VỚI KHOẢNG 1400KM ĐƯỜNG BIÊN GIỚI TRUNG QUỐC, GIÁP 7 TỈNH PHÍA BẮC.
◇ 1971 CỘT MỐC BIÊN GIỚI
◇ 16 chữ vàng
" LÁNG GIỀNG HỮU NGHỊ, HỢP TÁC TOÀN ĐIỆN, ỔN ĐỊNH LÂU DÀI, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI"
◇ 4 tốt
" LÁNG GIẾNG TỐT, BẠN BÈ TỐT, ĐỒNG CHÍ TỐT, ĐỐI TÁC TỐT"
Biên giới quốc gia (BGQG) do con người tạo ra trên cơ sở tôn trọng các yếu tố về lịch sử, dân tộc, địa lý và nhiều yếu tố khác có liên quan giữa hai nước. BGQG được coi là cơ sở pháp lý, đồng thời là một trong những nền tảng vật chất, tinh thần để mỗi quốc gia tồn tại và phát triển. Vì vậy, xác định một đường biên giới rõ ràng, minh định, phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế là vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với bất cứ một quốc gia nào. Song do nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, nên việc xác định BGQG giữa các nước trên thế giới thường rất phức tạp. BGQG giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì thế, cũng không tránh khỏi thực tiễn có tính phổ biến đó.
Lịch sử cho thấy, dựa vào tập quán, lối sống, ngôn ngữ của các dân tộc ở khu vực biên giới, đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hình thành ngay từ thế kỷ thứ X. Mặc dù đường biên giới đó chỉ có tính tương đối, nhưng nó được coi là cơ sở ban đầu rất quan trọng cho việc xác định một đường biên giới rõ ràng hơn sau này. Đến nửa cuối thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp (khi đó đang áp đặt chế độ thuộc địa trên đất nước ta) và triều đình nhà Thanh, Trung Quốc, đã ký các công ước về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là năm 1887, hai bên ký Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ với Trung Quốc (gọi tắt là Công ước 1887); năm 1895, hai bên tiếp tục ký Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới (gọi tắt là Công ước 1895). Đường biên giới do hai Công ước xác lập về cơ bản là dựa vào đường biên giới đã được hình thành và tồn tại từ lâu đời giữa hai nước; trên cơ sở đó, hai bên tiến hành phân giới và cắm được 341 cột mốc trên thực địa. Tuy vậy, do phương tiện kỹ thuật còn kém hiện đại, nên việc phân giới, cắm mốc lần này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc phân giới không được xác định bằng lưới tọa độ; các cột mốc chưa bảo đảm tính kiên cố, bố trí lại thưa và thiếu sự mô tả chính xác. Đặc biệt, nhiều đoạn biên giới không được mô tả rõ ràng và bản đồ đính kèm thể hiện rất sơ lược. Những đặc điểm đó, cùng với những yếu tố về môi trường và các biến cố lịch sử trải qua hơn một trăm năm, đã làm cho nhiều cột mốc bị hư hỏng, thậm chí bị mất hoặc bị xê dịch so với vị trí đã vẽ trên bản đồ. Những đoạn không có cột mốc lại càng khó xác định đường biên giới vì địa hình, địa vật đã có nhiều thay đổi. Đây chính là các yếu tố khiến hai bên có nhận thức không thống nhất về đường biên giới ở một số khu vực, làm cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí, có thời điểm còn xảy ra tranh chấp về chủ quyền, nhất là ở những đoạn biên giới chưa được xác định rõ ràng.
Tình hình trên cho thấy, việc phải xác định lại đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất cần thiết. Bởi lẽ, ranh giới phân chia chủ quyền giữa hai nước chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi đường biên giới được phân định rõ ràng, được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới cụ thể trên thực địa. Nếu chưa tiến hành phân giới, cắm mốc, lực lượng chức năng hai bên sẽ không có cơ sở đầy đủ để nhận biết đường biên giới, phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia; do đó, gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bất đồng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Mặt khác, chỉ khi có được một đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết thì nhân dân hai bên ở khu vực biên giới mới hiểu được khu vực nào mình được phép định cư, làm ăn, sinh sống. Nói cách khác, phân giới cắm mốc không chỉ là các công việc mang tính kỹ thuật mà còn là công việc mang tính pháp lý, chính trị, xã hội, nhằm bảo đảm cho hai bên thực hiện hiệp định về biên giới có hiệu quả. Nhận thức được vấn đề đó, Việt Nam và Trung Quốc đã chủ động đàm phán để giải quyết các vấn đề về biên giới (đàm phán lần đầu tiên vào tháng 8-1974, lần thứ hai vào tháng 10-1977, lần thứ ba vào tháng 4-1979). Đặc biệt, sau khi bình thường hoá quan hệ, việc đàm phán về biên giới đất liền giữa hai nước đã đi vào những vấn đề cụ thể hơn, với quyết tâm cao hơn của Đảng và Chính phủ hai nước. Tháng 10-1993, hai bên đã ký Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nội dung chính của Thoả thuận này là: hai bên đồng ý lấy Công ước 1887, Công ước 1895 và các văn kiện, bản đồ kèm theo làm căn cứ xác định lại đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc; hai bên sử dụng bản đồ địa hình khu vực biên giới tỷ lệ 1/50.000 để vẽ đường biên giới theo chủ trương của mình và sớm trao đổi cho nhau; đối với những đoạn sông, suối (khoảng 400 km) thì giải quyết theo thực tiễn luật pháp quốc tế.
Sau 7 năm đàm phán tại nhiều cấp (cấp Chính phủ, cấp chuyên viên, cấp kỹ thuật…), ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, Hiệp ước về biên giới đất liền giữa nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã được ký kết (gọi tắt là Hiệp ước 1999). Theo Hiệp ước, hướng đi của đường biên giới được mô tả từ Tây sang Đông, có bản đồ tỷ lệ 1/50.000 đính kèm; hai bên thống nhất giải quyết 289 khu vực trên đường biên giới có nhận thức khác nhau theo con số cụ thể: khoảng 114,9 km2 thuộc về Việt Nam, và khoảng 117,2 km2 thuộc về Trung Quốc; đường biên giới vẽ lại được thể hiện bằng lời văn và đường đỏ trên bản đồ sẽ được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới hiện đại, bền vững, gọi tắt là phân giới cắm mốc.
Sau khi Hiệp ước 1999 có hiệu lực (tháng 7-2000), Việt Nam và Trung Quốc thành lập 12 nhóm liên hợp, tiến hành phân giới cắm mốc theo phương pháp song phương (cùng nhau phân giới cắm mốc trên thực địa). Quá trình phân giới cắm mốc có thể chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2001-2003): ngày 27-12-2001, hai bên cắm mốc quốc giới đầu tiên tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó, hai bên thoả thuận phân giới cắm mốc theo hình thức "cuốn chiếu" từ Tây sang Đông, làm đến đâu xong đến đó, dứt điểm từng đoạn. Tuy vậy, do hai bên còn một số nhận thức khác nhau về cách thức triển khai, nên trong giai đoạn này chỉ xác định được 106 vị trí mốc và cắm được 89 mốc.
Giai đoạn 2 (2004-2006): hai bên tiếp tục đàm phán, thống nhất cách làm là "dễ trước khó sau", khi gặp vướng mắc thì tạm gác lại để chuyển sang khu vực tiếp theo. Giai đoạn này hai bên đã xác định được 276 mốc.
Giai đoạn 3 (2007-2008): do nhiều vị trí mốc giới chưa xác định được ở các năm trước dồn lại (đều ở các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời) nên hai bên lại phải tiếp tục đàm phán, qua đó lấy nguyên tắc "cả gói", bảo đảm cân bằng về lợi ích để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Mặc dù vậy, phải đến vòng đàm phán cuối cùng, những giây phút cuối cùng, hai bên mới thống nhất được cách giải quyết ở khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân. Đối với khu vực thác Bản Giốc, hai bên thỏa thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính, sau đó đến dòng chảy chính trên sông Quây Sơn. Theo thỏa thuận, Việt Nam được hơn 2/3 khu vực thác Bản Giốc, 1/3 còn lại là của Trung Quốc. Hai bên còn thỏa thuận không xây dựng các công trình nhân tạo tại khu vực thác để bảo đảm cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái; đồng thời, nhất trí xem xét về việc cùng hợp tác để khai thác tiềm năng du lịch ở khu vực này. Còn đối với khu vực cửa sông Bắc Luân, hai bên đã đi đến thống nhất là: bãi Tục Lãm 3/4 thuộc Việt Nam, 1/4 thuộc Trung Quốc; bãi Dậu Gót 1/3 thuộc Việt Nam, 2/3 thuộc Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc cũng đồng ý thiết lập hệ thống giao thông thủy tự do cho nhân dân địa phương hai bên biên giới sử dụng luồng 2 bên của bãi Tục Lãm và bãi Dậu Gót. Như vậy, hai khu vực được coi là nhạy cảm nhất, cuối cùng cũng được ta và bạn giải quyết trên cơ sở nhân nhượng lẫn nhau, có lý, có tình.
Cuối cùng, ngày 31-12-2008, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ của Việt Nam và Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ của Trung Quốc cùng nhau ra Tuyên bố về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đúng thời hạn mà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước đã đề ra. Sau 8 năm vừa đàm phán vừa thực hiện phân giới cắm mốc, hai bên đã phân giới xong toàn bộ khoảng 1.400 km đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cắm 1.971 cột mốc (trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ). Đường biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc được xác định và mô tả chi tiết đúng với tình hình thực tế, phù hợp với lời văn Hiệp ước 1999; mức độ cột mốc dày đặc, dễ nhận biết, bảo đảm tính chính xác và tính bền vững, có giá trị và độ tin cậy cao cả về mặt kỹ thuật cũng như về tính pháp lý. Nói cách khác, kết quả phân giới cắm mốc là thoả đáng, thấu tình, đạt lý, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, đáp ứng yêu cầu đặt ra của cả hai bên.
Với những thành quả đạt được trên đây, có thể nói, việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc là thắng lợi chung của cả hai nước. Từ đây, hai quốc gia có cơ sở mới cho quá trình tồn tại và phát triển của mình. Đối với nước ta, việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã xác định: Bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc. Với đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được hoạch định rõ ràng bằng các văn bản pháp lý song phương, được hai bên phân định, đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới hiện đại trên thực địa, chúng ta có thể tin tưởng đó là cơ sở và điều kiện đầy đủ để các lực lượng chức năng tiến hành công tác quản lý, bảo vệ BGQG có hiệu quả. Nhân dân ở khu vực biên giới giờ đây có thể nhận biết rõ ràng về ranh giới giữa hai nước để chẳng những yên tâm định cư, làm ăn, sinh sống mà còn góp phần bảo vệ đường biên giới, tránh được các hiện tượng làm ăn, sinh sống quá sang nhau do thiếu hiểu biết về đường biên giới. Một đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết còn là điều kiện thuận lợi để chính quyền và nhân dân hai bên khu vực biên giới phối hợp, hợp tác đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những vấn đề nhạy cảm về biên giới để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Đặc biệt, đường biên giới được hoạch định, có giá trị pháp lý là vấn đề có ý nghĩa sống còn bảo đảm cho biên giới ổn định, hoà bình, tạo thuận lợi để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh không chỉ ở khu vực biên giới mà trên địa bàn cả nước.
Đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, việc hoàn thành phân giới cắm mốc đất liền đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau để cùng quyết tâm hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc trong năm 2008, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của mỗi nước về tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hợp tác, giao lưu về kinh tế, thương mại, phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực biên giới.
Việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc còn là một biểu hiện sinh động trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, phương châm "16 chữ": Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và tinh thần "4 tốt": Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt đang được hai nước thể hiện chẳng những bằng nhận thức mà còn bằng hành động cụ thể của mình. Thời gian qua, hai Đảng, hai Nhà nước đã giải quyết thành công hai vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ: Phân định các vùng biển và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (năm 2000) và Hoạch định biên giới trên đất liền (năm 2008). Với những kết quả đó, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước giờ đây đã được nâng lên tầm cao mới, lành mạnh và bền vững hơn. Chúng ta có thể tin tưởng rằng: hai nước sẽ có đủ điều kiện để cùng nhau giải quyết các bất đồng khác liên quan đến biên giới lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực (những điều khoản đã được quy định trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế), mang lại những đóng góp thiết thực đối với hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực, phù hợp với xu thế đối thoại và giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoà bình trên thế giới trong thời đại ngày nay.
TS. NGUYỄN HỒNG THAO
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao