LĂNG ÔNG THOẠI NGỌC HẦU PHÁT HIỆN NHIỀU CỔ VẬT
Hội nghị Khảo cổ học
toàn quốc 2011 sẽ khai mạc tại Hà Nội với một trong các nội dung đặc biệt là những
phát hiện mới nhất về lăng Thoại Ngọc Hầu và phu nhân gồm 523 hiện vật, hàng
trăm dấu tích khác vừa được giám định...
Dịp này chúng tôi
phỏng vấn TS Phạm Hữu Công, một trong các thành viên của Hội đồng giám định các
hiện vật nói trên, trước giờ ông lên đường dự hội nghị.
Ông vui lòng cho biết
về diễn tiến cuộc khai quật, chỉnh lý và giám định các hiện vật ở lăng Thoại Ngọc
Hầu và phu nhân?
Lăng Thoại Ngọc Hầu
và phu nhân nằm trên triền núi Sam ở Châu Đốc, An Giang, gồm 3 ngôi mộ lớn, mộ
ông nằm chính giữa, hai bên trái và phải của ông là mộ hai phu nhân. Một điều rất
lạ là trong dân gian hầu như không có những câu chuyện khẩu truyền về đồ tùy
táng của ông và hai bà vợ như thường có đối với các nhân vật lịch sử khác, kể cả
những ký ức về cuộc sống gia đình của ông cũng vậy. Cũng trong hơn 180 năm nay
kể từ khi xây dựng xong, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa
chữa, nhưng tuyệt nhiên chưa có lần nào phát hiện về đồ tùy táng chôn theo, cho
đến năm ngoái khi tu bổ lăng lần thứ 10 vào ngày 10.10.2010, công nhân đã phát
hiện một lằn phui sụp xuống tại khu vực mộ ông và phu nhân. Sau đó, công cuộc
khai quật được phép tiến hành hết sức khẩn trương trong 4 ngày, thu hơn 500 hiện
vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ kim loại...
Tại hội nghị này,
TS Ngô Quang Láng - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL An Giang, sẽ báo cáo về kết quả chỉnh
lý và giám định toàn bộ các hiện vật thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 khai quật ở cạnh
huyệt mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân.
Theo đánh giá của
ông, điều đáng chú ý đối với phát hiện trên là gì?
Hiện vật tùy táng của
Thoại Ngọc Hầu và phu nhân được chôn không phải trong mộ, mà ở bên ngoài cách
huyệt mộ chỉ 40 cm theo quy cách “nam tả nữ hữu”, tức là đồ tùy táng của bà
chôn bên phải mộ bà, đồ tùy táng của ông chôn bên trái mộ ông. Đây là một phát
hiện ngẫu nhiên nhưng rất quan trọng, vì thường các nhà khảo cổ chỉ nhắm ngay
huyệt mộ mà ít chú ý khu vực chung quanh hoặc trong vòng thành mộ. Điều này cho
thấy có thể có một kiểu chôn đồ tùy táng bên cạnh huyệt mộ của thời Nguyễn. Vì
vậy khi khai quật mộ táng thời Nguyễn cần hết sức lưu ý điểm này, cũng như cần
có sự thám sát lại đối với những ngôi mộ cổ thời Nguyễn đã khai quật trước đây.
Với số lượng hiện vật
quý giá trên, có thể nói phát hiện khảo cổ học tại lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và
phu nhân là rất độc đáo và thú vị. Cho đến nay trong các quan đại thần của VN
chưa từng có danh nhân nào để lại một khối lượng di vật phong phú như vậy. Tất
cả đã phản ánh chân thực về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao VN đầu thế
kỷ 19 nói chung và khu vực biên giới phía Tây Nam đất nước nói riêng, trong mối
quan hệ với các nước, nhất là trong cuộc sống của gia đình ngài Thoại Ngọc Hầu
mà trước đây chưa từng được biết đến. Vì thế việc bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu,
phục dựng... để đi đến thành lập một Bảo tàng Thoại Ngọc Hầu tại TX Châu Đốc,
An Giang là việc rất cần thiết, có ý nghĩa.