Theo cách nghĩ thông thường, nơi nào có con người sinh sống thì nơi ấy có ma. Con người và ma như hình vớỉ bóng, không thể tách rời nhau. Ma được hiểu là vong hồn của những người chết bờ chết bụi, không ai thờ cúng nên sống vất vưởng, lang thang.
Hồn ma là những vong hồn chưa được siêu thoát, chưa đầu thai. Con người nơi nào cũng có, nhưng nổi tiếng về ma thì có một số địa danh, trong đó “ma Bình Thuận” được người đời truyền tụng nhau rất nhiều. Đến nỗi, ở xứ Bình Thuận , ai ai cũng biết chuyện về ma, từ già đến trẻ đều biết chuyện ma để kể. Nhất là những đêm tối trời. khách lạ mà ngồi nghe chuyện ma ở xứ Bình Thuận không những sợ khiếp vía mà còn không dám đặt chân xuống đất.
Vì cớ gì mà đất Bình Thuận được dân gian đồn đãi nhiều ma như cọp ở Khánh Hòa? Loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan, thiếu căn cứ khoa học được nhìn nhận ở góc nhìn hiện đại, thì câu chuyện dài về ma Bình Thuận chúng tôi trình bày sẽ là một câu chuyện mang màu sắc tâm linh, huyền bí mà con người chưa thể hiểu hết được. Những câu chuyện kỳ bí này được nhìn từ một người dân Bình Thuận. Theo một cách hiểu thường nhật, người Bình Thuận không ai sợ ma là gì cho dù từ ngàn xưa đã lưu truyền là một xứ sở có rất nhiều ma.
“Nhìn ma” với góc hẹp của người thôn quê
Cư dân vùng Bình Thuận có mấy nguồn di dân chính. Đầu tiên là dân bản địa là người Chăm thuộc vương quốc Chiêm Thành và một nhóm cư dân từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Phan Thiết lập nghiệp, khai khẩn đất đai, trồng trọt và đánh bắt hải sản. Kiến trúc nhà cửa, phong tục tập quán đều in đậm nét văn hóa của người xứ Quảng, kể cả những tên gọi các loài vật, cây cối, nghi lễ và văn hóa bản địa. Tất nhiên về ngôn ngữ, cách phát âm người Bình Thuận có những đặc điểm, phương ngữ riêng.
Về mặt địa lý, Bình Thuận ngày xưa thuộc vùng đất Chiêm thành là biên giới tiếp giáp đất Chân Lạp cũ, là nơi thường xuyên xảy ra các trận chiến ác liệt của vương quốc Chân Lạp với vương quốc Chiêm Thành, máu chảy thành sông, thây chất đầy nội. Ngay cả khi đế chế Angkor của Khmer đánh chiếm Chiêm Thành cũng chỉ phần đất phía Bắc tiếp giáp Đại Việt tại châu Nghệ An, còn phần đất Chiêm Thành Nam kéo dài đến Phan Thiết vẫn giữ vững nên các cuộc chiến tranh liên miên dường như không bao giờ dứt. Đất Bình Thuận xưa (cả tỉnh Ninh Thuận ngày nay kéo dài đến Đồng Nai) được coi là vùng cực Nam Trung bộ, đây cũng là nơi kết thúc vương triều Chiêm Thành trong lịch sử với hình ảnh tháp Chàm Poshanu trên đồi Ông Hoàng, Phan Thiết ngày nay trước khi sáp nhập vào Đại Việt.
Chiến tranh gây bao chết chóc thương đau giữa chiêm Thành với Chân Lạp, giữa Đại Việt (Việt Nam) triều Nguyễn với cuộc phản loạn của quan cai quản Chiêm Thành đời vua Minh Mạng đã gây ra bao cảnh chết chóc, điêu linh. Chính từ những cuộc giao tranh khốc liệt này đã để lại trên vùng đất Bình Thuận quá nhiêu thây ma binh lính tử trận. Vùng Bình Thuận ngày nay có rất nhiều mả mồ xây bằng đá ong vô chủ từ bao đời để lại dân gian thường gọi là mả Tần, mà Hời. Những ngôi mả có tường thành bao bọc hoặc đá ong rắt to lớn, có tứ trụ hình búp sen. Chứng tỏ người chết phải là một người giàu có, quyền thế trong xã hội nhưng là người Việt, người Hoa hay người Chăm thì không ai biết. Cách kiến trúc bằng chất liệu như các tháp Chăm cổ, có nhiều mộ khai quật lên không có hài cốt, chứng tỏ đã được hỏa thiêu hoặc chôn ở vị thế phong thủy quanh ngôi mộ cùng với các vật quý giá chôn theo. Người ta không chôn tro cốt và vật theo chủ có giá trị dưới đáy huyệt mộ vì sợ có kẻ đào bới, hôi của.
Ngày nay, nếu du khách đến với làng chài Chí Công (huyện Tuy Phong – Bình Thuận) nằm cách thị trấn Phan Rí Cửa khoảng 12km sẽ nhìn thấy người dân làng chài sinh sống trên khu mồ mả xưa mà lạnh cả gáy. Nhiều người sử dụng mả cổ làm bếp, làm vách nhà, nền nhà. Ngày xưa, nơi đây có rất nhiều người mắc bệnh phong (cùi). Một người khách lạ đến đây khi nhìn thấy mồ mả với nhà người sống chen chúc nhau chắc chắn không thể nào dám ngủ qua đêm. Và những câu chuyện về ma thì hầu như ai cũng biết rất nhiều, rất rợn người. Nhưng nếu hỏi ở xứ này có ai sợ ma nhát không, câu trả lời là không ai, không bao giờ.
Những chuyện ly kì về ma mà tác giả Mường Giang và Ngọc Ngạn thường viết trên sách báo hải ngoại không là gì nếu nghe người dân Phan Thiết kể chuyện ma. Chuyện về ma ja (ma nước) được coi là vong hồn người chết đuối; ma lai, xà niêng là những người chết lạc rừng, lạc chợ không ai thờ cúng thường đi vắt vưởng kiếm ăn hay chuyện ma nhát người thường gắn với một địa danh nào đó và thường liên quan đến chuyện ngãi bùa. Trong tư duy của người dân quê Bình Thuận, ma không phải là kẻ hung ác hại người mà là một thế lực vô hình tồn tại quanh quẩn bên con người dưới dạng báo oán, trả thù kẻ ác đã ám hại, biến họ thành ma hoặc ma chỉ tồn tại ở những khu vực riêng biệt. Thông thường, các vùng nông thôn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam quanh thành phố Phan Thiết, loại ma hiền không hại người thường “có mặt” trong các bụi duối ma giữa đồng hoặc một khu vực trống vắng nào đó.? Ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc có hai địa danh nổi tiếng có ma xưa nay là đồng đất Quản Hựu và Cầu Liêm. Dân xứ này có câu “Cọp núi ông, ma Quản Hựu” hay câu “Cọp Núi Một, ma Cầu Liêm”. Quả nhiên, dân vùng này từ già đến trẻ đều biết chuyện về ma.(?) Vùng đất của ông Quản Hựu xung quanh là ruộng, khu đất toàn cây cối rậm rạp như một ồc đảo hình thành từ thuở nào không ai biết. Nhưng người đời kể lại rằng khu rừng này ngày xưa có rất nhiều cọp beo, heo rừng hung dữ. Khi ông Quản Hựu qua đời, người ta thấy gần khu nhà cổ có một rặng cây duối to cao, mọc rậm rạp, um tùm, kín bưng, bị bỏ hoang nhiều năm không ai dám đến gần, thậm chí không ai biết trong lùm duối ấy có những gì nên đặt tên là “duối ma Quản Hựu”. Hết đời trước đến đời sau cứ thế mà gọi tên là bụi duối ma Quản Hựu.
Người trong xóm Cồn Quê kể chuyện: Những đêm trăng sáng, giữa khuya, từ trong bụi duối rậm có tiếng hát của một người đàn bà rất trẻ, tuơng truyền là một người vợ lẽ ông Quản Hựu chết oan uất, là một thôn nữ rất xinh đẹp, tóc để dài tới gót chân, cất tiếng ma hát rằng:
“Ví dầu, ta chẳng sợ ai
Sợ sắt, sợ đá, sợ vôi, sợ chì. . .”
Tiếng ru con của “ma” nữ này nghe não nuột và thê thảm lắm. Thường giữa đêm khuya thanh vắng, người dân đi chợ khuya phải đi ngay qua vùng đất này nên ai cũng biết, ai cũng nhận mình từng nghe tiếng hát ru con :
“Ấu ơi, con ngủ cho ngon
Để cha Quản Hựu của con đi cày
Ầu ơi, con ngủ giấc lành
Để mẹ gánh nước tuới hành tưới dưa”
Con nít vùng này sinh ra mọi đứa đều được cha mẹ cho mang một dây trong cổ có một cục chì nhỏ để kỵ ma.(?). Con nít đi đường ngang qua đất Quản Hựu thường được bà mẹ quệt miếng vôi ăn trầu lên trán để tránh bị ma bắt. Không biết đã từng có ai bị ma bắt hay chưa, nhưng dường như mọi việc vẫn tồn tại hết đời này sang đời khác. Cây duối mọc rất nhiều trong vùng này, mọi cây duối đều bị con người chặt nhánh có cháng ba để uốn cong làm lưỡi hái gặt lúa, nhưng cây duối ma chẳng ai dám bén mảng đến chặt bao giờ. Bếp lò cúng tiễn ông Táo về trời hay các vật dụng của người chết từ áo quần, chăn màn chiếu . . . người nhà mang đến liệng vào bụi duối ma như một ký thác. Cầu Liêm nằm đoạn giữa cánh đồng cây số 9, tỉnh lộ 28 cũ đi Phan Thiết - Ma Lâm, ngày nay nối TP. Phan Thiết với huyện Di Linh (Lâm Đồng) chỉ là một cây cây cầu gỗ nhỏ chừng 100 mét, ngày nay xây bằng bê tông bắc qua con suối nhỏ. Con suối này chảy từ trên rừng về, ngang qua đồng ruộng nhà ai thì lấy tên người đó làm tên suối. Chỉ hơn 20 cây số ngoằn ngoèo mà nó có hàng chục tên gọi khác nhau. Suối ông Bổn, ông Bảy Đài, ông Hai Huê, ông Phượng, ông Phó Hai, ông Tư Chẳng, ông Tư Đến, rồi băng qua lộ ngay tại cầu Liêm.
Thời chiến tranh, cầu Liêm vùng Tam giác sắt là đoạn huyết mạch trên quốc 28 nối hai ấp chiến lược Bình An và Bình Mỹ Thuận (Bình Lâm) thuộc quận Thiện Giáo của tỉnh Bình Thuận. Nơi đây “điểm chết” của rất nhiều tay sai ác ôn của giặc bị du kích và nhân dân Hàm Chính tiêu diệt cả ban ngây lẫn ban đêm. Người ta phải thường xuyên xây am thờ bên dốc cầu vì hình như không quá ba ngày đã có một, hai tên địch bị giết bởi bắn tỉa, cài mìn, đắp mô, ám sát. . . Do đó đây là đoạn đường được mệnh danh là cung đường ma.? Không ai bạo gan dám qua đây một mình trong đêm sau ngày đất nước hoà bình, độc lập.
Hầu như ai lỡ đi ngang qua vào buổi tối trời, khi về đến nhà thế nào cũng kể chuyện rùng rơn đã gặp tại cầu Liêm. Giai thoại kể về Thượng úy M.A bộ đội từ đảo Phú Quý về thăm nhà - đi chơi về khuya, đạp xe ngang qua cầu Liêm. Anh lia đèn pin, nhìn thấy một cụ già tóc bạc, tay cầm giỏ đệm, bên cạnh là một con chó rất to ngồi trên thành cầu, mắt đỏ như lửa trừng trừng nhìn như muốn xông đến cắn… Anh hoảng sợ, rút súng ngắn bắn chỉ thiên.? Tất cả biến mất trong đêm. chỉ còn một túi đệm rách trên cấu phất phơ. Hôm sau, anh nghe kể lại có một ông lão bị xe tông chết vài hôm trước bên dốc cầu.
“Ma Bình Thuận” - một bí ẩn chưa lời giải
Như chúng tôi đã trình bày phần trên, nếu kể chuyện về "ma Bình. Thuận" thì có thể viết thành thiên tiễu thuyết vẫn chưa hết. Vùng đất kỳ quái này gắn liền chuyện ma với những chuyện kỳ bí khác về ngãi bùa, tâm linh nên hầu như không ai sợ ma, vì ma chưa từng hại người. Hơn nữa, ai cũng biết cách yếm trừ tà ma nên ma gần như là tồn tại hiền lành bên cạnh con người. Chuyện kể lại, vào khoảng năm 1973, trong một đêm văn nghệ do đồn lính Ngụy của ấp chiến lược Bình Mỹ Thuận tồ chức (nay là thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) có rất đông lính, cảnh sát và nhân dân tham dự. Khi đến màn vũ sexy phục vụ lính, du kích mật ném một trái lựu đạn lên sân khấu nổ tung… Trong số lính Sài Gòn chết và bị thương có một anh con trai khoảng 15 tuổi là con chủ nhà ngay cửa trường công, nơi trưng dụng vách nhà làm màn sân khấu ngã lăn quay chết. Đám tang tổ chức khá rình rang vì ông chủ xe ngựa thuộc gia đình khá giả. Ai ngờ đến nửa đêm, mọi người đang mơ màng, lim dim ngủ thì bất ngờ có một con mèo giá (tam thể, đen sọc trắng) không biết từ đâu nhảy qua quan tài. Sau đó thì anh này ngồi bật dậy như vừa ngủ một giấc dài, còn những người cỏ mặt trong lễ tang ấy kinh hoàng tưởng ma.
Từ đó, câu chuyện mèo tam thể nhảy qua quan tài làm người chết sống dậy được đồn đại khắp nơi nơi. Có thể ngày nay y học hiện đại lý giải hiện tượng chết lâm sàng nhưng 40 năm trước, không phải ai cũng biết điều đó. Giống như hiện tượng ngọai cảm của Phan Bích Hằng ngày nay cũng từ vụ chết lâm sàng sống lại. Không hiếm những câu chuyện trên nghĩa địa ở Căng và Lầu Ông Hòang (Phú Hài), mộ người chết mới chôn bỗng dưng xác rời khỏi quan tài, trả về nhà gia chủ (?) mặc dù không hề có ai thù ghét gì. Nếu chuyện xãy ra ở nơi nào khác, chắc hẳn sẽ trở thành một câu chuyện mê tín dị đoan hay lừa bịp. Còn ở đất Bình Thuận, những chuyện như ma rung cây, ma chặn đường, ma đi đường quá giang, ma khóc, ma hát ru con… là chuyện bình thường khôg mấy ai quan tâm. Vì âu cũng là chuyện tầm phào.
…
Với người Bình Thuận, ngãi bùa của người Chàm và Chà Và mới là một bí ẩn đáng sợ hơn ma rất nhiều. Vì có rất nhiều người đi tìm trầm hương, đá quý nên ngãi mách, ngãi chỉ đường, bùa tránh ma, tránh ông ba mươi là những huyền bí luôn thách thức con người nuôi mộng làm giàu và quyết chí lao vào cõi ma muội để hy vọng được đổi đời….
“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” là câu chuyện của ngày xa xưa, ngày nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian rất nhiều nhưng chỉ làm quà cho nhau trong những lần gặp gỡ, không còn là nỗi ám ảnh hay lo sợ của con người. Những địa danh : cầu Liêm, mả thằng Cuội, cây duối ma, dốc ma, dốc ông Cọp… tất cả vẫn còn nhưng cảnh vật, con người đã thay đổi theo quá trình đô thị hóa và con người hiện đại đang sinh sống đông đúc hơn. Những trò chơi cầu cơ, xây bàn ngày nay không còn mấy người còn nhớ, những huyền bí về ma quỷ đã không còn là một vũ trụ bí ẩn.
ĐÔNG KHA
Hôn nhân và pháp luật : Phụ san Đời sống và pháp luật.- 2012.- số 14