuôl chnam thmây. Sau lễ tắm Phật mọi người đi viếng tháp viếng mộ
và nhờ các sư làm lễ cầu siêu, các tháp hội không có thân nhân cũng được nhà
chùa cúng tế, cầu siêu; lễ này gọi là Băng skôi. Viếng mộ xong mọi người
trở về nhà làm lễ tắm tượng Phật ở gia đình; việc kế tiếp là con cháu trong nhà
đem bánh mức trà rượu đến mời ông bà cha mẹ ăn uống đồng thời dâng những lời
chúc tụng đầu năm và hứa hẹn những việc làm trong năm mới. Ngày xưa còn có tục
tát nước vào người lớn tuổi để lấy hên, nhưng đến nay không còn nữa và đổi lại
chỉ thắm nước bông hoa vào quần áo, đồ dùng của ông bà cha mẹ để chúc phúc.
Tóm lại 3 ngày tết, mọi người đều
tụ họp ở chùa, trong các ngày này nhà nào cũng chuẩn bị đồ ăn từ sáng sớm để
mang vào chùa, trước tiên là làm lễ tam bảo, kế đến cúng dường quí sư, sau ăn
uống vui vẻ với nhau, khi ăn xong mọi người ngồi lại nghe sư thuyết pháp..
Trong tết Chuôl chnam thmây văn
nghệ cũng được xem trọng, các chùa đều có tổ chức văn nghệ, người ta mời đoàn
văn nghệ đến phục vụ, hoặc tổ chức văn nghệ nghiệp dư tại chùa. Về trò chơi
cũng rất vui nhộn, có trò kéo co, bóng chuyền... thật hào hứng, đặc biệt là trò
chơi “Bo suông” gồm một đội nam và một đội nữ ném khăn cho nhau để hát
đối đáp như hình thức hát giao duyên của người Việt. Trong đêm cuối cùng, mọi
người vui chơi, đàn hát, nhảy múa, kể chuyện ... đến khi trời sáng.
Đối với người Khmer, chùa là chổ
dựa tinh thần của mọi người, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất, cũng là trung
tâm văn hóa của địa phương, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, cho nên khi tết đến
người Khmer không phải chỉ đến chùa để viếng chùa như người Hoa hay người Kinh
mà tất cả đều tập trung ở chùa để ăn tết, xem đây như là mái nhà chung của
mình. Cái tết Chuôl Chnam Thmây cũng như tết Nguyên Đán, nó có ý nghĩa
rất trọng đại, vừa là ngày mở đầu cho năm mới, ngày mở đầu cho thời vụ, cũng là
ngày vui tươi hạnh phúc nhất trong năm, đối với thanh niên nam nữ đây là cái
dịp để làm quen, trao đổi, tâm sự, hẹn hò... để chuẩn bị cho một tương lai tươi
sáng.
5.2 Lễ cúng ông bà
(Pithi Sen Đônta)
Người Khmer thời xưa không có thói quen
tổ chức lễ giổ hằng năm cho những ông bà như người Kinh mà các công việc đền ơn
đáp nghĩa tổ tiên, báo hiếu người dưỡng dục sanh thành - nói chung những người
quá cố của gia đình trong thân tộc, người Khmer đều tập trung tế lễ trong ba
ngày từ ngày 29 tháng 08 đến ngày mùng 1 tháng 9 âm lịch, đó chính là lễ Sen
Đônta - lễ cúng tổ tiên. Ba ngày của lễ này mang ba ý nghĩa khác nhau, ngày
thứ nhất là ngày nghinh tiếp tổ tiên, ngày thứ hai là ngày lưu giữ tổ tiên,
ngày thứ ba là ngày tiễn đưa tổ tiên; cả ba ngày đều được cúng kiến thật linh
đình, ngày nào cũng tế lễ tụng kinh cầu siêu cầu phước cho những linh hồn đã
quá cố.
Ngày thứ nhất : Đây là ngày quan
trọng nhất trong lễ Sen đônta, các thành viên trong gia đình đều phải có mặt
đông đủ để tiếp đón vong linh những người đã mất. Việc đầu tiên là họ dọn dẹp
bàn thờ Phật cho tươm tất sạch sẽ, trưng bày hương hoa thanh khiết, nhà nào có
bàn thờ tổ tiên cũng được trang hoàng bày trí mới mẻ. Việc kế đó là trải chiếu
mới lên giường đồng thời sắp đặt mùng mềm gối mới và một bộ quần áo thật mới
lên chiếu cùng với trà rượu bánh trái tùy theo mỗi gia đình. Xong lại dọn lên
một mâm cơm, đây là giờ khắc trang trọng mọi người trong gia đình tụ tập lại để
cúng tế, thường khi họ đốt nhang đèn và bới bốn chén cơm, mỗi chén kèm theo một
đôi đủa để cạnh mâm đồ ăn đã được chuẩn bị sẳn. Những người trong nhà vây quanh
khấn vái mời mọc tổ tiên và những người đã mất về ăn uống. Suốt thời gian cúng
cơm, họ khấn vái ba lần, mỗi lần đều có rót trà và rượu. Đến tuần trà rượu thứ
ba kể như xong, họ dọn dẹp và mời vong linh tổ tiên nghỉ ngơi trên chiếc giường
đã được bố trí sẵn mềm gối.
Theo thông lệ, trước khi dọn dẹp,
chủ nhà lấy một cái chén sạch gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén xong lại đổ
trà và rượu vào rồi đem ra để phía trước sân có cắm một cây nhang để mời ma quỉ
ăn uống. Theo lòng tin của người Khmer thì đây là những vong hồn làm nhiệm vụ
“bảo hộ” tổ tiên của họ về nhà và những
vong hồn này sẽ ở lại nhà của họ suốt ba ngày lễ, sau đó sẽ đưa tổ tiên của họ
về chốn cũ, vì vậy bất cứ bửa cúng cơm nào cho tổ tiên cũng phải kiến cho các
vong hồn này một phần thức ăn.
Đến chiều ngày thứ nhất, người
Khmer lại dọn cơm cúng tổ tiên thêm một lần nữa, cũng trà rượu ba tuần mời tổ
tiên như buổi sáng, xong họ lại “mời” tổ tiên cùng với họ vào chùa để nghe kinh
do chư tăng tụng niệm. Đối với người Khmer người sống nghe kinh sẽ được phước
báo và linh hồn nghe kinh sẽ được chóng vãng sinh. Sau khi nghe kinh họ lại
“mời” tổ tiên đi xem múa hát, diễn trò cùng các tiết mục văn nghệ khác. Sau đó
mỗi gia đình cử một vài người về coi nhà còn phần lớn đều ở lại chùa cùng với
tổ tiên của họ suốt đêm hôm đó.
Ngày thứ hai : Trọn một ngày từ
sáng đến chiều, hầu hết mọi người trong các phum sóc đã có mặt trong chùa để
vui chơi cùng tổ tiên của họ; ngôi chùa gần như là ngôi nhà chung, tất cả các
cuộc vui chơi ăn uống, giao lưu - các thứ sinh hoạt đều xảy ra ở đây. Về ăn
uống thì mỗi gia đình đều mang thức ăn theo, khi ăn họ chỉ chọn một chổ có bóng
mát như mái hiên hay tàng cây nào đó rồi cả gia đình sẽ quây quần ăn uống và
cúng kiến tổ tiên y như trong nhà của họ. Chiều ngày hôm đó mọi người lại mời
tổ tiên về nhà “ăn” bữa cơm chiều và cũng như các bữa cơm trước sau cúng cơm
chủ nhà và con cháu mời tổ tiên nghỉ ngơi; đặc biệt đêm nay người Khmer tin là
đêm tổ tiên sẽ ở nhà cùng với con cháu.
Ngày thứ ba : Ngay từ sáng sớm, mỗi
gia đình đều chuẩn bị sẵn nhang đèn và mâm cơm để tiễn đưa tổ tiên của mình về
“nhà”. Con cháu có mặt đầy đủ, chủ nhà đại diện bới cơm mời mộc, khấn vái và
sau ba tuần trà rượu họ lại đổ tất cả cơm nước, thức ăn và rượu vào một chiếc
thuyền làm bằng bẹ chuối để tổ tiên và các quân gia ăn trên đường về. Chiếc
thuyền này thường được làm rất công phu, thường thì mỗi chiếc thuyền đều có
khắc hình cá sấu thật giống để chống các loài thủy tộc và trên thuyền có
cắm hình tam giác để trừ ma, yếm quỷ đến
quấy phá. Sau khi chất chứa thức ăn đầy đủ, chiéc thuyền tàu chuối được đem thả
trên sông rạch gần nhà, con cháu nhẹ nhẹ đẩy thuyền xuôi dòng và chúc tổ tiên
bình an về chỗ cũ. Sau đó họ trở về nhà tiếp tục vui chơi ăn uống cho đến hết
ngày hôm đó. Trong lễ tiễn đưa này cũng có môt số gia đình mời sư sải đến tụng
kinh để cầu phước cho tổ tiên.
Lễ Sen Đônta hôm nay đã có
thay đổi ít nhiều để cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội của từng địa
phương, nhưng cũng chỉ thêm bớt một vài chi tiết nhỏ, còn cái chung thì người
Khmer vẫn giữ được truyền thống cổ xưa.
5.3 Cưới hỏi
(Pithi Apea pipeah)
Người Khmer do ảnh hưởng quan niệm
cởi mở của Phật giáo nên thanh niên nam nữ đến tuổi trưởng thành được tự do yêu
nhau, tự tìm cho mình đối tượng trong tình yêu lứa đôi để xây dựng hạnh phúc
trăm năm. Chỉ trừ anh chị em ruột không được lấy nhau, còn bà con họ hàng thân
thuộc khác nếu đôi bên đồng ý đều có thể kết hôn, ngày xưa những gia đình giàu
có còn khuyến khích họ hàng lấy nhau để thêm gần gũi và nhất là để bảo vệ của
cải không lọt ra bên ngoài, việc yêu đương thì dễ dãi, nhưng ngược lại thủ tục
cưới gả theo cổ lệ thì phức tạp vô cùng, phải trải qua nhiều lễ tục không thua
gì lục lễ của nhà Nho. Đám cưới của người Khmer theo phong tục cổ truyền phải
qua các giai đoạn sau đây :
- Lễ Ăn trầu : (Si sla dâk) :
Đối với người Khmer việc dựng vợ gả chồng là việc chọn giống thích hợp để sinh
con để cái, để lưu truyền tông tộc, vì vậy sau khi đôi trai gái đã trải qua
thời kỳ tìm hiểu, nếu đã tâm đầu ý hợp thì cha mẹ (hay người thay thế) đàng
trai sẽ nhờ người mai mối (Maha) sắm sửa trầu cau đến nhà đàng gái để cầu hôn.
- Lễ Hỏi : (Si sla kâl sèng) :
Sau lễ ăn trầu, nếu đàng gái đã thống nhất thì đàng trai tiến hành lễ hỏi hình
thức lễ này cũng gần giống như lễ hỏi của người Kinh đó là lễ chính thức đầu
tiên xác nhận sự thuận tình của đôi trai gái và cũng là lễ ràng buộc quan hệ
sui gia của đàng trai, đàng gái với nhau. Đối với lễ ăn trầu (Si sla dâk),
sau đó đàng gái có thể từ chối cuộc hôn nhân, nhưng nếu đã ăn hỏi (Si sla
kâl sèngs) rồi thì cuộc hôn nhân lứa đôi ít khi bị đình hoãn. Trong lễ hỏi
đàng trai trình ngày cưới. Thường thì ngày cưới phải tránh các tháng Mưc kă
sê (khoảng giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 dl), Mesk (khoảng giữa
tháng 1 đến giữa tháng 2 dl), Chett (khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng
4 dl) và nhất là những tháng trong thời gian các sư nhập hạ (từ 15/6 đến 15/9
âm lịch) ngoài ra những tháng có 29 ngày cũng không được chọn. Ba tháng thường
được chọn là Bôs (khoảng giữa tháng 12 đến giữa tháng 1 dl), Phol kun
(khoảng giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 dl), Pisat (khoảng giữa tháng
4 đến giữa tháng 5 dl) đó là những tháng tốt dùng để tổ chức lễ cưới. Về ngày
cưới cũng xem rất kỷ, trên cơ sở ngày tháng năm sinh của đôi trai gái vào tháng
trăng tròn hay trăng khuyết, nếu ngày trăng tròn thì chọn ngày 7, 9, 11, 13 còn
nếu trăng khuyết thì chọn các ngày 2, 4, 8, 10, 12. đó là những ngày tốt cho
cuộc hôn nhân, gọi là đã chọn được Pile (ngày thích hợp), cũng có tài
liệu nói trong mỗi tháng đều có tám ngày tốt đó là các ngày : 7, 9, 10, 11, 17,
19, 24 và 25.
- Lễ Xin cưới (Si sla banh cheab peak) : Lễ này diễn
ra trước ngày cưới, nhà trai mang lễ vật trà rượu trầu cau bánh trái đến nhà
gái để xin cưới. Đặc biệt lần này có mang theo cả trang sức như bông tai, vòng,
nhẫn bằng vàng hoặc bạc để tặng cô dâu. Sau lễ này kể như chính thức vào lễ
cưới, hai bên trai gái đều có sự chuẩn bị.
- Vào lễ cưới ( Peel riep
ka) : Trước ngày cưới một hôm, đàng trai qua nhà đàng gái dựng rạp cưới (Thngay
chôl rông ka), theo phong tục xưa thì rạp phải rộng ba gian : Một gian đãi
khách, một gian nấu nướng, một gian dùng cho chú rễ nghỉ ngơi. Lễ cưới thường
được tổ chức ở nhà gái (Vive hăm mang kol), những có khi cũng vừa tổ
chức ở nhà trai (Ave hăm măng kol). Lễ cưới được tiến hành trong ba ngày
với nhiều chi tiết lễ tục như sau :
Ngày thứ nhất : Sáng ngày thứ nhất,
nhà trai chuẩn bị các loại lễ vật để mang sang nhà gái gồm : Trà rượu, trầu
cau, bánh trái và thức ăn các loại... mỗi thứ đều phải một đôi vì người Khmer
rất kỵ số lẻ. Đến xế chiều nhà trai tổ chức một đoàn người gồm : Chú rễ, cha mẹ
chú rễ, họ hàng cô bác lớn tuổi, một số thân nhân bè bạn của chú rễ để bưng các
mâm lễ vật, đòan người này do ông điều
khiển nghi lễ (Acha Pă lia) và hai ông mai (Maha) hướng dẫn -
những người này thường lớn tuổi, có vợ chồng đủ đôi, con cháu đông đúc và hiểu
biết rành các lễ tục cưới hỏi; ngoài ra còn có một dàn nhạc cưới đi theo (Vong
phlêng ka) để hát chúc mừng.
Ngày hôm đó nhà gái đóng kín cửa
cổng tương trưng cho sự thanh khiết của cô dâu. Khi đến công ông Maha hướng
dẫn đoàn người bày các mâm lễ vật và nói lời cầu xin, như xin đất làm nhà, xin
giếng múc nước, xin phép được vào, xin chủ nhà mở cửa..., nhà gái vẫn chưa mở cửa,
ông Maha phải rút dao ra múa, gọi là múa mở rào (Răm bơk rôbăng),
múa cho đến khi nhà gái mở cửa mới ngưng. Đoàn nhà trai tiến vào dâng lễ vật,
dàn nhạc tấu lên trong lúc làm lễ.
Ngày thứ hai : Đây là ngày chính
thức của lễ cưới, ngay từ sáng sớm là lễ cúng tổ tiên và ăn trầu để đính ước (Kâm
nât). Đến chiều làm lễ cắt tóc cho chàng rễ và cô dâu tượng trưng cho sự
làm đẹp. Kế đến chàng rễ thực hiện nghi thức trình diện thần bảo hộ phum sóc (Neakta)
bên nhà gái để thần công nhận thêm một thành viên mới của cộng đồng. Tối
hôm đó khoản đãi khách hai họ và một việc quan trọng nhất của đêm này là mời
các sư ở chùa đến tụng kinh cầu phúc. Đến khoảng gần nữa đêm, hai ông Maha của
hai họ chọn 4 cặp nam nữ thanh lịch để gói bánh trước cúng Phật sau dâng cho
cha mẹ nhà gái tượng trưng cho sự báo hiếu công ơn dưỡng dục sinh thành.
Ngày thứ ba : Sau khi chú rễ và cô
dâu thực hiện các nghi thức lễ lạy ông bà, cha mẹ, cô bác, họ hàng xong, ông Acha
Pă lia dẫn hai người đến bàn ông thiên (Rean Têvôda) ngồi xoay về hướng
mặt trời để chờ lấy giờ tốt (pèle), đến khi mặt trời mọc ông Acha Pă
lia đánh cồng ba lần và cô dâu chú rễ cũng bái ba lần để lấy pèle.
Kế đến là lễ rắc hoa cau (Phka sla) lên người cô dâu chua rễ, rắc cả
đường đi từ chổ ngồi đến cửa buồng cô dâu. Sau đó là lễ rút gươm (Dơr po
pil), lễ này tượng trưng cho chính nghĩa thắng gian tà và quyết tâm bảo vệ
hạnh phúc, có nguồn gốc từ trong một truyền thuyết dân gian - một tên tiêu nhân
hại bạn đoạt vợ nhưng bất thành đã bị trị tội bằng lưỡi gươm ngay đêm tân hôn.
Sau lễ rút gươm là lễ buộc chỉ cổ tay (Chân đay) ông Acha Pă lia vừa
múa trước mặt cô dâu chú rễ vừa mời họ hàng, thân tộc, bè bạn, quí khách đến
buộc chỉ vào cổ tay cho cô dâu chú rễ, người đến buộc phải đủ đôi và khi buộc
có kèm theo tặng phẩm như tiền bạc, đồ trang sức... với những câu chúc mừng
hạnh phúc trăm năm.
- Lễ vào phòng (Phsâm đâm nêk) :
Sau khi nhận tặng vật của anh em, bè bạn, ông Maha hướng dẫn cô dâu chú
rễ theo đường đã rắc hoa cau để vào phòng hoa chúc, theo thông lệ thì cô dâu đi
trước, chú rễ nắm vạt áo cô dâu theo sau. Có người nói rằng lễ này bắt nguồn từ
tích hoàng tử Thông cưới công chúa Theara vatey con gái Long
Vương, trên đường về cung hoàng tử vốn sống trên cạn không đi được dưới nước
nên Long Vương phải đi trước làm phép vẹt nước, trong cảnh âm u đó hoàng tử
phải nắm lấy vạt áo của công chúa mà đi, vì vậy ngày nay mới có cảnh ông Maha
đi trước dọn đường và chú rễ phải nắm lấy vạt áo cô dâu. Nhưng có người nói
hình thức lễ này có nguồn gốc từ chế độ mẫu hệ thời xưa người phụ nữ làm chủ và
luôn đi đầu trong mọi công việc.
- Lễ quét chiếu (Bôs kâs têl) :
Khi cô dâu và chú rễ vào phòng liền có một người già - người được chọn này phải
khỏe mạnh và đông con nhiều cháu - người này mang chiếu ra và hỏi “Có ai chuộc
chiếu ?”, chú rễ sẽ bước ra nhận chiếu và trải ra mời cô dâu và ông Maha cùng
ngồi, ông Maha nghiêm chỉnh dạy bảo vợ chồng phải cư xử tốt với nhau và
phải chung thủy với nhau đến trọn đời, để cám ơn ông Maha cô dâu và chú
rễ sẽ để lên chiếu một tặng vật gì đó, thường là tiền để tặng cho ông Maha và
ông Maha sẽ nhận tặng vật sau khi cuốn chiếu (Sa kân têl).
- Lễ chung mùng (Đêk sân kât
chơn mung) : Nhà gái chọn hai phụ nữ đứng tuổi có con cái đông đúc và vợ
chồng hòa thuận để trải chiếu cho cô dâu chú rễ. Sau đó họ bày nhang đèn, hoa
quả, bánh trái ngay trong phòng hoa chúc để cúng tổ tiên rồi một trong hai phụ
nữ đem nước dừa cho cô dâu để mời chú rễ uống, còn người kia đưa cho chú rễ để
mời cô dâu, sau khi uống xong nước dừa họ còn đem chuối đến để cô dâu và chú rễ
cùng đút cho nhau ăn để gợi ý cho sự yêu thương và săn sóc lẫn nhau. Trước khi
bước ra khỏi phòng hai người phụ nữ còn dặn dò cô dâu chú rễ những điều cần
thiết cho đêm tân hôn và khuyên bảo hai người phải yêu thương đùm bọc với nhau
đến trọn đời. Sau khi ăn uống xong cô dâu và chú rễ vào mùng, cô dâu vào trước,
chú rễ vào sau; từ xưa đến nay vẫn còn giữ như thế. Ngày xưa lễ này còn có bốn
phụ nữ đông con giàu kinh nghiệm trong cuộc sống nằm ở bốn góc mùng của cô dâu
và chú rễ để kịp thời khuyên răn và dạy bảo cô dâu và chú rễ trong việc tạo
dựng hạnh phúc lứa đôi, việc ngủ ngoài mùng này kéo dài ba đêm liền, nhưng tục
lệ này đến nay không còn nữa.
Ba ngày sau đám cưới, đôi vợ chồng
mới được người nhà hướng dẫn mang lễ vật trong đó có hoa cau đến chùa để cúng
Phật và cúng dường các sư để cầu phúc. Sau đó hai người còn phải sắm sửa trầu
cau bánh trái để đi thăm hỏi bà con thân tộc hai họ để làm quen và để tạo tình
đoàn kết trong tộc họ.
5.4. Lễ cúng trăng : (Pithi Sâm peak preah khe).
Lễ cúng trăng là một lễ hội dân
gian đã có từ lâu đời của người Khmer; hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 10 âm
lịch (ngày 15 tháng Kà đâk theo lịch Khmer) là ngày cuối cùng một chu kỳ
của mặt trăng xoay quang trái đất cũng là thời điểm chấm dứt thời vụ của một
năm, theo tín ngưỡng của người Khmer để cảm tạ thần mặt trăng để bảo hộ mùa
màng, điều hòa thời tiết, đem lại ấm no cho mọi nhà, người Khmer đã tổ chức một
lễ lớn gọi là lễ cúng trăng. Thức ăn chính trong lễ này là cớm dẹp, trước để
dâng cúng sau đó đút cho trẻ em ăn tượng trưng cho sự no đủ do thực phẩm của
mình làm ra, nên còn gọi là lễ đút cớm dẹp (Âk âm bok). Một vài nơi
trong chiều ngày 15 có tổ chức đua ghe ngo (Um tuk ngua) thật tưng bừng
náo nhiệt, lễ cúng trăng có nguồn gốc dân gian nên thường gọi là Pithi sâm
peah preah khe, nhưng dần dần lễ này bị Phật giáo hóa - người ta tin rằng
con thỏ trên cung trăng chính là tiền thân của đức Phật đã có lần dùng thân thể
mình để cúng dường cho một vị thần Sakah chúa tể các vị thần tiên Tévada
đang đội lốt người ăn xin, nên lễ cúng trăng còn được gọi là Bon sâm
peah preah khe.
Lễ cúng trăng từ xưa đến nay đã
được người Khmer tổ chức thống nhất vào đêm rằm tháng 10 âm lịch tại sân chùa,
sân nhà hoặc một nơi trống trãi nào đó
vào lúc trăng lên. Từng gia đình có thể tổ chức riêng hoặc nhiều gia đình họp
lại để cùng tổ chức, trước nhất người ta đào lổ cặm hai thanh tre cách nhau
khoảng 3 mét và gát ngang một thanh tre khác nhưng hình dáng cái cổng thật đẹp
và đặt dưới cổng một chiến bàn trên đó bày biện hoa trái bánh mức, nhang đèn để
chuẩn bị cúng trăng , thức cúng quan trọng nhất của lễ này là cớm dẹp, còn các
món khác thì tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình có thể là khoai lang,
khoai môn, khoai mỡ, dừa tươi, chuối, bánh kẹo... Cạnh dưới bàn người ta trải
đệm hoặc chiếu cho cả nhà cùng ngồi ở đó để chuẩn bị cúng trăng.
Khi trăng lên đến đỉnh đầu là thời
điểm kết thúc chu kỳ của mặt trăng trong một năm - ngày xưa để xác định thời
điểm này, ở một số nơi người ta cắm một chiếc gậy gần địa điểm hành lễ, đợi đến
khi bóng trăng không còn xê dịch dới bóng gậy mới bắt đầu hành lễ. Mỗi gia đình
của một người lớn tuổi đại diện gia đình đốt nhang đèn, rót trà... chấp tay
khấn vái, những người lại cũng chấp tay thầm khấn vái cảm tạ thần mặt trăng đã
làm cho mưa thuận gió hòa, đem lại chén cơm cho gia đình họ và mọi người đồng
ước ao rằng sang năm tới thần mặt trăng cũng bảo hộ được tốt lành để phum sóc
yên vui, nhà nhà đầm ấm.
Khi cúng xong, người đại diện gia
đình tiếp tục thực hiện một nghi thức quan trọng khác là đút cốm dẹp cho các
trẻ em trong gia đình để tượng trưng đã nhận lãnh sự ban bố của thần Mặt trăng,
đồng thời đánh dấu thành quả lao động của mỗi gia đình. Tiếp theo các loại bánh
trái cúng trăng được dọn xuống và dưới ánh trăng vằng vặc mọi người trong gia
đình cùng nhau ăn uống vui vẻ. Các em nhỏ thì tự do múa hát và nô đùa với các
trò chơi dân gian (Lêng lòbeeng pro chia prây) đến thật khuya mới chấm
dứt.
5.5. Tang ma (Bon Sâp).
Người Khmer chết thường được hỏa
táng (Bon chheabanakeech), cũng có một số trường hựp chết vì dịch bệnh
họ mới đem chôn (Bon banh choh sap) nghi lễ của mỗi đám tang thường được
tiến hành qua nhiều giai đoạn, thường là họ mời một người thông hiểu về nghi lễ
(achar yuki) đến để hướng dẫn những công việc cần phải làm.
Việc trước nhất là bỏ một đồng bạc
(hoặc đồng chì hay đồng kẽm) vào miệng người chết, sau đó mới lau thi hài người
chết bằng các thứ nước thơm, theo ngày xưa thì loại nước này phải được trộn vào
nhiều loại hoa hoặc thứ hương liệu hay nhang thơm nào đó, xong họ mặc quần áo
mới và quấn vải trắng khắp thân thể người chết (rum sâp), nếu muốn quàng
xác lâu ngày, người ta còn quấn thêm một lớp vải dầu, sau khi quấn vải còn phải
dùng dây vải (hoặc chỉ) buộc xác chết làm năm đoạn (chăm nâng bram brâkar),
mỗi đoạn thắt một nút lớn, xong dùng chăn hoặc mềm đậy kín lại.
Trong thời gian chờ đợi liệm, phải
để trên bụng người chết một nải chuối sống và trên ngực để hai lá trầu có ghim
ba cây nhang, người Khmer tin rằng làm như thế thì linh hồn người chết sẽ mang
đi làm lễ cúng tháp Phật (cholla mô ni chet đei). Trên đầu người chết
luôn có một cái thúng đựng bốn lít gạo (chơng
thbơng), một cái nồi đất, bốn cái chén ăn cơm, bốn đôi đủa, một cây đèn,
một đoạn vải trắng dài 2,2m, một trái dừa khô lột vỏ và một cái slachôm cắm
trên thân cây chuối dài hơn một tấc, dưới chân người chết luôn có để một lư
hương nhỏ để cắm nhang (chông thup).
Trong khi chờ đợi giờ tốt để liệm,
tang chủ đến chùa để thỉnh sư đến để làm lễ cầu siêu cầu phước cho người chết (Ôy
pôr tuk). Sau lễ cầu siêu, thi hài người chết mới được ông Achar và
những người tẩn liệm đặt và quan tài. Về hình dáng bên ngoài của chiếc quan tài
thì tùy thói quen và sở thích ở mỗi nơi, những đa số đều được khắc chạm hoa văn
nỗi và sơn bằng nhiều màu sáng đẹp. Sau khi liệm người ta cũng bày trí trên nắp
quan tài những vật cúng cũng giống như trên xác khi chưa liệm, trước đầu quan
tài là hai ngọn đèn cầy, dưới quan tài
có một chậu nhỏ để đốt lửa ướp (đot phơng âb) cho ấm nhà cửa, phía trên
đầu quan tài treo một ngọn cờ bằng vải trắng có hình cá sấu gọi là cờ hiệu của
linh hồn. Thời gian quàn người chết lâu hay mau
tùy theo hoàn cảnh của tang chủ, thường thì một đến ba đêm, trong khoảng
thời gian này chủ nhà thỉnh các sư ở chùa đến tụng kinh nhiều lần để cầu siêu
cầu phước cho linh hồn người chết.
Suốt trong thời gian quàn linh cửu
tại nhà để làm lễ cầu siêu, thân bằng quyến thuộc của người quá cố và các vị
khách dự đám tang không được múa hát, ban nhạc cũng không được tấu một bản nhạc
vui nào, chỉ có nhạc buồn và tiếng đọc kinh Thoma sângvêt mà thôi. Trong
tang lễ thường có 5 achar điều hành nghi lễ, người lớn nhất achar
yuki là vị thầy dẫn dắt linh hồn người chết, vị này biết tọa thiền và thuộc
kinh Vibassana kamma than, bốn vị kia là achar phluk - bốn vị
thầy phụ tá. Năm vị achar đều phải vắt trên vai một chiếc khăn trắng gọi là pea
nea, mỗi chiếc khăn này dài đến 2 mét.
Đến giờ động quan luôn có sư sãi
đến tụng kinh cầu siêu, kế đó 5 vị achar cũng tụng kinh và xoay đèn cây ba vòng
quanh quan tài và sau đó quan tài mới được khiêng ra ngoài gọi là rum kơl
sâp chênh. Trong thời gian trước chưa có xe, người ta phải sắp xếp hai
chiếc kiệu để khiêng, một chiếc dành cho một nhà sư có tuổi đạo cao ngồi tụng
kinh, bên trong bao giờ cũng có một bàn thờ nhỏ để ảnh và kinh Phật; kiệu thứ
hai thường gọi là nhà vàng (kđa suang đâm kâl sấp) để chở quan tài, luôn
có bốn nhà sư (hoặc bốn chú tiểu) đứng ở bốn góc quan tài. Trước khi di chuyển
và trong thời gian di chuyển quan tài đến huyệt mộ hoặc nơi thiêu xác, ban nhạc
luôn đánh trống khua chiêng vang dội khắp cả phố phường.
Khi đưa ma người ta thường cột một
sợi dây bằng cỏ tranh (Shauv phlèng) từ kiệu nhà sư đến kiệu nhà vàng.
Ông achar yuki mang cờ dẫn hồn và một chiếc đầu treo đi trước, kế đó là
một phụ nữ - thường là con hoặc em người quá cố phải đội một chiếc thúng (chang
thbâung), kế tiếp là bốn ông achar phụ tá. Tất cả đều phải niệm kinh
theo lời hướng dẫn của vị achar yuki, theo sau là một nhóm phụ nữ mặc đồ
trắng rải bông gòn. Phía sau quan tài là con cháu, quyến thuộc của người chết;
trong lúc quan tài được khiêng đi các con cháu phải chạy lên phía trước nằm
xuống đất ba lần gọi là lăn đường để tỏ ý nhớ thương người chết, không nở rời
xa, nhưng những người khiêng quan tài vẫn tiếp tục bước qua. Khi gần đến huyệt
mộ, quan tài được khiêng ba vòng mới được đặt xuống, đầu quan tài luôn xoay về
hướng Đông.
Trong thời gian chuẩn bị chôn hoặc
thiêu luôn được nhà sư tụng kinh cầu siêu và năm vị achar cũng vừa tụng
kinh vừa đi quanh quan tài ba vòng. Sau đó quan tài được mở ra, vị achar
yuki mới cắt dây buộc xác của người quá cố để con cháu nhìn mặt lần cuối
trước khi chôn hoặc thiêu. Nếu chôn thì buổi lễ chấm dứt khi quan tài được đặt
vào lòng đất. Nhưng nếu thiêu thì buổi lễ vẫn còn tiếp tục, mọi người trải
chiếu phía trên gió để thúng chơng thbâung và cắm cờ dẫn hồn ở đó và ông
achar yuki tiếp tục tụng kinh cầu cho linh hồn được sớm siêu sinh, các
vị achar khác cùng đọc tụng kinh Thôma sâng vêk hoặc kinh Apithôm
liên tục trong lúc thiêu.. các con cháu người chết đều tập trung đầy đủ nơi
thiêu xác, khi lửa cháy cao gọi là ngọn lửa đầy sức mạnh của thanh niên (plơng
pênh kâm loh) thì con cháu nào muốn báo hiếu cho người chết có thể nhờ sư
xuống tóc vào lúc này. Theo tập quán của người Khmer, phụ nữ không được vào
chùa tu nhưng có thể ở nhà cạo tóc mặc áo trắng tu khổ hạnh, còn nam giới nếu
cạo tóc lúc này gọi là tu tại gia để báo hiếu. Trong thời gian thiêu xác, ở nhà
luôn được tang chủ mời các nhà sư đến để tụng kinh hộ niệm để cầu phúc cho linh
hồn người chết được siêu thăng.
Khi ngọn lửa thiêu xác đã tàn, ông achar
yuki đánh ba tiếng cồng báo hiệu công việc đã hoàn mãn, con cháu dùng nước
tưới vào đống tro cho nguội để làm lễ cúng thần đất, sau đó nhặt tro xương đặt
vào chiếc mâm đã có trải sẵn khăn trắng và đội mâm đem về. Khi đến cổng nhà,
con cháu phải làm lễ cúng tám phương, xong mới đem tro xương vào nhà mời sư làm
lễ cầu siêu lần cuối trước khi rữa xương với nước dừa khô cho sạch, phơi thật
khô và cho vào thố hoặc tháp nhỏ (kôđ) để thờ trong nhà hoặc gởi vào
chùa.
5.6. Lễ cầu phước (BonĐa)
Lễ này được thực hiện đối với người
lớn sau khi chết bảy ngày, nhưng đối với trẻ em sau khi chết đến chín ngày. Mục
đích để cầu cho linh hồn được nhiều phúc lành duyên tốt.
Tối hôm đó, gia chủ vào chùa thỉnh
một số sư sãi về nhà để tụng kinh làm lễ cầu siêu cho người chết và thuyết pháp
cho con cháu nghe giáo lý của Phật. Ngày hôm sau họ đã chuẩn bị sẵn đồ đạc, vật
dụng, thuốc men, thức ăn... (chia làm nhiều phần) để cúng dường các sư sãi. Sau
khi tiếp nhận vật cúng dường các sư lại tiếp tục tụng kinh cầu siêu cầu phúc
cho người quá cố. Theo tín ngưỡng của người Khmer thì linh hồn người chết phải
được các sư cùng cầu nguyện mới sơm được siêu sinh. Vì vậy bất cứ một người nào
đó sau khi chết bảy ngày (trẻ em chín ngày) đều được người nhà tổ chức lễ cầu
siêu để nhờ vào uy lực của các nhà sư hộ niệm cho linh hồn được siêu thăng. Lễ
này cũng thường được gọi là lễ làm phước.
5.7. Lễ giỗ (Bon khuop chhuan).
Người Khmer vốn không có lễ cúng
giỗ hàng ăm cho người quá cố mà chỉ có tổ chức chung vào 3 ngày Sen Đônta trong
năm để cầu siêu, cầu phúc cho ông bà tổ
tiên. Riêng người Khmer Nam bộ do ảnh hưởng của người Kinh và người Hoa nên đã tổ chức cũng giỗ riêng
những thân nhân đã chết, nhưng do tín ngưỡng của người Khmer nên lễ giỗ được
tiến hành theo nghi thức phật giáo.
Người chết sau một trăm ngày được
thân nhân gia đình tổ chức lễ giỗ đầu tiên (Bon Khuop 100 thgat) về hình
thức bên ngoài cũng tương tự như một đám giỗ của người Kinh, cũng nhang đèn,
hoa quả, đồ ăn thức uống, mâm bàn được được bày biện trước bàn thờ tổ tiên và
con cháu tụ họp cúng bái. Sau đó ông achar sẽ sắp xếp cho thân nhân con
cháu người quá cố dâng hương cầu nguyện và xin làm lễ mãn tang (Kan mahrô
nawh tuk), ông achar vừa đọc kinh vừa cầm chén nước, một tay rẫy
nước để rửa sạch tang chế của con cháu sau trăm ngày chịu tang đồng thời cầu
phúc cho họ được yên ổn và mạnh khỏe.
Sau lễ giỗ một trăm ngày này, hàng
năm cứ đến ngày chết của người quá cố thì thân nhân gia đình đều có tổ chức lễ
giỗ thường niên, các lễ giỗ này cũng không khác lễ giỗ một trăm ngày bao nhiêu,
chỉ không có lễ mãn tang và buổi tối có mời các sư đến tụng kinh cầu siêu cho
người chết, ngày hôm sau chủ nhà lại tổ chức dâng cơm cúng dường. Các sư sau
khi ăn cơm (tu sĩ phật giáo nam tông chỉ ăn cơm một lần trong giờ Ngọ) và nhậu
các vật cúng dường của chủ nhà lại tiếp tục đọc kinh cầu siêu cho người chết và
cầu phúc cho thân bằng quyến thuộc của chủ nhà.
Trong lễ giỗ của người Khmer, khách
khứa vẫn được mời ăn uống, nhưng người Khmer không tổ chức ăn uống linh đình
như người Kinh, lễ giỗ chỉ tập trung vào việc tụng kinh cầu cho linh hồn người
chết được nhiều phúc đức, sớm được siêu thăng và cúng dường các sư để tạo thêm
duyên lành.
5.8. Lễ chúc thọ (Bon châmrơn praal chôn).
Khi cha mẹ hoặc thầy tuổi già, để
tỏ lòng hiếu thuận hoặc trả nghĩa, các con cháu hoặc học trò rủ nhau tổ chức lễ
chúc thọ để cầu chúc cho cha mẹ hoặc thầy được hưởng nhiều phúc lộc và tăng
thêm tuổi thọ.
Thời gian tổ chức thường là một đêm
và một ngày. Trong đêm đầu, những người tổ chức mời các sư ở chùa đến để tụng
kinh cầu an để cầu cho cha mẹ (hoặc thầy) thân tâm được an lạc, sức khỏe dồi
dào, tránh mọi tật bệnh và các con các cháu đều hiếu thuận. Sau khi tụng kinh
xong các sư thuyết pháp để hướng dẫn mong người làm lành lánh ác, luôn giữ lòng
trong sạch để tạo ra các nhân tốt quả tốt, bổn phận làm con cháu, hoặc học trò
phải luôn nhớ đến công ơn sâu dày của cha mẹ của các thầy đã tốn nhiều công sức
nuôi dạy ta nên người...
Ngày hôm các con cháu hoặc học trò
lại làm lễ cúng dường và dâng cơm cho các sư, để nhờ các sư hộ niệm thêm một lần
nữa. Sau lễ cúng dường, họ mời cha mẹ
hoặc thầy ngồi trên bộ ván (hoặc ghế lớn), các con cháu, học trò đồng loạt quỳ
xuống vừa bái lạy vừa chúc tụng cha mẹ, thầy giáo được trường thọ, đồng thời
dâng lên các vị mâm lễ vật gồm quần áo, khăn nón, thuốc men, bánh trái, rượu
trà... Các vị nhận lễ vât và cúng chúc phúc lại cho con cháu, học trò. Sau cùng
là cả nhà cùng nhau tụng kinh để cầu cho
mọi người được bình yên an lạc.
5.9. Lễ dâng bông (Bon phkar) :
Đối với các công trình công cộng
như làm cầu, đường, mương rãnh, xây dựng trường học, tháp hội, hội trường...
hoặc hình thành các tổ chức cứu tế xã hội để phục vụ cộng đồng, người Khmer có
một hình thức lạc quyên rất đặc biệt, gọi là lễ dâng bông.
Lễ dâng bông thường được chùa đứng
ra đảm trách, buổi tối các sư tụng kinh nguyện cầu bá tánh bình an, công việc
thuận lợi; đồng bào trong phum sóc tề tựu về chùa tổ chức văn nghệ múa hát ca
sang thật vui vẻ. Đến sáng hôm sau mới thật sự làm lễ dâng bông, người ta ghép
nhánh cây giả làm hình cây thông, sau đó tuần tự từng người một bước lên cột
tiền vào cành nhánh tượng trưng cho bông hoa. Cây thông tiền này được các sư
làm lễ để chứng nhận sự đóng góp của mọi người và công việc sau cùng là số tiền
được lấy ra để sử dụng theo các yêu cầu đã định.
Người Khmer rất tin tưởng vào luật
nhân quả báo ứng và cũng rất tin tưởng vào các việc làm của nhà chùa, vì vậy
các công trình công cộng được chùa đứng ra tổ chức đều được sự tham gia đóng
góp rất tích cực của đồng bào Khmer. (Cái tên lễ dâng bông còn được một số nơi
dùng để gọi lễ dâng cà sa - một nghi lễ chính thống của Phật giáo).
Ngoài ra người Khmer còn có những
phong tục và lễ hội khác như : Lễ đua ghe ngo (Um tuk ngua), lễ cúng sân
lúa (Pithi sance lean), lễ gọi
hồn lúa (Pithi hao prô bing srâu) lễ cắt tóc trả ơn mụ (Pithi kat sàk
bâng kâk ch' mâp), lễ giáp tuổi (Pithi kát chup), lễ lên nhà mới (Pithi
lang phteah thmei), lễ cúng ông Tà (Pithi đâmlơng neakta), lễ xúc
hồn (Pithi cheenhohát prôlưng), lễ nhập thần (Pithi đâmlơng arak)
... và các lễ của Phật giáo nam tông như : Lễ Phật đản (Bon Pisakh Bânchea),
lễ ban hành Phật pháp (Bon Meakh Bânchea), lễ nhập hạ (Bon châul
vâssa), lễ xuất hạ (Bon chênh vâssa) , lễ dâng y (Kathin năk
tean), lễ kết giới (Bon bânchol seima), lễ hội linh (Bon pchum
bôn) ... Mỗi phong tục hoặc lễ hội đều có ý nghĩa đặc biệt.
¯ ¯
¯
Nền văn hóa của người Khmer Nam bộ
đã được hình thành từ lâu đời lại do sự kết tinh và thừa kế của nhiều nền văn
hóa khác nhau nên nó vừa đa dạng vừa phong phú, qua mỗi thời kỳ lại có sự biến
hóa và phát triển để phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Người Khmer
Nam bộ nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có một số lượng khá đông vì vậy
việc phát triển văn hóa của người Khmer ở đây cũng góp phần khá lớn trong sự
phát triển văn hóa chung ở Nam bộ.
Cuộc sống của người Khmer vốn đã
bình dị lại thích sống gần thiên nhiên nên đa số các loại hình văn hóa nghệ
thuật hầu như đều gắn với cuộc sống đời thường của họ. Đa số người Khmer đều
biết múa hát, sinh hoạt trò chơi và tự đương đác làm những đồ thủ công gia
dụng. Người Khmer Nam bộ còn khéo léo tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa
khác trong cuộc sống cộng cư lâu ngày nên tuy có cùng gốc gác với người Kampuchea
nhưng diện mạo của nền văn hóa này lại mang một sắc thái riêng. Đó là nền văn
hóa biết chọn lọc trong thừa kế, ít bảo thủ và từng bước có sáng tạo và phát
triển nhanh nếu không nói là nhanh nhất so với các nền văn hóa của các dân tộc
ít người ở Việt Nam... họ luôn cố vươn lên cho kịp với sự phát triển chung,
đồng thời các dân tộc anh em như người Kinh người Hoa người Chăm lúc nào cũng
cố tạo điều kiện thuận lợi để giúp người Khmer phát huy những gì cần phát huy
trong văn hóa truyền thống, lúc nào cũng giúp sức làm cho văn hóa người Khmer
phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa để được hưởng mọi quyền lợi kinh
tế, chính trị như các tộc người khác. Tuy nhiên trong sự hòa hợp để phát triển
chung, người Khmer vẫn phát huy được bản sắc văn hóa của mình như những bông
hoa tươi sáng để điểm tô thêm vẻ đẹp của vườn hoa văn hóa Việt Nam.
Về văn hóa vật thể như nhà ở, nơi
ở, trang phục, ăn uống, kiến trúc, hóa trang... của người Khmer trong những năm
gần đây quả thật có sự thay đổi khá lớn, nhất là về nhà ở và ăn mặc thì đa số
cũng giống như người Kinh. Đến nay trong nhiều phum sóc người Khmer cũng còn có
nhiều nhà lá, những người sống cặp lộ,ven sông đã có nhiều căn hộ được xây bằng
gạch ngói, nhà sàn, nhà cao cẳng đã bớt dần có nơi còn không thấy để thay bằng
những căn nhà được xây dựng trên nền đất. Nhà lá hay nhà gạch đều có sự thay
đổi rất lớn, đặc biệt bộ phận nóc không còn nhọn như ngày xưa, mỗi căn hộ đều
được xây dựng theo chữ Đinh hoặc trước sau đâu mái, cửa nẻo thì làm chắc chắn
chớ không bỏ ngỏ như ngày xưa... có một số còn xây cất theo các kiểu Âu Mỹ.
Nhưng cho dù các loại nhà cửa có thay đổi bề ngoài theo trào lưu tiến hóa thì
sự bày trí bên trong vẫn giữ được dáng dấp cổ xưa, từ cái bàn thờ Phật đến cái
bộ “đi văng”, cái tủ chưng ly, chưng gối, ghế bàn tiếp khách và cả những chiếc
chỏng tre trong nhà đều được đặt theo những vị trí cố định.
Về trang phục cũng thế, đã có sự
thay đổi lớn lao, nhất là những thanh niên nam nữ, đa số đều dùng Âu phục và
các thứ giày vớ, mũ nón cũng chẳng khác người Kinh. Nhưng đến những ngày lễ hội
thì không những người cao tuổi mà thanh niên nam nữ đều mặc những y phục truyền
thống của mình. Kể cả những khi trình diễn văn nghệ cũng thấy trên sàn diễn
xuất hiện những bộ Săm pốt sắc màu rực rỡ.
Thức ăn thức uống, cả các cách ăn
uống và tổ chức đám tiệc trong giai đoạn hiện nay, quả thật người Khmer Nam bộ
cũng đã tiến một bước khá dài, nhiều gia đình người Khmer đã sử dụng nhiều món
ăn thuần túy của người Kinh người Hoa hoặc những món ăn của người nước ngoài.
Các đám tiệc cũng được tổ chức linh đình đôi khi còn có cả trống nhạc kèn tây
hoặc thết tiệc ở nhà hàng, tiệm quán... tuy nhiên bên cạnh đó lúc nào cũng có
sự hiện diện của các món ăn truyền thống của người Khmer, có nhiều món lại được
phổ biến sang các dân tộc khác và rất được ưa chuộng như món bún nước lèo, vịt
nấu xim lo, mắm ruốc... rất nỗi tiếng đã được nhiều người hoan nghênh.
Về văn hóa tâm linh, tôn giáo và
tín ngưỡng là những món ăn tinh thần rất quan trọng đối với người Khmer Nam bộ,
ở đây Phật giáo đã có một vai trò rất lớn gần như chi phối mọi sinh hoạt của
con người từ thành thị đến nông thôn, từ nhiều thế kỷ qua Phật giáo Nam tông đã
được người Khmer xem như là quốc giáo, hình dáng đức Phật luôn là chổ dựa tinh
thần vững chắc nhất đã tồn tại trong ký ức của người Khmer Nam bộ từ lâu đời,
vì vậy các phong tục tập quán lễ hội dân gian cho đến các sinh hoạt trong đời
sống xã hội đều có ít nhiều mang màu sắc Phật giáo.
Trong nhiều năm qua chùa được xem
như là mái nhà chung của mọi gia đình, là nơi sinh hoạt lý tưởng nhất của mọi
người trong nhiều phương diện, chùa không những là nơi tôn nghiêm nơi truyền bá
giáo lý của Phật đà mà còn là địa điểm giáo dục văn hóa, đào tạo trí thức cho
cộng đồng người Khmer. Thanh niên trước tuổi trưởng thành đa số đều phải xuất gia
vào chùa một thời gian để hấp thu văn hóa và trau dồi đạo đức. Nhưng cũng vì
cái vị trí gần như độc tôn đó nên có nhiều bà con trong phum sóc lại có ý
nghĩ là “tất cả vàng bạc của cải đều có thể bị mất, chỉ có làm phước bằng cách
dâng cúng vào chùa thì cái phước ấy không ai cướp được” và từ đó lại xuất
hiện nhiều hình thức dâng cúng vào chùa để tích trữ lại đời sau, có những nông
dân nghèo lao động rất vất vã mới tìm được cái ăn cái mặc cũng cố gắng dành dụm
chút ít lúa gạo, bạc tiền để tham gia vào việc làm phước để mong cầu một cuộc
sống an nhàn ở đời hiện tại và cả kiếp lai sinh.
Nhưng ngày nay do trình độ dân trí
càng ngày càng phát triển, sự hiểu biết của con người càng ngày càng thực tế
hơn, nhất là các truyền thống tích cực của Phật giáo đã được người Khmer nhận
thức rõ hơn; vì vậy đa số các hình thức làm phước hiện nay đã được nhà chùa
hướng dẫn bằng những việc làm lợi ích xã hội, như xây dựng cầu, đường, trường
học, bệnh xá... và các công trình phúc lợi khác. Nhiều địa phương đã có trường
học riêng, trẻ em nam nữ đều được học, những bà con ở các vùng sâu vùng xa chưa
nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, chưa tự nguyện đưa con em của mình
đến trường thì đã có các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...
vận động và tạo mọi điều kiện để các con em người Khmer nghèo được đến trường
học tập. Số lượng thanh niên xuất gia vào chùa càng ngày càng ít đi và nhất là
bà con người Khmer cũng dần dần nhận ra người không xuất gia cũng là người đạo
đức nếu được giáo dục đầy đủ và sinh sống trong một môi trường tốt. Tuy nhiên
không vì thế mà vai trò của Phật giáo bị nhẹ đi, trên thực tế Phật giáo đã được
người Khmer Nam bộ phát huy tốt hơn nữa về phương diện xã hội học.
Riêng về các tín ngưỡng dân gian
như tín ngưỡng Arăk, tín ngưỡng Neakta ... đây là những tín
ngưỡng lâu đời mang đậm màu sắc mê tín và đã có trước khi người Khmer tiếp nhận
tư tưởng Phật giáo, chúng đã tạo thành những ấn tượng khá sâu trong cuộc sống
của bà con nông dân Khmer trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên trong hiện tại như
trên đã nói một phần bị Phật giáo hóa, một phần do trình độ nhận thức của con
người ngày nay thực tế hơn cho nên Arăk và Neakta đối với bà con
người Khmer Nam bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa này chỉ là những
hình bóng mờ nhạt của quá khứ, chỉ có một số người ở các phum sóc xa xôi còn
thờ cúng nhưng số lượng cũng thưa dần, thậm chí ở một số địa phương đã không
còn tồn tại các loại hình tín ngưỡng này.. tuy nhiên cũng nhờ vào các tín
ngưỡng Arăk và Neakta, ta đã xác nhận đây là những đơn vị thờ
cúng của từng cụm dân cư riêng biệt, không có sự thống nhất về đẳng cấp Neakta
như một hệ thống tổ chức của một triều đình phong kiến như ở Kampuchea.
Người Khmer Nam bộ ngoài những sinh
hoạt có tính chất tôn giáo, tín ngưỡng còn có những sinh hoạt về văn học nghệ
thuật rất đa dạng và phong phú, nhất là văn học dân gian đã có một kho tàng lớn
ở Nam bộ, ở đây có truyền cổ tích, truyền thần thoại, truyền ngụ ngôn, truyện
cười, ca dao tục ngữ, nói lái, câu đố... chỉ có một số được ghi chép trên lá
thốt nốt, còn phần lớn là do truyền miệng dân gian và điêu khắc hội họa cũng
chiếm một phần trong việc gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Hiện
nay nghề in đã phát triển, một số truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn... đã
được in ra nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. Xét thấy cũng nên có một kế hoạch
sưu tầm, tập hợp và phân loại những câu chuyện kể dân gian bằng văn xuôi lẫn
văn vần của người Khmer để góp phần phát huy nền văn học dân gian Nam bộ.
Nghệ thuật của người Khmer Nam bộ
rất phong phú và đa dạng, bao gồm các
loại âm nhạc, máu, sân khấu, kiến trúc, hội họa... mỗi bộ môn nghệ thuật là bao
gồm một số loại hình nghệ thuật và thường có liên quan với nhau, thí dụ như
trong âm nhạc có nhạc cổ, nhạc dân gian, các loại nhạc cụ... thì đó đều là
những bô phân trên các sân khấu Rôbam, Yukê; hội họa luôn có mặt trong
kiến trúc, còn dùng để trang trí phông màu tranh ảnh...; múa không những được
áp dụng phổ biến trong các sinh hoạt dân gian lại còn là các yếu tố quan trọng
trong các vở trống cổ... Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có giá trị nhất định và xu
hướng phát triển riêng.
Các điệu nhạc cổ Sâm pông, Phat
cheay, alê, Khan bram, Chôl chhung ..., lúc đàu chỉ được dùng trong các lễ
nghi nghiêm túc dần dần được áp dụng trong vở tuồng cổ của sân khấu Rôbam
nay đã mở rộng ra trên sân khấu Yukê, trong tương lai các điệu nhạc cổ
này có lẽ sẽ mở rông thêm phạm vi phục vụ trong các sinh hoạt lễ hội dân gian
khác. Sự phát triển này cũng gần như sự phát triển các bài ca cổ trong đàn ca
tài tử của người Kinh.
Song song tồn tại và phát triển với
nhạc cổ là nhạc dân gian, nhưng nhạc dân gian lại được phổ biến sâu rộng trong
quần chúng hơn, nó được hình thành và biến đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử khác
nhau và đã được sử dụng trong hầu hết các sinh hoạt của đồng bào Khmer. Chỉ riêng
nhạc dân gian Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã có đến hàng trăm làn điệu khác
nhau, các làn điệu này lại được thể hiện qua các hình thức ca, ngâm, tụng, đọc,
xướng họa, đối đáp... và bao gồm nhiều loại dân ca. nhất là loại Ayai là
một thể loại hát đối đáp huê tình đã được các giới trong cộng đồng người Khmer
ưu thích, họ đã thi nhau sáng tạo và tính đến nay đã có 13 làn điệu khác nhau,
nhạc Khmer có một sức thẩm thấu rất lớn và có nhiều tác dụng trong cuộc sống
của người Khmer Nam bộ, vì vậy cũng nên có một công trình nghiên cứu về loại
hình nghệ thuật này.
Về nhạc cụ thì người Khmer Nam bộ
cũng nhạc cụ riêng, tiêu biểu nhất là dàn nhạc gõ (Phlêng pinpeat)
thường được gọi nôm na là dàn nhạc ngũ âm từ nhiều năm qua đã được sử dụng
trong nhạc lễ ở chùa, chỉ có những lễ lớn Phật giáo hoặc các đám làm phước, cầu
siêu, cầu an quan trọng thì mới được sử dụng, nhưng trong những năm gần đây dàn
nhạc gõ đã được mở rộng thêm phạm vi
phục vụ, do những yêu cầu khách quan dàn nhạc gõ đã có mặt trong các lễ tục truyền
thống, lễ hội dân gian hoặc các cuộc hội họp quan trọng khác. Tuy nhiên trên
thực tế một số chùa Khmer ở Nam bộ cũng không có dàn nhạc gõ, không phải vì dàn
nhạc này đắc tiền không mua được mà chính vì thợ sản xuất mỗi ngày một ít và
người sử dụng nhạc cụ cũng ít dần, thậm chí có nhiều nơi không có. Thiển nghĩ
nên sớm có kế hoạch đào tạo thợ làm nhạc cụ và nhạc công để bổ sung vào những
chỗ hẫng hụt này.
Riêng dàn nhạc nhẹ còn gọi là dàn
nhạc dây (Phlêng khsè) từ trước đến nay đã được sử dụng rất phổ thông
trong các lễ hội, đám tiệc lớn nhỏ của người Khmer, gần đây lại được bổ sung
thêm một số nhạc cụ phương Tây như đàn guitare, accordéon, trống jazz... sự
tăng cường này trước mắt đã làm phong phú và tăng thêm sự hấp dẫn của dàn nhạc
nhẹ, nhưng một mặt nào đó sẽ làm lu mờ một só nhạc cụ truyền thống như đàn cò,
đàn gáo, đàn bán nguyệt... Vì vậy, việc có nên tăng cường các nhạc cụ phương
Tây vào dàn nhạc nhẹ hay không có lẻ phải chờ ý kiến của các nhà chuyên môn.
Múa là một loại hình nghệ thuật đã
được phổ biến rộng rãi nhất trong cộng đồng người Khmer ở Nam bộ, ở đây từ bao
đời nay múa đã được sáng tạo và tích tụ thành một kho múa với nhiều thể điệu
rất phong phú và hấp dẫn. Đa số người Khmer đều biết múa, cứ có các lễ hội, đám
tiệc, liên hoan.... đều có tổ chức múa, múa cũng là một bô phân quan trọng trên
các sân khấu, riêng sân khấu Rôbam múa còn được xem là một thứ ngôn ngữ
để biểu đạt nghệ thuật.
Ba điệu múa dân gian tiêu biểu nhất
là Râm vông (còn gọi là Lam thôn), Lâm lêv và Sarvan
vốn có nguồn gốc từ Thái Lan, Lào và Indonécia tới nhưng từ lâu đã hòa nhập vào
cuộc sống của cộng đồng người Khmer như một thứ máu thịt không thể tách rời.
Tuy nhiên cũng có một số điệu múa càng ngày càng ít thấy như điệu múa con sáo (Sarikakev)
phải có nghệ thuật cao mới sử dụng được; múa trống chhayam thì vừa phải
khéo vừa phải có thể lực mạnh mới múa được; múa đám cưới, đám ma, múa cúng Arăk,
múa cầu Neakta, tất cả đều có những nghi thức tín ngưỡng riêng biệt,
ngày nay cũng đang hạn chế dần.
Chỉ riêng những điệu múa chuyên
nghiệp trên sân khấu Yukê và Rôbam đã có khuôn khổ nhất định
trong từng vai diễn từ trước đến nay và hôm nay lại được canh tân để phù hợp
với từng vai trong vỡ diễn. Múa chuyên nghiệp ở đây không còn là vai múa cung
đình của những ngày xưa cũ mà nó đã thực sự được tích hợp vào sân khấu của
người Khmer Nam bộ. Ngoài ra có một số điệu múa chuyên nghiệp như múa chằn, múa
khỉ đang từng bước được dan gian hóa và ngược lại là trên sân khấu Yukê
cũng đang tiếp nhận một số điệu múa phương Tây.
Sân khấu Rôbam hiện nay là
loại sân khấu cổ truyền duy nhất của người Khmer Nam bộ, loại hình sân khấu này
có nguồn gốc xa xưa từ cung đình nhưng dần dần bị dân gian hóa để trở thành một
nghệ thuật của toàn dân, tuy có sinh khí và phổ cập hóa hơn ngày xưa nhưng sự
điêu luyện về chuyên môn lại có đôi phần bị hạn chế do những nghệ sĩ thủ vai ít
được huấn luyện, đa số họ chỉ là những nghệ sĩ nghiệp dư sau mùa lúa chín đã
tập họp lại để biểu diễn giúp vui. Hiện nay ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu
Long chỉ còn một ít đoàn hát Rôbam do một số nghệ sĩ yêu nghề cố gắng
duy trì để bảo trì loại hình nghệ thuật truyền thống này, các diễn viên nòng
cốt đa số đã lớn tuổi điều kiện hoạt động lại không đầy đủ, các đoàn đa số đều
thiếu trước hụt sau, về phía khán giả chỉ còn những người lớn tuổi yêu thích,
nói chung bị hạn chế nhiều mặt, nếu không sớm có kế hoạch nâng đỡ và bảo tồn
thì loại hình nghệ thuật cổ này sẽ dần bị mai một.
Riêng về sân khấu Yukê vốn
là một sản phẩm nghệ thuật do chính người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long sáng
tạo, nó không cổ kính như sân khấu Rôbam mà lại trẻ trung và hợp thời
hơn nên được sự ủng hộ của mọi người nhất là giới trẻ, vì vậy sự hoạt động của
các đoàn Yukê tương đối dễ dàng hơn. Nhưng sân khấu Yukê không
phải là không có khó khăn, nhất là về số lượng đoàn hát thì càng ngày càng
nhiều chỉ riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn trăm đoàn hát, nhưng
về diễn viên chuyên nghiêp lại có giới hạn, vì vậy không sao tránh được chuyện
“lắp vá” tạm thời, do đó vấn đề nghệ thuật khó đáp ứng được các nhu cầu của
người xem, về tuồng tích tuy cũng có một số ít vỡ diễn mới nhưng đa số vẫn là
các vỡ cũ chưa thể đáp ứng theo các yêu cầu phục vụ. Thiết nghĩ, để vừa phát
huy nghệ thuật của sân khấu Yukê vừa chuyển tải được những thông tin,
những tư tưởng lớn của thời đại xây dựng xã hội chủ nghĩa, ta cũng nên có kế
hoạch đào tạo và bồi dưỡng diễn viên, soạn giả, chỉnh lý hoặc thay đổi một số
vỡ diễn không còn phù hợp và giúp đỡ cơ sở vật chất cho những đoàn hát yukê đang được phép
lưu diễn.
Một nghệ thuật đáng chú khác của người Khmer Nam bô
là kiến trúc, tiêu biểu ở đây là kiến trúc chùa, bao gồm cả kỹ thuật xây dựng,
điêu khắc, hội họa và trang trí hoa văn. Để thực hiện một công trình kiến trúc
chùa phải có một đôi ngũ xây dựng bao gồm nhiều bô phân kỹ thuật và mỹ thuật và
phải có một thời gian dài để xây dựng, chưa kể đến chi phí cũng khá lớn, cho
nên đa số các ngôi chùa Khmer phải trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành, một
số ngôi xây dựng dở dang vì thiếu điều kiện phải tạm dừng lại. Thợ xây dựng và nghệ
nhân kiến trúc đều xuất thân ở chùa, vì vậy khi xây dựng chùa nhất thiết đều
phải tuân thủ ý kiến của sư trụ trì, mọi chi tiết về kỹ thuật và mỹ thuật đều
phải theo một khuôn khổ nhất định, cũng bởi ký do này các ngôi chùa Khmer ở Nam
bộ từ trước đến nay về hình dáng thường tương tự với nhau. Đội ngũ xây dựng
truyền thống kể cả những nghệ nhân điêu khắc, hội hoạ... chỉ có một số ít có
qua trường lớp đào tạo, còn đa số đều là thợ gia truyền hoặc tự có năng khiếu,
do vậy đội ngũ này càng ngày càng ít, người ta phải thay vào đó lớp thợ mới hoặc những kỹ thuật gia của các
loại hình kiến trúc khác nên đôi khi kết quả kiến trúc không đáp ứng theo những
yêu cầu ban đầu. Tuy có nhiều mặt hạn chế như thế, nhưng với một quyết tâm cao
và một lòng tin vững chắc, người Khmer Nam bộ đã xây dựng được hằng loạt công
trình kiến trúc đồ sộ, đó là những ngôi chùa lớn được phân bổ tọa lạc gần như
đều khắp ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng
sông Cửu Long.
Trong nhiều thế kỷ qua, Phật giáo
được xem như là một tôn giáo chính thống của người Khmer, mọi hình thức sinh
hoạt văn hóa - xã hội từ các phum sóc cho đến thị thành đa số đều có liên quan
đến chùa, cho nên các phong tục tập quán và lễ hội dân gian của người Khmer
cũng đều có yếu tố Phật giáo; trong cuộc sống cộng cư ở Nam bộ suốt một thời
gian dài người Khmer cũng đã tiếp nhận ít nhiều về tư tưởng Hán Nho từ người
Hoa người Việt; và trong hậu bán thế kỷ XIX người Khmer lại có dịp tiếp cận với
văn minh phương Tây, nhất là những năm gần đây đã bước vào ngưỡng cửa của thời
kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa - thời kỳ của sự đổi mới; vì vậy các phong tục
tập quán và lễ hội truyền thống của người Khmer cũng được thay đổi cho phù hợp
với xã hội của từng thời điểm, về hình thức thì càng ngày càng đơn giản, về nội
dung cũng có đổi mới dần, nhưng có một điều bất biến là các loại hình văn hóa
này luôn là loại văn hóa dân gian gắn liền với cuộc sống - với sinh hoạt đời
thường của người Khmer và đó mới chính là nét đẹp truyền thống cần phải giữ gìn
và phát huy để làm phong phú thêm nền văn hóa của các dân tộc.