Nỗi khổ của hướng dẫn viên du lịch
Đằng sau nụ cười của họ không chỉ những giọt mồ hôi mà còn là nước mắt, sự tủi thân cô độc khi cứ mãi rong ruổi trên chặng hành trình.
Giữa đam mê và gia đình, thật khó để một hướng dẫn viên nữ có thể lựa chọn. Họ cần lắm những chia sẻ cảm thông từ gia đình, bạn bè và đặc biệt là nửa kia của mình. Trên đường tour, đằng sau nụ cười là những giọt mồ hôi, sự lo lắng cho con nhỏ hay khao khát được một lần thoát ra khỏi vỏ bọc mạnh mẽ để làm một cô gái bình thường bên cạnh một người đàn ông mình yêu. Có vẻ đó là một điều thật khó khăn.
Tôi gặp Thảo vào một chiều nắng nóng như đổ lửa của tháng tư. Chị lớn hơn tôi hai tuổi, đôi mắt đượm buồn hằn lên những vết nhăn của tuổi ngoài 30. Chúng tôi hẹn nhau trong một quán nước gần trường đại học sư phạm, quận 5, TP HCM. Tôi cũng vừa kết thúc tour Mỹ Tho và trả khách về khách sạn trước khi kịp chạy về nhà thay đồ rồi hẹn gặp chị. Chúng tôi luyên thuyên đủ chủ đề về nghề nghiệp, riêng câu chuyện tình cảm của chị, tôi thật sự thấy cảm thông bởi chính tôi cũng có khác gì chị.
Trước cái tuổi 30, chị cũng nhen nhóm nhiều mối tình với những người nước ngoài quen trên các trang du lịch rồi kết bạn Facebook. Biết chuyện, gia đình chị ngăn cản vì không dám chắc hạnh phúc của con với một người xa lạ và lớn tuổi hơn. Qua một người bạn, chị quen một người hơn tuổi, những tưởng sau nhiều lần thất bại trong tình trường chị đã gặp được người thương, vậy mà sau gần tám tháng quen nhau, mọi thói hư tật xấu của “nửa kia” bắt đầu lộ rõ. Chưa là gì của nhau nhưng người ta đã tỏ thái độ không thích công việc của chị, yêu cầu chị chuyển nghề. Hơn thế nữa, vì biết công việc của chị có thể kiếm ra nhiều tiền nên hắn đã dùng mọi lời lẽ ngọt ngào để chị cho mượn khoản tiền 20 triệu. Khi mượn tiền không được hắn dùng những lời lẽ nặng nề để miệt thị công việc của chị, so sánh chị với hạng gái bán thân. Không chịu nổi sự lăng mạ của hắn sau nhiều lần như thế, chị quyết định chia tay, cắt đứt mọi liên hệ với con người phụ tình này.
Tôi tự hỏi: “Làm hướng dẫn viên chứ đâu phải làm gái đâu mà xấu, thế sao đàn ông Việt Nam nhiều người lại thiếu hiểu biết như thế”. Trên đường tour, tôi nghe nhiều chuyện ngang trái của những bậc đàn chị trong nghề. Vì nghề, họ đã phải hy sinh rất nhiều. Trong công việc, họ phải lăn xả làm bằng tất cả long nhiệt tình và trách nhiệm với khách. Ngoài giỏi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ ra, họ còn phải khéo léo và cực kỳ chịu khó; giờ giấc linh hoạt khiến việc chăm sóc con cái có phần khó khăn. Họ cần sự chia sẻ và giúp đỡ từ phía gia đình, đặc biệt là chồng.
Nếu gặp một người chồng hiểu và cảm thông, nghĩa là họ may mắn. Còn ngược lại, họ sẽ kết thúc cuộc hôn nhân ấy bằng việc đường ai nấy bước. Thực vậy, một vài chị mà tôi biết vừa phải tự chăm con vừa phải đi tour, một số khác vẫn còn độc thân ở độ tuổi gần tứ tuần. Đằng sau nụ cười của họ không chỉ là những giọt mồ hôi mà còn là nước mắt, sự tủi thân cô độc khi cứ mãi rong ruổi trên những chặng hành trình. Họ đã được đàn ông Việt Nam cảm thông và chia sẻ chưa?
Sau khi chia tay anh, một hướng dẫn
viên tiếng Nhật, tôi như con người mới, mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn. Tôi cho mình
thời gian để buồn, khóc hết nước mắt và đứng dậy bước tiếp. Tôi chưa bao giờ
quên anh đã từ chối bởi mình còn quá cầu tiến, cũng chưa hề quên anh lặng lẽ mời
đồng nghiệp và nhân viên công ty dự đám cưới nhưng không hề cho tôi hay biết. Một
lần đón khách tại sân bay, tôi gặp đồng nghiệp của anh, cũng là bạn tôi, người
đó hỏi: “Em biết gì chưa? Bạn trai em đã lấy vợ rồi đó”. Nỗi đau tột cùng, tôi
ngồi lặng lẽ, mắt nhìn về một góc xa xăm, văng vẳng bên tai là những lời của
anh đồng nghiệp về đám cưới ấy.
Nhiều anh hướng dẫn viên cũng buộc
miệng: “Sẽ không lấy hướng dẫn nữ làm vợ vì đi nhiều sẽ không ai chăm sóc gia
đình”, có lẽ anh cũng suy nghĩ như họ. Làm hướng dẫn đã phải đánh đổi rất
nhiều, nay làm hướng dẫn nữ phải chịu nhiều cay đắng phũ phàng thế sao? Lắm lúc
tôi nghĩ hay mình trở nên thật đanh đá hoặc buông tất cả, đừng mạnh mẽ nữa, bỏ
hết và bỏ luôn cả công việc này. Rồi có khi lại nghĩ, việc gì mình phải từ bỏ một
công việc mà không phải ai muốn làm cũng làm được khi nghề đã chọn mình. Tôi đấu
tranh thật nhiều, chứng minh cho gia đình thấy không cần phải lo lắng vì những
lời không tốt về nghề tôi chọn. Giờ tôi lại phải mạnh mẽ tiếp tục đấu tranh nữa
để nhiều người đàn ông Việt Nam hiểu rằng nghề không xấu mà chỉ có những người
làm xấu nghề mà thôi.
Thu
Bài đăng trên báo VnExpress Thứ
tư, 10/6/2015