Gia tộc Hoàng thân Lý Long Tường
KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH
“Hồ mã tế Bắc phong
Việt điểu sào Nam chi”
(Dịch nghĩa: “Ngựa Hồ hí gió bấc, chim Việt đậu cành nam”, dựa trên điển tích:
người Hồ ở phía bắc Trung Hoa đem dâng Hán Vũ Đế một con ngựa hay, nhưng từ khi
sang Trung Hoa được nuôi ở vườn thượng uyển thì nó luôn buồn bã, bỏ ăn và hí
lên mỗi khi gió bấc thổi; đất Việt thời Hùng Vương có đem dâng cho vua Châu
Thành vương một con chim bạch trĩ, chim này chỉ chọn cành nào hướng về phương
Nam thì đậu).
Hoàng tử Lý Long Tường là con thứ ba của vua Lý Anh Tông (trị vì
1138-1175), em của vua Lý Cao Tông (trị vì 1176-1210), là chú của vua Lý Huệ
Tông (trị vì 1211-1224). Năm 1225, Trần Thủ Độ tổ chức đảo chính một cách khôn
khéo, lật đổ nhà Lý, đưa cháu là Trần Cảnh lên ngôi (tức Trần Thái Tông sau
này), lập ra nhà Trần (1225-1400). Sau cuộc đảo chính không đổ máu là cuộc tàn
sát đổ máu: Trần Thủ Độ đã thực hiện ba biện pháp nhằmtiêu diệt
họ Lý:
- Thứ nhất, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn.
- Thứ hai, đày con cháu nhà Lý lên vùng biên ải phía Bắc.
- Thứ ba, tàn sát con cháu nhà Lý.
Vì sự ngược đãi của Trần Thủ Độ, con cháu nhà Lý, nhiều người đã bỏ
trốn, trong đó có Lý Long Tường. Ông ra đi không phải để cầu viện hay tìm cách
khôi phục nhà Lý, mà nhằm mục đích bảo toàn sinh mạng để lo việc thờ
cúng tổ tiên. Tấm bia ghi lại công nghiệp của Lý Long Tường còn lưu lại hiện
nay ở Thụ Hàng Môn (Bắc Hàn), có ghi như sau: “Năm Bính Tuất (1226), niên hiện
Bảo Khánh (đời Tống) trong nước có loạn, việc thờ cúng tổ tiên ở nhà Tông miếu
bị huỷ bỏ, ông là chú vua, khóc ở miếu Nam Bình, rồi đem đồ tế khí ở bàn thờ tổ
tiên, mang theo thuộc hạ và gia quyến lên thuyền chạy về hướng đông”. Bão đã
đánh dạt thuyền của ông vào sông Phú Lương, huyện Bồn Tân, Cao Ly (thuộc bán
đảo Triều Tiên ngày nay). Tương truyền khi đó, vua Cao Ly nằm mơ thấy một con
chim lớn bay mệt mỏi từ phương Nam đến, lượn ba vòng rồi hạ xuống
biển Tây Hải. Vua cho người đi tìm và đã tìm thấy Lý Long Tường. Vua than rằng:
“Nước ta cũng đang gặp phải giặc Mông hung hãn, con cháu của ta sau này gặp hoạ
thì có khác gì cảnh ngộ của công tử lúc này”. Thế rồi đem đất Hwa San (Hoa Sơn)
tặng cho Lý Long Tường làm thực ấp và phong ông là Hoa Sơn Quân. Từ đó,
hoàng thân Lý Long Tường cùng tướng sĩ, thân bằng quyến thuộc bắt tay xây dựng
cuộc sống lưu vong trên đất khách bằng các nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá
và cả mở trường dạy thi phú, lễ nhạc, võ thuật...
Những hậu duệ Lý Long Tường đang sinh sống tại Seoul khi kể lại dòng dõi
của mình đã không giấu được niềm hãnh diện về sự kiện vẫn còn lưu trong nhiều
sách sử cổ hay truyện dã sử Hàn Quốc về Hoa Sơn tướng quân: “Năm Quý Sửu 1253,
quân Mông Cổ cậy binh hùng tướng mạnh xâm lăng Cao Ly. Lý Long Tường năm ấy đã
vào tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng vẫn cưỡi ngựa trắng đôn đốc binh sĩ, dân
chúng trong vùng xây thành An Nam chống trả quân Mông Cổ suốt năm tháng ròng”.
Một điều khiến hậu duệ họ Lý ngày nay không khỏi xúc động là chi tiết
gia phả kể lại năm xưa, dù được vua sở tại trọng thị, lập chiến công hiển hách
nhưng Hoa Sơn tướng quân vẫn không nguôi nỗi nhớ về quê cha đất tổ. Ông cho xây
dựng một ngôi đình kiểu Đại Việt để thờ các vị vua Lý và muốn mọi người có một
nơi chốn cụ thể để hoài niệm cố hương. Những năm cuối đời, ông hay lên đỉnh núi
Quảng Đại, ngồi nhìn về phương Nam xa xăm mà lệ tuôn trào vì nỗi nhớ
quê. Vì thế, ngày nay, nơi này được gọi là Vọng quốc đàn.
Theo văn bia nơi “Thụ hàng môn” ở Ongjin, con cháu Hoa Sơn tướng quân có
rất nhiều người đỗ đạt làm quan, giữ học vị cao hoặc có chức tước trọng thị
trong triều đình Cao Ly. Hậu duệ đời thứ 6 của Lý Long Tường, danh sĩ Lee
Maeng Woo trung thành với triều đình Goryeo đến nỗi khi triều đại vua Chosun
bắt đầu thì ông quyết từ quan trở về quê ở ẩn để thể hiện lòng trung nghĩa “một
tôi trung không thể thờ hai vua”. Các hậu duệ họ Lý cho rằng, cha ông họ “đã
thể hiện truyền thống về sự trung thành và chính trực rất đáng tự hào trên đất
khách!”.
Gia phả Lý Hoa sơn cho biết, trên đất Cao Ly, dòng dõi họ Lý lại chia
làm hai nhánh rẽ. Một số hậu duệ của Lý Long Tường từ Hoa Sơn đã di cư xuống
miền Nam (tức Hàn Quốc ngày nay), lập nghiệp tại vùng An-dong và Bong-hwa (gần
thành phố lớn Daegu). Qua nhiều đời, đến khi xảy ra cuộc chiến Triều Tiên thập niên
1950, cũng như nhiều người Triều Tiên, con cháu dòng họ Lý lại thêm một lần
chia li sống ở hai miền Triều Tiên. Hiện nay, dòng họ Lý Long Tường ở Hoa Sơn
ngày xưa còn khoảng 1.500 hộ ở CHDCND Triều Tiên, còn ở Hàn Quốc thì trên 600
người. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, các hậu duệ họ Lý lại về Hoa Sơn dự lễ
tế tổ, gióng lên chín tiếng trống tượng trưng cho chín đời vua triều Lý để mọi
người tưởng nhớ quê hương.
Lần
đầu tiên tôi được biết đến câu chuyện trên là vào dịp truyền nhân đời thứ 26
(có tài liệu ghi là đời thứ 31) của hoàng thân Lý Long Tường từ Đại Hàn dân
quốc về thăm quê hương. Sự kiện trên đã gây bất ngờ cho nhiều người dân Việt
Nam lúc bấy giờ, vì không ai có thể ngờ rằng lại tồn tại một điều kì diệu như
thế. Phải, đó thực sự là một điều kì diệu khi dòng máu lưu lạc của hoàng tộc
Đại Việt vẫn tiếp tục trường tồn trên một đất nước xa xôi và đau đáu
trong tim tinh thần hướng về quê hương, nguồn cội. Tôi thực sự xúc động khi
nhìn thấy giây phút truyền nhân Lý Xương Long cúi lạy trước hương hồn tổ tông
tại đền Đô (còn gọi là đền Lý Bát Đế - Bắc Ninh), tôi như thấy được một sự
thiêng liêng đến rợn ngợp, giây phút đó đã đọng lại cả lịch sử hàng trăm năm,
đã thoả nỗi niềm vọng tổ của bao thế hệ hoàng thân họ Lý...
Tôi cũng như
bao người dân Việt Nam lấy làm tự hào vì những điều mà gia tộc hoàng
thân Lý Long Tường đã làm được trên quê hương thứ hai. Không chỉ tiếp
tục sống, tồn tại và bảo tồn dòng máu của mình, mà những người con lưu lạc ấy
đã làm nên những điều vẻ vang, đã góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương thứ hai
thêm giàu mạnh, đã sống một cuộc sống trong sạch và đầy ý nghĩa.
Chúng
tôi, những người dân Việt Nam còn tự hào hơn vì ý thức hướng về cội nguồn của
gia tộc họ Lý. Sự dung hoà giữa hai dòng máu Hàn Việt – minh chứng cho sự chung
sống hoà đồng của người Việt với người bản xứ - đã tạo nên một thế hệ mới, đó
là những người dân Hàn Quốc mang trong mình tâm hồn Việt Nam.
Kể
từ đó, tôi đã hướng sự quan tâm của mình đến xứ sở Hàn Quốc. Hai đất nước tuy
cách xa nhau về mặt vị trí địa lí nhưng lại có cùng mối dây gắn bó, đó chính là
câu chuyện về một vị hoàng thân. Đi trên đường phố Hà Nội hay Hạ Long hay bất
kì đường phố của tỉnh, thành nào trên mảnh đất hình chữ S này , càng ngày tôi
càng thấy sự xuất hiện nhiều hơn của những người Hàn Quốc - những con người
giản dị và thân thiện. Tôi có thiện cảm với họ, không phải vì họ là con dân của
một nước có nền kinh tế lớn mạnh, mà vì tôi cảm nhận được họ có dòng máu gần
gũi với con người Việt Nam. Hai dân tộc Việt - Hàn có nhiều điểm tương
đồng về văn hoá, lịch sử, con người và hiện nay mối quan hệ của hai nước đang
ngày thêm gắn bó. Điều này được thể hiện qua các chương trình hợp tác, giao lưu
về kinh tế, văn hoá, khoa học và giáo dục giữa hai quốc gia. Đơn cử như tại
Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, mối quan hệ hợp tác tốt
đẹp giữa hai nước Việt- Hàn đã được thể hiện qua việc cử một số sinh viên có
thành tích học tập xuất sắc đến Hàn Quốc tham dự chương trình giao lưu văn hoá,
hay gần đây nhất là sự kiện đoàn công tác của Sở Văn hoá thành phố Kangnung đến
thăm và làm việc tại trường. Chắc chắn rằng trong tương lai, mối quan hệ
tốt đẹp ấy sẽ ngày càng được phát huy hơn nữa.
Trở
lại với câu chuyện hoàng thân Lý Long Tường, đó là một câu chuyện hoàn toàn có thực song
những tư liệu còn lại đến ngày nay chưa thật chính xác về mặt thời gian cũng
như sự kiện (có lẽ do những biến cố lịch sử đã gây ra sự thất thoát về tài
liệu, gia phả...). Tha thiết hi vọng rằng, trong thời gian tới, các nhà nghiên
cứu sẽ gạn được lớp bụi thời gian và truyền thuyết để có thể tái hiện lại được
một cách chân thực và chính xác câu chuyện bi hùng của người con Đại Việt trên
hành trình xa xứ.
Nguồn: báo tuổi trẻ