Công nữ Ngọc Vạn, người không có "truyện" trong sử nhà Nguyễn

 



Công nữ Ngọc Vạn, 

người không có "truyện" trong sử nhà Nguyễn 

Hơn ai hết, Ngọc Vạn thấu hiểu dãi đất miền Trung, nơi bà đã sinh trưởng & lớn lên, cuộc sống khốn khó như thế nào. Cho nên dù tuổi mới đôi mươi lại phải dấn thân đến chốn đất khách quê người rồi lâm cảnh chồng chết sớm, con trẻ bị giết hại, triều chính đầy dẫy những thế lực cùng tham vọng mù quáng, đen tối... trái tim bao dung, không bao giờ biết vun vén ấy; phải luôn dằn nén mọi nỗi đau riêng để hoàn thành sứ mạng vì dân tộc của mình.

I . Nước non ngàn dặm ra đi...

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do Hội đồng Nguyễn Phúc tộc ấn hành năm 1995 cho biết vào năm 1620 Sãi vương đã gả người con gái thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc-Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chette II (trị vì: 1618-1628).

Thế rồi người con gái trẻ ấy phải đến sinh sống nơi vương quốc xa lạ.

Ấy vậy mà trong thời gian ngắn, cô vợ mới xinh đẹp rất được ông vua chồng yêu quí vì đức hạnh,vì khôn khéo; và bà trở thành hoàng hậu với vương hiệu Somdach Prea eaccayo dey Preavoreac Ksattecey.

( trước đây có một số sách gọi là công chúa, nhưng xét ra bà chỉ là con của chúa, nên gọi là công nữ thì đúng hơn)

Cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn cho thấy rõ cả hai bên Đàng Trong và Chân Lạp đều muốn tựa vào nhau để cùng tồn tại:

Vua Chey-Chetta II muốn cầu thân với để chống lại áp lực của Xiêm La (Thái Lan).

Còn Sãi Vương ( 1563-1635, ở ngôi: 1614-1635) là chúa Nguyễn thứ 2 của chính quyền Đàng Trong, thời nhà Hậu Lê, lúc đó mới lên cầm quyền, tình hình đối kháng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài bắt đầu căng thẳng.

Những tin tức về sự lớn mạnh của người Xiêm, sự dòm ngó của người Tây phương làm cho nhà chúa càng thêm lo ngại. Vì lẽ đó, vương gả con gái yêu của mình để tạo mối quan hệ thân tình, thế phên giậu, đồng thời cũng để hướng đến một tương lai xa cho đất nước, cho dân tộc hãy còn nghèo khó...

 

 II . Dù đường thiên lý xa vời...

(Dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam lần thứ nhất)

Nhiều tư liệu tường thuật việc hôn nhân này, đại để đều có chung nội dung như sau :

"Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực đủ mạnh để chống lại lân bang Xiêm La thường gây hấn kia, nên năm 1620 ông đã xin cưới một công nữ, để nhờ cậy sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa ...

Khi tới quê mới, Ngọc Vạn đã đem theo nhiều người Việt, trong đó có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cũng cho lập xưởng thợ, mở các nhà buôn gần kinh đô Oudong/Phnompenh cho họ sinh sống.

Ngoài ra, chúa Nguyễn còn gửi quân lính, thuyền chiến & vũ khí sang giúp.

Và thực tế, Sãi vương đã hai lần giúp Chey Chetta II đẩy lui quân Xiêm xâm lược. Đổi lại, vua Chân Lạp cho phép lưu dân người Việt đến lập nghiệp trong mấy tỉnh thưa dân phía đông nam vương quốc.

Và ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang xin vua Chey-Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp lại đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.

Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài chính là bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía nam vì cuộc mưu sinh.

Sau này, khi cư dân Việt ngày một đông đúc, làm ăn phát đạt, chúa Nguyễn mới xin lập ra sở thuế, cử tướng lĩnh đến đóng đồn giữ gìn an ninh, trật tự.

Bấy giờ, nhân dân ta gọi đấy là vùng "Đàng Thổ" ( để phân biệt với xứ Đàng Trong), triều đình chúa Nguyễn thì gọi là Đông Phố.

Vào năm 1698, thời điểm mà Nguyễn Hữu Cảnh đến kinh lược,theo kê biên sổ đinh, cả vùng Sài Gòn, Đồng Nai có khoảng 40 ngàn hộ, ước lượng 200 ngàn dân.

 

III . Phía sau ngai vàng là máu

(Dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam lần thứ hai)

Chồng Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II từ trần năm 1628.

Từ đó triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra những cuộc tranh chấp ngôi báu đẫm máu giữa các hoàng thân.

( trước mắt của người biên soạn bài này là năm bảy bộ sử, việt có khơme có; dù lòng muốn hệ thống lại, vẫn thấy khá rối rắm vì tên vua, tên hiệu các sách phiên âm hơi khác, vì sự chồng chéo mối quan hệ gia tộc và còn vì ngôi vị cứ thay đổi liên tục; nên ở bài viết này tôi chỉ xin nhắc đến giai đoạn nào có liên quan đến đề tài mà thôi)

Chey Chetta II chết để ngôi lại cho Ponhea To hay Ang Saur .

Ang Saur chết, để ngôi lại cho em là Ponhéa Nou.

Nou cai trị, có chú ruột là Prea Outey, trước kia đã là phó vương cho Chey Chetta II làm phụ chánh.

Đến năm 1640, Nou bị giết, Outey phải đưa con mình lên ngôi, tức là Ang Non I.

Hai năm sau, người con thứ 3 của Chey Chetta II (mẹ người Lào) là Chant nổi lên, với sự hổ trợ của người Chiêm và nhứt là người Mã Lai giết phụ chánh Prea Outey và Ang Non I, cướp ngôi vua, lấy tên là Nặc Ong Chân, lập Hoàng hậu là một Công chúa người Mã Lai theo đạo Hồi (Islam) và cai trị trong 17 năm (1642-1759).

Trong thời gian này, tại Chân Lạp có rất nhiều người Chiêm và Mã Lai đến sinh sống, ( từ Chiêm Thành chạy qua để trốn giặc giã ). Vì vua vừa theo đạo mới, nên nhóm người này được ưu đãi. Điều này đã gây bất bình trong hoàng tộc cũng như dân chúng ( cầm đầu là Hoàng Thân So và Ang Tan ). Theo lời khuyên của Thái Hậu Ngọc Vạn, họ sang xin chúa Nguyễn trợ giúp.

Chúa Hiền, cháu kêu thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, cho quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3000 quân qua giúp bắt được Nặc Ong Chân tại Mô Xoài ( Bà Rịa) vì cớ "phạm biên cảnh", cho giải về Quảng Bình, nên "người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì." (Trịnh Hoài Đức,Gia Định Thông Chí, trung, tr.7)

Con trai thái hậu Ngọc Vạn được chúa Hiền tôn làm quốc vương Chân Lạp: Batom Réachea Pontana Reja. ( tức Pon Héa So, trị vì 1660-1672). Năm 1658, để tạ ơn, triều đình Chân Lạp hợp thức hóa chủ quyền của nhà Nguyễn tại Đồng Nai. (người Việt mở đất về phương nam lần thứ hai)

Năm 1672 Pon Héa So ở ngôi được 12 năm thì bị người cháu vừa là con rể giết cướp ngôi.

Nhưng rồi vua nầy cũng lại bị vợ và con cả của Pon Héa So giết lại. Con cả này lên ngôi vua mà sử Việt gọi là Năc Ong Đài (1673-74).

Trớ trêu, năm 1674 Nặc Ong Đài dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Đồng Nai, xây đấp công sự kiên cố ở Mỗi-xuy, làm xiềng sắt giăng ngang sông Mékong

Lưu dân người Việt kêu cứu triều đình chúa Nguyễn lúc đó đóng đô ở Kim Long. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai các tướng Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Diên Thái và Văn Sùng mang quân tới tận Oudong hỏi tội. Năc Ong Đài bỏ thành chạy vào rừng, để rồi bị thuộc hạ đâm chết.

Theo Huỳnh Văn Lang viết trong quyển Công Chúa Sứ Giả, thì:

Sau khi Năc Ong Đài mất, Còn lại Ang Tan và Ang Non, hai con của Pon Héa So (cũng là cháu của Ngọc Vạn). Ang Tan chết bệnh, Ang Non là Năc Ong Nộn lên ngôi vua.

Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức là cuối năm 1674, em của Nặc Ong Đài là Năc Ong Thu kéo quân đánh lại Nặc Ong Nộn.

Năc Ong Nộn chạy về Sàigon, kêu cứu với chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn giải quyết vấn đề "nồi da xáo thịt" nầy bằng cách nhìn nhận cho Năc Ong Thu làm Chánh vương vì là thuộc dòng nhà bác, đóng đô ở Phnom pênh, cho Nặc Ong Nộn làm Obareach, tức là Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai...

Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ong Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn

(Có sách cho rằng Ang Non tức Nặc Ong Nộn con trai thứ của bà Ngọc Vạn. Người soạn không đồng thuận, vì nhiều sách đều nói 2 ông này chỉ vào hàng cháu của Ngọc Vạn)

 

IV . Tạm lý giãi vì sao sử triều Nguyễn không nói đến Ngọc Vạn

-Bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, khi ghi chép về các con gái của Sãi Vương, đến mục "Ngọc Vạn", "Ngọc Khoa"(sẽ có bài riêng) đã ghi rằng: "Khuyết truyện" tức thiếu truyện, nghĩa là không có tiểu sử.

-Trong "Généalogie des Nguyễn avant Gia Long" (Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long) của Tôn Thất Hân và Bùi Thanh Vân (Bulletin des Amis de vieux Huế, năm 1920) cũng ghi tương tợ :

"Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích.

Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn"

May thay, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, ấn hành năm 1995 có biên chép đôi điều, nhờ vậy ta mới có những thông tin như sau :

Nội chiến Trịnh Nguyễn bùng nổ tại Bố Chánh năm 1627. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên Theo chính sách nhà Trần, gả 2 con gái cho vua Chân Lạp & Chiêm Thành để việc ngoại giao được ổn định ở phía Nam, vì phiá Bắc phải đương đầu chống lại với Chúa Trịnh.

* Năm canh thân 1620 bà Ngọc Vạn được đức Hy Tông sãi vương gã cho vua Chân lạp là Chey Chetta 2.về sau nể tình bà. Vua Chân lạp cho người Việt lập dinh điền tại Mô xoài Bà riạ

* Năm tân mùi 1631 bà Ngọc Khoa được đức Hy tông gả cho vua Chiêm thành lá Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm tốt đẹp

Có nhiều ý kiến về việc không biên chép này, ở đây tôi xin được tóm gọn thành 3 ý :

-Vì công cuộc mưu sinh cho dân tộc, vì thế "môi hở răng lạnh" và cũng vì để theo dõi hoạt động của các nước chung quanh, nhất là sự thường xuyên xâm lấn của người Xiêm La (ngườiTây phương cũng bắt đầu dòm ngó vùng Đông Nam Á), nên Sãi Vương không muốn làm ồn ào hai cuộc hôn nhân nầy, mà chỉ lặng lẽ tổ chức hôn lễ, nên sử quan nhà Nguyễn suy tính thấy không nên viết ra.

-Có thể vì ngày trước, nhiều vương triều Việt có cái nhìn hơi xem thường người Chiêm Thành, Chân Lạp. Do vậy, chuyện chẳng hay ho gì mà ầm ĩ, nhất là từ khi công chúa Huyền Trân đi vào sử sách với những giai thoại buồn tủi, với những vần thơ chua chát, mai mỉa như: " Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho người mán, người Mường nó leo!"; có thể vì lẽ đó các sử quan được lệnh né tránh việc biên chép.

-Có lẽ do tư tưởng phong kiến "nữ nhân ngoại tộc" nên mới có tình trạng không ghi chép.

-Người soạn nghiêng theo ý đầu, vì xét thấy ý sau chưa ổn lắm, bởi nhiều triều đại trước,việc nhà vua gả con cho vua chúa lân bang, cho những thủ lĩnh các châu miền xa xôi trong nước nhầm củng cố mối giao hảo, thế phiên giậu đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử

Như vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, Chiêm Thành. Năm 1286, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh rất gấp, quân ta tan vỡ.Triều đình phải sai người đưa công chúa An Tư - em gái út của Thánh Tôn - đến cho Thoát Hoan để xoa dịu hắn.

Năm 1036, Lý Thái Tôn, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiên Lãm vv...

Thế nhưng sử sách không hề che giấu. ( ngay cả trong lịch sử Trung Quốc việc tương tợ cũng đã xảy ra không ít lần, mà câu chuyện công chúa Văn Thành thời nhà Đường phải đến làm dâu xứ Tây Tạng, Vương Chiêu Quân thời nhà Hán phải chịu cống Hồ... là hai ví dụ điển hình).

Còn nếu vì nữ nhân ngoại tộc nên sử sách không ghi, người soạn e rằng không phải. Sãi Vương có 4 người con gái, sách sử ghi khá tường tận 2 cô lấy chồng Việt kia mà...

Tuy nhiên để có câu trả lời thật thỏa đáng, thiết nghĩ ta phải chờ Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, các nhà sử học nghiên cứu thêm

 

V . Người soạn xin góp ý về một trang viết trích trong quyển "Công Chúa Sứ Giả " của Huỳnh Văn Lang, do chính tác giả xuất bản tại California, năm 2004.

Trích nguyên văn:

Ngọc Vạn Công chúa sinh ở đâu và ngày nào, không sách sử nào nói. Nhưng người viết tìm lại những năm tháng liên hệ thì có thể cũng biết được phần nào. Ví như Công chúa đi lấy chồng là năm 1620, thì có thể nói là lúc bấy giờ Công chúa vào khoảng 16, 17 tuổi...

...Ngọc Vạn Công chúa ăn ở với Chey Chetta đã 17, 18 năm rồi, Công chúa có con với Chey Chetta không? Không thấy sử Chân Lạp, sử ta nói là Công chúa có con với Chey Chetta II. Người viết luôn luôn thắc mắc tìm hiểu về vấn đề đó và thật là may mắn khi bắt gặp bài viết của Hương giang Thái văn Kiểm. Dựa theo sách " L'Indochine du Sud", của Cl. Madrolle, xuất bản năm 1926 tác giả đã viết như sau:

"Sau khi Chey Chetta mất, liền xảy ra việc tranh quyền giữa chú và cháu. Chú là Prea Outey, em ruột của Chei Chetta II, giữ chức Giám quốc (abjoréach) và cháu là Chau Ponhéa To, con của Chetta II và bà Công chúa Việt nam.

"Cháu Ponhéa To là một vị hoàng tử Miên-Việt rất thông minh và đã được giáo huấn rất chu đáo. Vua Chei Chetta khi còn sống định cưới cho hoàng tử nường Công chúa Ang Vodey. Nhưng chẳng may, khi ngài vừa mất thí Préa Outey, tức là chú ruột của hoàng tử, lại cưới nường công chúa Ang Vodey trong khi hoàng tử còn phải trường trai trong tu viện.

"Sau khi rời tu viện, Chau Ponhéa To lên ngôi Chân Lạp và trong một buổi tiếp tân trông thấy Ang Vodey liền đem lòng cảm mến và sau đó hai người cũng thương trộm nhớ thầm một cách tha thiết. Công chúa bèn trốn chồng bỏ nhà ra đi theo vua vào rừng săn bắn. Ông chú là Préa Outey biết được liền rượt theo và giết chết cả hai người".

Thật là họa vô đơn chí! Chồng chết, rồi con bị giết, thì người vợ người mẹ phải thế nào? Không biết Ngọc Vạn Công chúa phải đau khổ biết bao và còn cảm thấy bơ vơ ở xứ người.... "

Xin nêu điều nhầm lẫn : ngay phần đầu, tác giả đã xác định đúng thời điểm Ngọc Vạn đi lấy chồng là năm 1620 rồi ở đoạn sau, ông viết: Năm 1628 Vua Chey Chetta băng hà đang tuổi thanh xuân, chưa đầy 40.

Như vậy từ 1620- 1628, mới có 8 năm chung sống thì làm gì có đứa con nào của Ngọc Vạn đủ lớn để xảy ra thảm kịch trái khoáy ở chốn cung đình kia ? Cho nên có thể quả quyết, vị hoàng tử vắn số này là con của một bà vợ Việt nào đó của vua Chey Chetta, mà ta chưa có điều kiện để tìm hiểu tận tường.

Qua những dòng tư liệu ít ỏi vừa kể, ta biết chắc Ngọc Vạn có 1 người con trai. Và theo 2 tư liệu sau, ta biết bà có thêm 1 gái.

a."Công chúa Ngọc Vạn", tr 89-95, của Lương Văn Lựu trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên ,q.II, do tác giả tự xb năm 1973:

"Đến năm 1624, bà lại sanh thêm một gái lấy tên là Néang Nhéa Ksattrey..."

b.Theo http://hue.vietnamnet.vn/chuyende/2005/12/117013/ :

Năm 1624 Ngọc Vạn sinh hạ một hoàng nữ và sau khi chồng qua đời, vẫn ở lại để che chở, giúp đỡ đồng bào.

 

VI . Bước đi... có vào lòng muôn dân?

Theo câu chuyện chia tách trên cùng vài truyền thuyết trong dân gian thì Ngọc Vạn về lại đất Việt sống cho đến cuối đời. (phần thuộc quyền cai quản của Nặc Ong Nộn ; và thành quách , cung điện của ông phó vương này ngày trước nằm trên vùng đất cao ráo từ đồi Cây Mai đến vùng Phú Thọ , Tp HCM hiện giờ)

Có thể khi bà mất, thân xác mà cả đời chỉ biết cống hiến, được hỏa thiêu theo phong tục nhà chồng ( người Chân Lạp chọn Phật Giáo tiểu thừa làm quốc giáo).Có thể rồi chút tro than kia cũng đã tản mát sau nhiều cơn binh lửa, nên bây giờ ta không thể tìm thấy dấu vết ?

Với lòng biết ơn của một người sinh sau đang sống bình yên, nơi mà bà & bao thế hệ cha ông đã dày công mới có được; khiến tôi day dứt khi đọc được câu: Năm 1624 Ngọc Vạn sinh hạ một hoàng nữ và sau khi chồng qua đời, vẫn ở lại để che chở, giúp đỡ đồng bào.

Ngẫm xưa nay, đâu phải ai sống trong cảnh son vàng đều có được tấm lòng ấy?. Bởi vậy, tôi đã nhờGoogle để tìm xem người đời có lấy tên Ngọc Vạn để đặt tên cho đường phố, trường học hoặc nhà lưu niệm, tượng đài nào không; thì tôi chỉ gặp duy nhất một nơi liên quan đôi chút đến bà. Đấy làChùa Gia Lào ở núi Chứa Chan, Đồng Nai.

Tương truyền chùa do công nữ Ngọc Vạn xây nên.Cũng có người bảo, đấy là do người dân thời bấy giờ tự quyên góp tiền của, để có nơi tưởng nhớ công ơn bà.

 

VII . Thay lời kết

Ngọc Vạn, người công nữ đức hạnh & xinh đẹp này, đã hai lần dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam. Lần thứ nhất sau cuộc hôn nhân năm 1620, lần thứ nhì trong cuộc tranh chấp nội bộ vương quyền Chân Lạp năm 1658, thời trị vì của Batom Reacha Pontana Reja ( tức hoàng thân So, con Ngọc Vạn )

1/Nguyễn Lệ Hậu ở Phân viện chính trị HCM tại Đà Nẵng, đã có nhận định xác đáng như sau :

"Việc giữ gìn biên cương và mở mang bờ cõi luôn là ước vọng lớn lao của hầu hết các đấng quân vương, và trong suốt thời gian trị vì của mình các bậc đế vương đã không ngừng khai thác bằng hầu hết những khả năng và biện pháp vốn có.

Ở đây, vấn đề hôn nhân nhằm mục đích chính trị đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc mở mang bờ cõi, nhất là trong công cuộc Nam tiến. Trong đó các cành vàng lá ngọc đã đóng một vai trò nhất định, nước mắt má hồng đã tô thắm cho từng dãi đất biên cương."

 

2/Để ca ngợi công ơn mở cõi to lớn của hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 - 1983), một nhà thơ nổi tiếng vào thế kỷ trước có làm bài thơ sau:

Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa

Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài

Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai

Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa

Một sớm ra đi mở đất đai

Mối tình hữu nghị Việt Chiêm Miên

Thần xỉ mong sao được vững bền;

Chúa Sãi bao năm nhờ diệu kế,

Giữ miền Nam Á đặng bình yên.

Đời vốn quen dùng sức lửa binh,

Gây nhiều thảm họa khổ sinh linh.

Riêng đây ngọc lụa thay gươm giáo,

Trăm họ âu ca hưởng thái bình.

Cũng vì hạnh phúc của muôn dân

Vì nước, vì nhà, xá quản thân.

Lá ngọc cành vàng coi nhẹ bổng,

Hiếu trung cho trọn đủ mười phân.

Những tiếc riêng cho phận nữ hài,

Đem thân giúp nước há nhường trai.

Vắng trang lịch sử, nào ai biết?

Người đã hy sinh vị giống nòi.

Tới nay kể đã mấy tinh sương

Mượn bút quan hoài để biểu dương:

Bà Rịa, Phan Rang ngàn vạn dặm,

Công người rạng rỡ chốn quê hương.

Và một bài thơ của Tân Việt Điểu lấy trong sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu, Không thấy ghi tựa bài:

Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm

Vì ai, tô điểm nước non tiên?

Chị lo giữ vẹn tình Miên Việt,

Em nhớ làm tròn nghĩa Việt Chiêm

Bà rịa, Biên Hòa thêm vạn dặm,

Phan Rang, Phan Rí mở hai miền

Non sông gấp mấy lần Ô, Lý

Nam tiến, công người chẳng dám quên.

Ghi chú kèm theo :

1/Một ý cần nêu để tránh hiểu lầm:

Dân tộc Việt có giành chiếm đất của người Chân Lạp không ?

(Đề mục quang trọng & không ít nhạy cảm này, người soạn chỉ nêu vắn tắt, không đi sâu vào chi tiết. Xin bạn đọc tự tìm đọc nhiều bài nghiên cứu của những tác giả có công tâm, có uy tín.)

 

Lý do vương triều Chân Lạp dễ dàng nhượng vùng hạ lưu sông Cửu Long, vì nguyên thủy vùng đất nầy không phải là đất của họ, mà là của nước Phù Nam (Funan) thủa xa xưa.

Và gần hơn, theo Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định thành thông chí: nước Bà Lợi là Bà Rịa, nước Chu Lai là Sài Gòn ngày nay. Còn theo Nguyễn siêu, tác giả Phương Đình dư địa chí thì nước Xích Thổ & nước Can Đà Lợi chính là vùng đất Biên Hòa bây giờ vv..

( Xin bạn đọc xem chi tiết trong bài Trước khi lưu dân Việt Nam tới, đất Sài Gòn xưa thuộc cư dân nào? của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, sách Địa chí văn hóa Tp HCM, nxb Tp HCM, năm 1987)

Vì không phải là đất của mình, lại rất ít dân sinh sống, không có người đủ tài đức cai quản, nguồn lợi thu về không là bao; nên vua chúa Chân Lạp dễ dàng dùng đất nầy làm quà tạ lễ các chúa Nguyễn đã giúp họ lên ngôi, hoặc giúp họ chống lại Xiêm La.

Vả lại, trong lịch sử, chuyện cắt đất để cầu phong, để củng cố thế lực hoặc cầu bình an cho vương triều là chuyện thường xảy ra ở chế độ phong kiến. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy ví dụ trong các sách, nhất là ở sử Tàu ...

Như thế có nghĩa, người Việt đã không giành chiếm mà chỉ đến (cùng vài dân tộc khác như Hoa, Champa chẳng hạn) cộng cư với dân bản địa, đơn thuần buổi đầu chỉ là lý do mưu sinh với sự đồng thuận của cả hai vương triều.

Nhưng do tập quán sinh hoạt, canh tác của mỗi dân tộc ít nhiều có điểm khác nhau, như dân bản địa thích chọn ở nơi đất cao (giồng), trồng khoai sắn, làm ruộng chỉ cầu đủ ăn và ít muốn khai thác gì thêm; người Hoa thì thích buôn bán hơn.

Riêng người Việt,vì bấy lâu bẩn chật nơi mảnh đất miền Trung nhỏ hẹp, nghèo khó, lắm thiên tai; giờ được đứng trước vùng đất phương nam mênh mông nhiều sông nước này; nên cha ông ta với lòng hăm hở cộng thêm đức tính cần cù, không ngại khó; vì thế chẳng bao lâu nơi trước đây còn hoang vu, nhiều đầm lầy, rừng rậm, thú dữ...trở thành vô số những cánh đồng ngút ngàn màu mỡ, trĩu xanh.

Dù vậy, nhưng người bản địa không hề tỏ thái độ cạnh tranh hay thù hằn, và cũng vì thói quen sống nên họ thường lánh đi nơi khác...

Mãi về sau, năm 1698, nghĩa là đã tròn 40 năm, nếu tính từ năm1658, thời trị vì của Batom Reacha Pontana Reja ( tức hoàng thân So, con Ngọc Vạn), Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mới cử Nguyễn Hữu Cảnh đến thiết lập chủ quyền nơi vùng đất mới để bảo vệ cuộc sống bình an, sự làm ăn mua bán của cư dân mình vì chính quyền Chân Lạp thời bấy giờ cứ liên tiếp xào xáo, không ổn định.

Vậy có thể nói gọn:

Trước mắt của người Đàng Trong là một vùng đất mênh mông hoang vu cần khai khẩn để biến nó thành kho lương thực, thành tài sản quí giá cho người dân và quốc gia.

Với lòng khao khát này, tất nảy ra"Cái khó ló cái khôn": đấy chính là kế sách "tầm ăn dâu" khôn khéo của các chúa Nguyễn, là đường lối "dân đi trước, làng nước theo sau", là tài thao lược khiến đối phương thì qui phục, dân thì tin yêu của các danh tướng như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại vv...

Và đặc biệt hơn cả, chính là tấm lòng son của một phận má hồng: Ngọc Vạn.

Hơn ai hết, Ngọc Vạn thấu hiểu dãi đất miền Trung, nơi bà đã sinh trưởng & lớn lên, cuộc sống khốn khó như thế nào .Cho nên dù tuổi mới đôi mươi lại phải dấn thân đến chốn đất khách quê người rồi lâm cảnh chồng chết sớm, con trẻ bị giết hại, triều chính đầy dẫy những thế lực cùng tham vọng mù quáng, đen tối... trái tim bao dung, không bao giờ biết vun vén ấy; phải luôn dằn nén mọi nỗi đau riêng để hoàn thành sứ mạng vì dân tộc của mình.

2 / Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên ( 1563-1635, ở ngôi: 1614-1635) là chúa Nguyễn thứ 2 của chính quyền Đàng Trong, thời nhà Hậu Lê.

Ông còn được gọi laø Chúa Sãi, Chúa Bụt hay Phật Chúa.

Là con trai thứ 6 của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phúc; nhưng ông được kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ làm con tin tại Đàng Ngoài.

Trước khi kế nghiệp chúa, ông từng nhiều năm làm Trấn thủ Quảng Nam, tước Thụy Quận công. Khi kế nghiệp, bấy giờ ông đã 51 tuổi

Theo di mệnh của Nguyễn Hoàng, Sãi Vương quyết xây dựng Đàng Trong thật vững mạnh để chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Do đó, ông giao hảo với các nước phương nam để củng cố vị thế vương triều.

Song song việc đó, ông cho dời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, chăm lo chính sự, thu dụng nhân tài.Dưới trướng của chúa bấy giờ có những người giúp việc tài ba như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ.Chính nhờ có sự góp sức của Đào Duy Từ, chúa Sãi đã xây Lũy Thầy, gây dựng chính quyền độc lập với Đàng Ngoài.

Nguyễn Phúc Nguyên mất năm 1635, thọ 73 tuổi

Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên có bốn cô con gái. Hai người lớn nhất và trẻ nhất có chồng Việt.Còn hai cô còn lại chính là nội dung bài viết này.

3/Ngọc Khoa cũng là con gái Chúa Sãi, được gả cho vua Chiêm Thành Poromê năm 1631.Tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, em gái công nữ Ngọc Vạn. Rồi chính nhờ cuộc hôn nhân Việt-Chiêm năm 1631, người Việt nhanh chóng vượt qua Chiêm Thành, xuống tận miền sông nước Cửu Long.

Bà cũng như chị, là người không có "truyện" trong sử nhà Nguyễn.

4/ Một điều lạ là ở thời kỳ ấy và ngay cả lúc sau này, có người dành nhiều trang viết về Ngọc Vạn, có người không hề nhắc đến bà dù chỉ một chữ:

-Nhiều tác giả đề cập đến Ngọc Vạn như:

G. Maspéro, Moura, Henri Russier,A. Dauphin Meunier ,Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri ,Nguyễn Văn Quế, Lương Văn Lựu,Phan Khoang, Ngô Viết Trọng,Huỳnh Văn Lang vv...

-Có thể vì người soạn thiếu thông tin hoặc do cách đánh giá, có sách không nói gì đến Ngọc Vạn, như:

- Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim, nxb Tân Việt, Sài Gòn 1964

-Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển của G.s Trịnh Văn Thanh, nxb Hồn Thiêng,Sài Gòn 1965

-Bộ Việt sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn,Sài Gòn 1959

-Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng& Nguyễn Bá Thế, nxb KHXH, năm 1992

-Bộ Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, nxb Giáo dục, năm 1998 vv...

 (Bùi Thụy Đào Nguyên)

 

5/Tài liệu tham khảo:

Tôi có sử dụng mấy câu trong bài Nước non ngàn dặm ra đi của Ns Phạm duy để làm tên đề mục.

Và ngoài số sách đã dẫn trong bài, tôi còn tra cứu, so sánh thêm tại các địa chỉ:

http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn

http://www.hue.vnn.vn/chuyende/2005/12/117013/http://saigon.nguoihanoi.net/diendan/index.php?act=ST&f=36&t=4004

http://www.maiyeuem.net/vtopic87020.html

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ngọc_Vạn

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới