Giá trị của “vàng đen”

 

Bức tượng đồng đen Thánh Trấn Vũ, đền Quán Thánh, Hà Nội.

Giá trị của “vàng đen”

KIẾN THỨC HƯỚNG DẪN VIÊN THUYẾT MINH DU LỊCH

Vì đồn thổi đồng đen có giá trị đắt hơn vàng và có thể chữa được bệnh nan y, nên người ta lừa đảo, tranh giành, thậm chí chém giết để có được thứ vàng đen đó. Thực hư chuyện này là gì?

Truyền thuyết về đồng đen

Truyền thuyết kể rằng: Nguyễn Minh Không – Không lộ Thiền sư, vị cao tăng đắc đạo ở Tây Trúc, được Phật truyền cho lục trí thần thông, có thể biến hóa khôn lường. Vị Thiền sư này giỏi chữa bệnh và các nghề luyện kim. Tiếng tăm của thần y Minh Không vang sang Bắc quốc. Con vua Tống Thái Tông khi đó bị bệnh nan y, nhà vua cho mời Minh Không sang chữa bệnh, ông đã nhận lệnh lên đường.

Tương truyền khi về nước, ông dùng đồng đen lấy được đúc thành chuông Phả Lại. Số đồng đen còn lại hòa thượng đúc tượng An Nam Đại Tứ Khí (tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm). Chuông Phả Lại đúc xong, khi gióng lên tiếng kêu xa khắp thiên hạ. Lúc đó, tại cung điện Trung Hoa có tượng một con trâu đúc bằng vàng rất lớn.

Theo truyền thuyết thì đồng đen chính là mẹ của vàng, nghe tiếng chuông của mẹ đồng đen gọi, con Trâu Vàng cựa mình và phóng sang Đại Việt đi tìm mẹ. Ngài Minh Không lo lắng, cho rằng nếu tiếp tục gióng chuông thì vàng từ các nước lân bang sẽ tụ về Đại Việt. Ngài bèn ném chuông xuống Hồ Tây. Tiếng chuông âm vang lần cuối, con Trâu Vàng theo mẹ nhảy xuống hồ. Từ đó Hồ Tây còn có tên gọi là hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Ông Trương Tín Hồi, Phó ban Ban di tích phủ Tây Hồ cho biết, truyền thuyết dân gian biến hóa theo dòng chảy của cuộc đời, từ xa xưa trâu được coi là một con vật thiêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân làng. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng tích cực, phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân xưa. Đây là truyền thuyết rất linh thiêng về đồng đen và Trâu Vàng.

“Vua” đồ cổ cũng bị lừa

Ông Bùi Xuân Hải (cầu Rào, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) rất am hiểu về đồ cổ nhưng cũng từng bị một quả lừa liên quan tới đồng đen.

Thời đó, biết ông là người sành đồ cổ, buôn bán và xuất khẩu đồ cổ sang cả Trung Quốc, nhiều người đã đến giới thiệu cho ông về thứ đồ cổ lưu truyền trong dân gian còn quý hơn vàng. Một nhóm người từ Vũ Thư, Thái Bình đã tìm về Hải Phòng gặp ông để nói về mặt hàng này. Nhóm người này khoe với ông Hải rằng, thứ đồng đen mà họ tìm được mối có từ thời nhà Lý, cách đây vài trăm năm. Đó là một báu vật đối với nhiều người.

Họ còn nói rằng, loại đồng đen này có thể trừ tà ma, chữa bệnh, ai bị trúng gió dùng áp vào trán có thể khỏi. Vốn là người yêu thích đồ cổ, trong dân gian ông cũng đã nghe huyền thoại về đồng đen, nhưng để tận mắt thấy, tay sờ thì chưa. Nghe nhóm người nói vậy ông Hải mừng rỡ trong lòng. Ông nóng lòng muốn về mua ngay.

Về Thái Bình, ông Hải đem theo số tiền lớn, với ý nghĩ sẽ mua cổ vật với bất cứ giá nào. “Bọn chúng dẫn tôi đến một gia đình có một cụ già chừng 70 tuổi. Thấy tôi đến gia chủ mời nước tiếp tôi. Ông ta nói rằng cha ông để lại một số đồ cổ, trong đó có một số đồ đồng đen như đĩa, bát hương thờ. Gia đình có việc cần tiền gấp nên phải bán đi”, ông Hải kể. Nghe gia chủ nói vậy, ông Hải không chút nghi ngờ. Xem các đồ đồng đen với màu sắc, hoa văn cổ ông hoàn toàn tin tưởng. Nhưng khi ông vừa thanh toán tiền cho chủ nhà thì đã bị lực lượng công an ập vào, tịch thu toàn bộ tiền và tang vật.

Sau này ông mới biết mình đã bị những kẻ chuyên lừa đảo bịp bợm. Bọn chúng đã thuê một ông già đóng vai chủ nhà, một số đồ cổ làm mồi. Hôm đó khi công an ập vào thì bọn chúng đã tháo chạy, ông Hải bị lừa mất số tiền lớn.

Đồng đen dễ bị làm giả

Nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng (81 tuổi ở phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) có 60 năm đúc đồng cho biết: “Nói về đồng đen thì Ấn Độ, Trung Quốc là cái nôi sản sinh ra nhiều bức tượng đồng đen lớn nhất thế giới. Đồng đen là một hợp kim, có chứa chất phóng xạ. Nhiều người vẫn đồn đại rằng giá trị của nó còn như bố, mẹ của vàng. Nhưng thực ra nó là giá trị ảo. Hơn nữa, để xác định được đồng đen thật rất khó, đến người làm nghề cũng có thể bị lừa”.

Cụ Dũng đúc hàng nghìn bức tượng đồng, nhưng cụ cũng chưa biết cụ thể hợp chất tạo nên đồng đen là gì. Xưa nay cụ chỉ biết bức tượng thờ ông Trấn Vũ trong đền Quán Thánh là tượng đồng đen. Còn cũng chỉ nghe dân gian truyền tụng. Cụ Dũng bảo, làm giả đồng đen không khó. Để làm một đồ vật nào như đồng đen thật, chỉ cần đúc đồng xong, pha chế nước mạ bên ngoài sao cho thật tinh xảo, những người sành chơi đồ cổ cũng khó phát hiện là đồ giả.

TS Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp  Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho hay, ông không biết những lời đồn thổi, lừa bịp về đồng đen như thế nào, nhưng thực tế hiện nay bức tượng Trấn Vũ là đồng đen. Ông cho rằng, tượng đồng đen có thể chữa được một số bệnh như cảm gió, thương hàn. Để xác định đồng đen rất khó, nhưng theo kinh nghiệm của ông thì có thể thử bằng cách mài đồ đồng xuống nền xi măng hoặc lấy dao cắt nếu vết cắt đó đen trở lại thì là đồng đen.

Đồng đen không còn công thức để đúc?

Ông Vũ Tá Hùng (62 tuổi ở số 134 phố Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi có hơn 40 năm kinh nghiệm chơi đồ cổ, dù được nghe nói nhiều về đồng đen nhưng thực sự để cầm một đồ vật bằng đồng đen thì chưa”.

Trước đây, ông Hùng lang thang khắp nơi để đi tìm thứ đồ cổ này, thậm chí hao tiền, tốn của truy tìm nhưng bất thành. Hơn 10 năm trước ông được nghe anh bạn giới thiệu ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa người dân đi làm nương đào được đồng đen. Anh tức tốc lên đường vào tận nơi để mua. Để xem bức tượng đó anh phải trả cho gia chủ 10 triệu đồng. Nhưng khi xem xong bức tượng, anh thất vọng ra về vì nó là dạng đồng cổ chứ không phải đồng đen.

Ông Hùng cho hay, có lẽ đồng đen đắt giá vì nó hiếm, công thức chế tác và khuôn mẫu đúc đồng đen đã mất từ xưa. Chất để chế tác đồng đen là hợp kim rất quý, chịu được nhiệt rất tốt.

Trong kho đồ cổ của mình, ông Hùng thích nhất là chiếc ấm đầu gà cổ của Trung Quốc khoảng 3.000 nghìn năm tuổi. Ông Hùng bảo, chiếc ấm này có thể là dạng đồng đen. Nó được đúc bằng đồng với kỹ thuật tinh xảo, hơ lửa đốt vào chiếc ấm, đồng sẽ đỏ một thời gian, sau đó lại đen trở lại. Cách đây vài năm, có đại gia đến ngả giá vài trăm nghìn đô la Mỹ nhưng ông Hùng không bán.

sưu tầm


Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới